Sáng 23-4, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, đã nghe lãnh đạo VKSND TP.HCM và VKSND huyện Bình Chánh báo cáo quá trình giải quyết vụ chủ quán Xin Chào Nguyễn Văn Tấn bị truy tố tội kinh doanh trái phép.
Viện trưởng VKSND Tối cao đã có những chỉ đạo sau:
Yêu cầu viện trưởng VKSND TP.HCM chỉ đạo viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh lập tức đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn do hành vi không cấu thành tội phạm (khoản 2 Điều 107 BLTTHS), đồng thời công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho ông theo quy định pháp luật.
Yêu cầu viện trưởng VKSND TP.HCM tạm đình chỉ công tác đối với lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh và kiểm sát viên trực tiếp tiến hành tố tụng để làm rõ trách nhiệm.
Yêu cầu viện trưởng VKSND TP.HCM tổng hợp vi phạm, thiếu sót trong việc xử lý vi phạm hành chính vụ này để kiến nghị UBND TP.HCM có biện pháp khắc phục và phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào.
Giao vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế ra văn bản rút kinh nghiệm toàn ngành.
Chiều cùng ngày, Viện trưởng VKSND TP.HCM Phạm Văn Gòn đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng, phó viện trưởng VKSND quận 6, nguyên phó viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, người trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ án và ký cáo trạng, đồng thời viện trưởng VKSND TP.HCM cũng chỉ đạo tạm đình chỉ công tác ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên VKSND huyện Bình Chánh, người được phân công trực tiếp kiểm sát vụ án này, để làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định.
Ông Trần Kiến Xương, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn VKSND TP.HCM, cho biết: “Ngay sau khi có thông tin chủ quán Xin Chào bị truy tố tội kinh doanh trái phép vì thiếu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo khoản 1 Điều 159 BLHS, VKSND TP.HCM đã chỉ đạo VKSND huyện Bình Chánh báo cáo và chuyển hồ sơ về để kiểm tra, thẩm định.
Qua kiểm tra, VKSND TP.HCM nhận thấy việc khởi tố, điều tra, truy tố không có căn cứ nên đã chỉ đạo VKSND huyện Bình Chánh đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn do hành vi không cấu thành tội phạm (khoản 2 Điều 107 BLTTHS). VKSND TP.HCM cũng kiến nghị UBND huyện Bình Chánh rà soát quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn để chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm.
Cũng trong chiều 23-4, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết đang chỉ đạo tổ chức kiểm điểm các cán bộ, chiến sĩ liên quan đến vụ Xin Chào. Tuy nhiên, vụ việc này do có cán bộ thuộc ban chỉ huy quận, huyện nên Công an TP.HCM chỉ có thẩm quyền kiến nghị hình thức để tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an ra quyết định xử lý.
Về hình thức xử lý cụ thể, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo phòng Tổ chức cán bộ Công an TP.HCM cho biết hiện nay ban giám đốc đang chỉ đạo Công an huyện Bình Chánh kiểm tra, xác định cụ thể người liên quan. Sau khi các cán bộ, chiến sĩ có liên quan viết kiểm điểm thì mới tính được. “Theo quy trình, cụ thể mỗi cá nhân phải làm kiểm điểm, rồi công an huyện tổ chức họp đưa ra hình thức gửi lên Công an TP ra quyết định. Riêng lãnh đạo ban chỉ huy quận, huyện do Ban giám đốc Công an TP họp đưa ra hình thức để Bộ Công an ra quyết định xử lý. Hiện tại chúng tôi chưa có danh sách cụ thể cán bộ kiểm điểm và hình thức kiểm điểm do Công an huyện Bình Chánh chưa báo cáo lên” - lãnh đạo này cho biết.
Hay tin vụ án đã kết thúc và mình đã được minh định không phạm tội, ông Tấn nghẹn ngào nói với PV Pháp Luật TP.HCM: “Tôi mong muốn kết quả này đã lâu. Tôi muốn được yên tâm làm ăn, phụng dưỡng mẹ già và đóng góp phần nào cho xã hội. Cám ơn tất cả”. |