Buộc 2 nông dân tội nhận hối lộ là khiên cưỡng

Ngày 12-7, TAND huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận đã mở phiên tòa lưu động tại trụ sở UBND xã Hàm Cần để xét xử hai nông dân Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn bị truy tố tội nhận hối lộ. Đại diện VKSND huyện Hàm Thuận Nam vẫn giữ quan điểm ông Tuấn và ông Nam phạm tội nhưng đề nghị tòa tuyên miễn hình phạt cho họ.

Bà con tự nguyện bồi dưỡng

Tại phiên tòa, cả hai bị cáo đều khẳng định mình không nhận hối lộ mà chỉ giúp các hộ nông dân nghèo viết đơn vay vốn, lập hồ sơ gửi đến ban giảm nghèo cấp xã. Sau khi UBND xã xác nhận thì cả hai chuyển hồ sơ lên Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay cho người dân.

Theo ông Tuấn, đường từ thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện đi về khoảng 60 km, vất vả, thấy ông bỏ công việc đồng áng nên các hộ dân được vay tự nguyện bồi dưỡng cho ông để chi phí xăng xe, mua card điện thoại để giao dịch.

Bào chữa (miễn phí) cho hai bị cáo có bốn luật sư (LS) gồm Đặng Huỳnh Lộc, Dương Phi Anh (Đoàn LS TP.HCM), Trần Văn Đạt, Nguyễn Hoài Tiến (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận). Các LS đã tập trung hỏi người đại diện của Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam về quyền hạn, chức vụ của hai nông dân trong việc xét cho các hộ nghèo vay vốn. Người đại diện khẳng định hai nông dân này chỉ có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng hạn. Họ không có thêm quyền hạn gì trong việc quyết định cho vay hoặc từ chối vay.

Đại diện UBND xã Hàm Cần cũng nói cả hai bị cáo không có quyền hạn, chức vụ gì và UBND xã không ra quyết định nào bổ nhiệm hai nông dân này phụ trách việc vay vốn.

Các LS cũng tập trung hỏi những người dân tố cáo ông Nam và ông Tuấn. Hầu hết mọi người đều cho biết do điều tra viên mời họ đến yêu cầu viết đơn chứ họ chỉ nghĩ đơn giản là đưa tiền bồi dưỡng cho hai nông dân giúp họ vay vốn chứ không phải tiền hối lộ. Đối với một số đơn tố cáo có cùng nội dung, một nét chữ viết, nhiều hộ dân cho biết đơn do một người viết giúp. Về điều này, đại diện VKS cho rằng sau khi điều tra lại, CQĐT đã thay đổi điều tra viên nói trên.

Hai nông dân Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn tại tòa. Ảnh: BPN

Luật sư đề nghị tuyên vô tội

Theo ông Tuấn, gia đình ông làm nông, mỗi đợt xét duyệt cho vài hộ dân vay ông đã phải bỏ hết việc nhà và mất hơn một tuần lễ để viết giúp đơn, rồi đi nhiều nơi để ký xác nhận. Sau đó ông phải vượt hàng chục cây số đi làm thủ tục. Hơn hai năm trời ông bỏ công sức ra giúp cho nhiều người. Thấy ông vất vả, họ bồi dưỡng chứ ông không hề ép buộc hay gợi ý ai.

Trả lời câu hỏi của các LS, ông Nam cho biết ông không hề nhận tiền của một hộ dân nào. Số tiền mà cáo trạng quy kết ông nhận hơn 1 triệu đồng là tiền túi của ông tạm ứng ra cho ông Tuấn mua bốn con gà đem đến Ngân hàng CSXH huyện để làm cơm trưa đãi các nhân viên ngân hàng. Sau khi nhận tiền bồi dưỡng của những hộ dân cho, ông Tuấn đã trả lại cho ông số tiền trên.

Luận tội, đại diện VKS cho rằng hành vi của ông Nam và ông Tuấn đã cấu thành tội nhận hối lộ. Tuy vậy, VKS đã đề nghị tòa miễn hình phạt đối với hai bị cáo do hành vi của họ chưa đến mức phải cách ly ra khỏi xã hội, họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Các LS không đồng tình và đều cho rằng hành vi của bị cáo Tuấn không cấu thành tội nhận hối lộ. Bởi những hộ dân có nhu cầu vay vốn, có ý nhờ ông Tuấn làm giúp và hoàn tất các thủ tục vay nên được trả công và tiền xăng xe. Đây là quan hệ dân sự và việc bị cáo bỏ công, chi phí đi lại là có thực.

Hơn nữa, LS cho rằng bị cáo là người không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc cho vay hay không cho vay tiền nên họ không thể là chủ thể của tội nhận hối lộ theo luật. Đối với bị cáo Nam, trong cuộc họp chỉ phát biểu “Bà con phụ tiền cho Tuấn đi làm giùm” không có nghĩa là Nam đồng phạm với Tuấn tội nhận hối lộ. Cả bốn LS đều đề nghị HĐXX tuyên cả hai bị cáo vô tội.

Hôm nay (13-7), phiên xử tiếp tục phần tranh luận.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

(Khoản 4 Điều 8 BLHS)

Yêu cầu bồi thường oan thì… truy tố tiếp

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, ông Nam được Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn do UBND xã Hàm Cần quản lý (ông Tuấn là tổ phó). Ông Nam thấy ông Tuấn thường phải bỏ bê việc đồng áng để lo việc này nên trong một cuộc họp với các hộ nghèo vay vốn đã đề nghị bà con phụ tiền xăng xe cho ông Tuấn đi lại liên hệ vay tiền giúp bà con. Mọi người đều đồng ý.

Tháng 3-2015, Công an huyện Hàm Thuận Nam khởi tố, bắt tạm giam hai ông về tội nhận hối lộ. Sau gần hai tháng, hai ông được cho tại ngoại. CQĐT, VKS quy kết trong hai năm 2013 và 2014, ông Tuấn đã ép những hộ dân cần vay vốn phải bồi dưỡng từ 200.000 đến 2 triệu đồng. Tổng cộng ông Tuấn đã nhận hối lộ 13,6 triệu đồng của 12 hộ dân. Với ông Nam, dù không trực tiếp đòi hối lộ nhưng khi triệu tập các hộ dân đến họp đã gợi ý bồi dưỡng cho ông Tuấn, được ông Tuấn chia hơn 1 triệu đồng.

Tháng 8-2015, TAND huyện đã phạt ông Tuấn tám năm tù, ông Nam bảy năm tù. Hai ông kháng cáo kêu oan. Tháng 12-2015, TAND tỉnh Bình Thuận đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Ngày 9-8-2016, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra đối với ông Nam và ông Tuấn theo khoản 1 Điều 25 BLHS (do chuyển biến tình hình). Không đồng ý, ông Nam và ông Tuấn gửi đơn kêu oan, yêu cầu được xin lỗi, bồi thường. Đến tháng 11-2016, Công an huyện Hàm Thuận Nam bất ngờ ra quyết định phục hồi điều tra với hai nông dân này và được VKS cùng cấp phê chuẩn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm