Theo kết luận điều tra, PVN có 3 đợt góp vốn vào NH OceanBank với tổng số tiền là 800 tỉ đồng. Ngày 6-5-2015, OceanBank được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, đồng thời PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại OceanBank, dẫn đến PVN “mất trắng” 800 tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, luật sư của Nguyễn Xuân Sơn hỏi thân chủ:
. Anh có biết từ khi PVN bắt đầu góp vốn vào OceanBank, tập đoàn đã cử ai làm người đại diện phần vốn góp?
+ Cử Nguyễn Hữu Sự trong suốt thời gian tôi làm TGĐ. Sau đó cử Nguyễn Thị Thanh Hương, tôi được 1 lần giới thiệu nhưng chưa có quyết định cử.
.Thủ tục PVN cử người đại diện?
+ Phải có quyết định của tập đoàn ghi rõ đại diện bao nhiêu tiền, bao nhiêu %, từ ngày nào tới ngày nào và giới thiệu với tổ chức góp vốn để họ vào sổ cổ đông. Thực tế cũng chỉ cần có quyết định thôi là được (sau đó gửi quyết định cho phía NH).
. Người đại diện được hưởng lương của PVN?
+ Đúng vậy. Tôi chưa có quyết định cử làm người đại diện phần vốn góp của PVN.
Luật sư cung cấp quyết định ngày 23-10-2008 cử ông Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện phần vốn góp (Ông Sự đại diện 12% phần vốn góp, ông Sơn đại diện 8%). Sau đó, ngày 29-12-2008 PVN cử ông Nguyễn Ngọc Sự làm đại diện 20% phần vốn góp.
Bị cáo Sơn cho biết lúc đó có quyết định nhưng chưa góp vốn trên thực tế (mới làm thủ tục góp vốn). Nói cách khác thời điểm có quyết định cử Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện phần vốn góp thì thực tế PVN chưa góp vốn vào OceanBank.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn
Trả lời luật sư Tâm, đại diện PVN - luật sư Hoàng Văn Dũng cho hay việc giới thiệu anh Sơn có hai giai đoạn: Quyết định 2649 cử NXS đại diện 8%, sau đó thay thế bằng Quyết định 3160 (sau đó hai tháng sáu ngày) thu hồi lại quyết định nói trên, quyết định này chỉ cử ông Sự. Giai đoạn hai, ngày 10-5-2011, PVN có công văn giới thiệu anh Sơn làm đại diện cho phần vốn góp của PVN tại OceanBank. Theo quy chế của người đại diện, PVN có thể dùng quyết định hoặc công văn giới thiệu, đây chỉ là hình thức về mặt pháp lý.
. Quy chế ghi rõ bổ nhiệm sau đó giới thiệu sang OceanBank, nếu như nhau thì cần gì phải có quyết định bổ nhiệm? Luật sư Tâm hỏi đại diện PVN.
+ Cái này điều lệ công ty nói rõ cử/giới thiệu người làm đại diện phần vốn góp. Chúng tôi muốn làm rõ, đây là thủ tục vì theo thỏa thuận giữa PVN và OceanBank, quyết định chỉ mang tính nội bộ của PVN. Việc OceanBank chấp nhận người đại diện đó mới là quan trọng, còn sau đó có quyết định hay gì thì chỉ là việc quản lý nội bộ của PVN mà thôi.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phản bác điều này: “Ông đại diện trả lời như vậy không thỏa đáng. Tôi được giới thiệu vào ban chấp hành trung ương đảng nhưng chưa được bầu thì chưa phải là ủy viên trung ương. Theo quy định, quyết định chưa được công bố hay tống đạt thì cũng chưa có giá trị”.
Bị cáo Sơn cũng khai sau khi chuyển khỏi OceanBank thì không làm gì nữa và cũng không được phân công làm gì.
. Có tham gia cuộc họp HĐQT nào không? - bị cáo không nhớ chính xác, có thể tham gia 1, 2 cuộc họp nào đó nếu được mời nhưng bị cáo không có ý kiến gì về các vấn đề liên quan.
. Có được đại hội cổ đông của OceanBank bầu vào HĐQT không?
+ Bị cáo chưa nhận được quyết định bổ nhiệm làm phó chủ tịch OceanBank bao giờ.
Bị cáo Hà Văn Thắm
Luật sư Tâm hỏi bị cáo Hà Văn Thắm:
. Biên bản 16-4-2011 của đại hội cổ đông thường niên, có nhớ nội dung biên bản không?
+ Cả anh Sơn và đại diện PVN đều chưa trả lời đúng vào câu hỏi của luật sư. Quyết định của anh Sơn là vô hiệu, vì TGĐ không được kiêm nhiệm việc khác, do vậy anh Sơn không thể là đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank. Chức vụ TGĐ do NHNN phê duyệt nên không phải thích nghỉ là nghỉ được. Khi PVN giới thiệu anh Sơn làm đại diện phần vốn góp thì HĐQT OceanBank chưa làm gì cả, vì lúc đó anh ấy vẫn chưa giải quyết xong thủ tục thôi chức TGĐ. Do vậy, dù có giới thiệu anh Sơn làm đại diện phần vốn góp nhưng chưa có hiệu lực, OceanBank chưa làm thủ tục gì liên quan đến việc này.
Luật sư cám ơn câu trả lời của bị cáo Thắm, vì cáo trạng xác định Nguyễn Xuân Sơn là đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank.
Trả lời luật sư Tâm về số tiền bị coi là chiếm đoạt trong hành vi tham ô, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết là bị quy kết 49 tỉ, cáo trạng nhân 20% tỉ lệ vốn góp của PVN với con số 246 tỉ (số tiền Hà Văn Thắm chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn).
. Anh có ý kiến gì?
+ Khi nhận được quy kết tham ô, bị cáo hết sức bàng hoàng. Tâm trạng, đạo đức nghề nghiệp, tư cách, phẩm chất... từ ngày làm việc đến bây giờ bao giờ bị cáo chỉ làm việc có lợi cho DN, có lợi cho Nhà nước, cho PVN. Bị cáo chưa bao giờ nghĩ, dù là trong ý tưởng có gì đó làm tổn hại đến PVN hay tham ô tài sản của PVN. Thực sự thì không thể tham ô được tiền của OceanBank vì mình không có quyền hạn, chức trách để tham ô được.
Luật sư hỏi Hà Văn Thắm:
. Theo anh, số tiền 49 tỉ này có phải là tiền của PVN bị anh Sơn tham ô không?
+ Số tiền 246 tỉ đó, anh Sơn đã chuyển tiền đó cho khách hàng (trong đó có PVN) chứ không phải tham ô, chiếm đoạt đồng nào. Thứ hai, đặt giả thiết, anh Sơn có chiếm đoạt 246 tỉ thì cũng không thể tham ô 49 tỉ, vì 246 tỉ của OceanBank thì không có nghĩa nó sẽ ra 49 tỉ của PVN. Giả sử 246 tỉ là tiền lời của OceanBank thì cũng phải chi phí trích lập dự phòng, nộp thuế... sau đó mới chia cổ tức được cho PVN. Hậu quả của anh Sơn chiếm đoạt, nếu có chỉ là làm giảm cổ tức của PVN.
. Nếu giả sử 1.576 tỉ chi lãi ngoài là thiệt hại thì quy kết 20% vốn góp của PVN nhân với 1.576 tỉ thì PVN mất rất nhiều, không chỉ là 49 tỉ?
+ PVN không mất gì cả. Đó là việc OceanBank chi ra mua vốn giá cao thì bán giá cao thôi. Bị cáo Thắm cho rằng bị cáo Sơn không chiếm đoạt số tiền nói trên vì bị cáo có những biện pháp kiểm soát việc này. Giả sử bị cáo có hồ đồ để anh Sơn chiếm đoạt tiền của mình thì cũng chỉ hồ đồ một vài lần, không thể hồ đồ mãi được. “Ở phiên tòa, luật sư cũng thấy là bị cáo không hồ đồ” - cựu chủ tịch OceanBank nói thêm.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục…