Trên số báo hôm qua (18-8), chúng tôi đã phản ánh trường hợp oan của hai nông dân Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn ở ấp Lò To, xã Hàm Cần, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Hai ông giúp bà con nghèo làm hồ sơ để vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và được người dân trả chút đỉnh thù lao xăng xe, card điện thoại. Ấy thế nhưng hai ông vẫn bị cơ quan tố tụng huyện này khởi tố, truy tố tội nhận hối lộ và từng bị TAND huyện này xử phạt người bảy năm, người tám năm tù.
Bản án này bị hủy để điều tra, xét xử lại. Sau khi điều tra lại, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đình chỉ điều tra ông Tuấn và ông Nam với lý do “chuyển biến tình hình” theo khoản 1 Điều 25 BLHS.
Hiện ông Nam và ông Tuấn đã nhờ luật sư làm đơn khiếu nại CQĐT và VKS về quyết định đình chỉ này. Hai ông yêu cầu hủy quyết định đình chỉ cũ và ban hành quyết định khác minh định rõ hai ông bị oan.
Theo các chuyên gia pháp luật, việc đình chỉ này là sai luật, nhằm mục đích né tránh trách nhiệm công khai xin lỗi và bồi thường oan.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn cùng vợ đang trò chuyện cùng PV báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ông NGUYỄN THÁI HÒA, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận:
Hai ông đã giúp dân nghèo rất nhiều
Hai ông Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn được Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam ký hợp đồng ủy nhiệm để giúp người dân thôn Lò To, xã Hàm Cần tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi. Nhiều năm qua, hai ông đã góp phần giúp bà con có được vốn vay để xóa đói giảm nghèo.
Hợp đồng ủy nhiệm ký giữa Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam với tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Nam làm tổ trưởng, ông Tuấn làm tổ phó đã quy định rất rõ và cả hai người này không hề có quyền hạn gì hoặc được quyết định cho vay hay không. Cụ thể, hằng tháng họ chỉ được thu lãi từ các tổ viên mang nộp về cho ngân hàng và được hưởng hoa hồng theo quy định là 0,085%, tức nếu thu tiền lãi 1 triệu đồng, hai ông sẽ được 85.000 đồng. Do tổ vay vốn thôn Lò To ít dân nên chưa có tháng nào thu quá 10 triệu đồng tiền lãi, nghĩa là hoa hồng của hai ông không tới 850.000 đồng.
Việc những người này tổ chức họp dân, viết đơn giúp dân đưa lên ban giảm nghèo, UBND xã trình ký và đi về từ thôn Lò To đến ngân hàng khoảng 60 km là có thật. Do đó, việc người dân thỏa thuận bồi dưỡng tiền xăng xe, công sức cho hai ông là quan hệ dân sự. Trước đây, khi dự phiên tòa với tư cách là người liên quan tôi cũng đã khẳng định việc này. Hai ông chẳng có quyền hạn gì, chỉ được đi thu lãi hằng tháng, không được thu tiền gốc, thậm chí cũng không được nhận tiền để trả giúp cho các hộ vay.
Luật sư LƯU VĂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Chỉ là quan hệ dân sự
Bản chất việc thỏa thuận các nội dung công việc và đưa tiền giữa người dân với hai ông Nam và Tuấn là quan hệ dân sự. Hai ông chỉ là người thay mặt theo ủy quyền cho các hộ dân nghèo và không có quyền hành gì đối với việc có vay tiền được hay là không. Nghĩa là hai ông không có chức vụ, quyền hạn gì để đáp ứng điều kiện là chủ thể của tội nhận hối lộ theo Điều 279 BLHS. Việc cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử tội nhận hối lộ là làm oan cho họ.
TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật - ĐH Thủ Dầu Một:
Phải đình chỉ vì hành vi không phạm tội mới đúng
Không phải ngẫu nhiên mà tòa phúc thẩm hủy án, trong đó có lý do chưa làm rõ các khoản chi phí, vì việc hai ông Nam và Tuấn bỏ công sức, thời gian, chi phí giúp các hộ dân vay tiền là có thật. Các lá đơn tố cáo giống nhau và chỉ có một nét chữ thì có phù hợp với ý chí của các hộ dân? Trong khi tại tòa các hộ dân đều cho rằng họ tự nguyện trả tiền công cho hai ông.
Quá trình điều tra lại, CQĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã không bổ sung được những yêu cầu của tòa phúc thẩm nên mới phải ra quyết định đình chỉ điều tra bị can. Trong khi khoản 1 Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình) chỉ áp dụng khi chính sách hình sự có thay đổi, khiến hành vi ấy không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Còn trong vụ này thì không có chính sách nào thay đổi cả.
Chi tiết điều tra viên yêu cầu ông Tuấn phải làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và cam đoan sẽ không khiếu nại về sau càng chứng tỏ công an huyện đã “thua” trong việc chứng minh tội phạm. Vì vậy, tôi cho rằng công an huyện phải đình chỉ với lý do hành vi của hai ông không cấu thành tội phạm chứ không thể đình chỉ theo kiểu né trách nhiệm bồi thường oan.
Chủ tọa phiên tòa: “Do nhận thức hơi phiến diện” Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Đỗ Quốc Hội (TAND huyện Hàm Thuận Nam, chủ tọa phiên sơ thẩm xử ông Tuấn tám năm tù và ông Nam bảy năm tù) nói: “Lúc đó chúng tôi căn cứ vào hợp đồng ủy nhiệm của Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam với tổ vay vốn do hai bị cáo là tổ trưởng và tổ phó để xác định quyền hạn nhưng sau này thấy số tiền không lớn. Lúc đó có cách tính cộng dồn lại cũng không đúng lắm và nếu tách ra từng vụ thì số tiền cũng không nhiều nên CQĐT miễn trách nhiệm hình sự”. . Thưa ông, chủ thể của tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn. Chức vụ, quyền hạn đó phải liên quan trực tiếp đến việc giải quyết công việc của người đưa hối lộ. Trong khi ông Tuấn và ông Nam chẳng có quyền hạn gì liên quan việc cho vay tiền hay không. Thế nhưng HĐXX do ông làm chủ tọa lại tuyên họ mức án quá nặng… + Luật Phòng, chống tham nhũng còn có thêm khái niệm về nhiệm vụ, do đó chúng tôi đã căn cứ chức trách, nhiệm vụ của những người này theo hợp đồng ủy nhiệm. Tuy nhiên, hồi đó nhận thức cũng hơi phiến diện; đánh giá cũng hơi thiếu kinh nghiệm. Tại phiên tòa hôm đó các bị cáo đều phản cung nên không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ được. Qua vụ án nhìn lại thấy cũng không đến mức độ nặng nề như vậy. . Cứ cho rằng họ đã nhận hối lộ 13,6 triệu đồng của 12 trường hợp, vậy sao tòa không trừ ra tiền xăng xe đi về 60 km; tiền card điện thoại để liên lạc; tiền thù lao làm hồ sơ…, bởi những chi phí trên là có thật? + Do cách nhận thức thôi nhưng rõ ràng các bị cáo cũng có cái sai khi yêu cầu bồi dưỡng trước mới thực hiện. Không phải đơn thuần là vấn đề xăng xe mà có những việc thuộc chức trách, nhiệm vụ phải thực hiện, bởi trong hợp đồng ủy nhiệm có việc trích phần trăm khi đi thu lãi. Tuy nhiên, thật ra lúc đó cũng hơi chủ quan, định xử nhẹ nhưng không có tình tiết nào giảm nhẹ nên án hơi nặng. |