Khi pháp luật bị ‘phết, phẩy’

Theo đó, sau gần hai năm Luật XLVPHC 2012 có hiệu lực thi hành, rất nhiều vướng mắc, bất cập đã nảy sinh khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi áp dụng. Đau đầu nhất là việc xử lý các con nghiện, có nơi sáu tháng đầu năm nay đã xử phạt hơn 400 người sử dụng ma túy trái phép, đưa vào hồ sơ quản lý nhưng chưa thể áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương hay đưa đi cai nghiện bắt buộc. Rồi thời điểm để tính thời hạn chấp hành quyết định đưa đi cai bắt buộc là thời điểm người nghiện được đưa vào cơ sở xã hội hay thời điểm quyết định của tòa có hiệu lực hiện vẫn còn mơ hồ…

Nhiều trớ trêu khác cũng được ghi nhận, đó là Nghị định 121/2013 (quy định xử phạt VPHC trong hoạt động xây dựng…) đã “vượt rào” so với Luật XLVPHC. Đơn cử, Luật XLVPHC quy định chủ tịch xã được phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa nhưng không quá 5 triệu đồng, chủ tịch huyện được phạt tiền đến 50% mức phạt tối đa nhưng không quá 50 triệu đồng (Điều 38). Tuy nhiên, Nghị định 121/2013 thì lại quy định chủ tịch xã được phạt đến 10 triệu đồng, chủ tịch huyện được phạt đến 100 triệu đồng (Điều 67, Điều 68). Lại nữa, Điều 3 Luật XLVPHC quy định một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần. Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC) cũng quy định tương tự nhưng lại thêm là một hành vi VPHC chỉ bị lập biên bản một lần. Vậy là có trường hợp phát hiện hình thức và một số nội dung không phù hợp nhưng nếu lập biên bản lại thì trái với quy định, còn nếu xử phạt dựa trên biên bản chưa chuẩn thì cũng không ổn…

Đã có nhiều ví von về tính ba không của pháp luật như: Không hợp lý, không đồng bộ, không khả thi. Từ các phát hiện nóng hổi của Luật XLVPHC, không thể không nhắc lại những quy định “trời ơi” từng gây chấn động một thời. Thông tư 33/2012 của Bộ NN&PTNT ràng buộc “thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng tám giờ kể từ khi giết mổ”. Thế nhưng với thực tế bán buôn ở xứ mình, làm sao biết được thịt “ra lò” đã tám tiếng và nếu để quá thời hạn thì chế tài thế nào? Khi bị dư luận “ném đá”, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận “không áp dụng nổi” và thế là chỉ hơn một tháng ban hành, quy định “thịt tám tiếng” đã được bộ này rút lại.

Oái oăm nhất có lẽ là những cấm đoán trong Nghị định 105/2012 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh việc không cho rắc vàng mã trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc từ gia đình tới nơi an táng, Nghị định 105 chỉ cho sử dụng bảy vòng hoa để luân chuyển trong lễ tangvà còn yêu cầu “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”. Hiện tại một số hạn chế vô lý nêu trên đã được điều chỉnh như cá nhân, thân nhân có thể dùng vòng hoa hoặc lẵng hoa, bó hoa để viếng; trong quá trình đưa tang, khuyến khích không rắc vàng mã chứ không cấm rắc vàng mã…

Mới đây có một số điều, khoản của Luật BHXH 2014, trong đó đình đám hơn cả là Điều 60 (về BHXH một lần), tuy các cơ quan chức năng cùng nhiều đại biểu Quốc hội liên tục khẳng định “quy định đúng, có lợi cho người lao động” nhưng chưa đến giờ G để thi hành thì đã bị nhiều công nhân phản ứng. Nay Quốc hội phải tính đến việc điều chỉnh nhưng bằng phương án nào thì mọi người còn phải chờ “hồi sau sẽ rõ”.

Việc mạnh ai nấy làm luật cũng rất dễ tìm dẫn chứng. Đơn cử là trong lĩnh vực nhà, đất, Luật Đất đai và Luật Nhà ở đang “chỏi” nhau về thời điểm chuyển quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở khiến dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi buộc phải tính đến chuyện thống nhất để tránh “ông chằng, bà chuộc”…

“Chỉ trong vòng 10 tháng của năm 2014 đã có hơn 9.000 văn bản pháp luật có dấu hiệu vi hiến, trái luật được các bộ ngành, cơ quan địa phương kiểm tra phát hiện”. Một con số khá ấn tượng từ cung cấp của Bộ Tư pháp và người dân cũng rất dễ để liệt kê những văn bản có tuổi đời ngắn, hoặc sống mà như đã chết. Ngặt nỗi mọi người lại rất khó để tìm thấy một cơ quan, đơn vị hay cá nhân công chức, viên chức nào đó bị xử lý đúng mức vì đã xây dựng, ban hành các văn bản có thể lợi cho mình nhưng lại gây nhiều tổn hại đến quyền lợi của người dân và uy tín của Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm