PVN để mất 800 tỉ đồng, ai chịu trách nhiệm?

Ngày 1-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục ngày xử thứ năm vụ đại án OceanBank đối với Hà Văn Thắm cùng đồng phạm. HĐXX đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến khoản vốn 800 tỉ đồng của PVN đầu tư tại OceanBank.

Tòa hỏi PVN, PVN bảo chờ tòa quyết

Ông Hoàng Văn Dũng, đại diện PVN, cho biết chủ trương ban đầu của tập đoàn là thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, Thủ tướng cho phép PVN góp vốn vào OceanBank với tỉ lệ vốn góp là 20%.

Năm 2008, OceanBank tăng vốn điều lệ từ 1.000 lên 2.000 tỉ đồng, Thủ tướng đã cho phép PVN góp 400 tỉ đồng. Sau đó OceanBank tiếp tục tăng vốn lên 3.500 tỉ đồng, PVN được góp thêm 300 tỉ đồng, rồi thêm 100 tỉ đồng để giữ tỉ lệ 20%.

Đối với việc giám sát khoản vốn tại OceanBank, qua các thời kỳ, PVN có tổng cộng ba người phụ trách công việc này, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn.

Nói về hiệu quả của việc góp vốn, ông Dũng cho rằng từ năm 2009 đến 2013, theo báo cáo tài chính thì OceanBank hoạt động hiệu quả, bốn năm liền đã mang về cho PVN 244 tỉ đồng cổ tức. Như vậy, đứng trên góc độ chia cổ tức thì không có năm nào không có lợi nhuận.

Trả lời câu hỏi trách nhiệm khi để mất 800 tỉ đồng thuộc về ai, đại diện PVN cho hay tập đoàn thấy được chia cổ tức nghĩa là ngân hàng hoạt động hiệu quả. Việc nhận định hoạt động không hiệu quả là do cơ quan chức năng đánh giá sau này, vấn đề ai chịu trách nhiệm thì đang chờ HĐXX quyết định.

Tiếp tục bị truy vấn về cơ chế giám sát khi cử người sang OceanBank, đại diện PVN nói tập đoàn kiểm soát từ xa hoạt động của các đơn vị liên kết. Tất cả quyết định về quyền hạn của người đại diện do hội đồng thành viên quyết định.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

Tòa truy trách nhiệm NHNN

HĐXX cũng mời đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để làm rõ các thông tin trong vụ án.

Trả lời về vai trò giám sát của NHNN trong việc OceanBank thực hiện chi lãi ngoài, đại diện NHNN cho biết đã thực hiện đúng với chức năng giám sát. NHNN đã tổ chức thanh tra OceanBank, có ba kết luận của thanh tra vào các năm 2012, 2014, 2015. Sau khi có kết luận thanh tra, NHNN đã nêu rõ những sai phạm của OceanBank, yêu cầu ngân hàng này thực hiện khắc phục, chỉnh sửa theo những kết luận trong kết quả thanh tra. Qua theo dõi, NHNN phát hiện OceanBank thực hiện không nghiêm túc và có biểu hiện thanh toán tiền lòng vòng và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Do đó, NHNN đã yêu cầu OceanBank cung cấp chứng từ, văn bản để chứng minh việc khắc phục sai phạm…

HĐXX hỏi thanh tra NHNN đã thanh tra toàn diện OceanBank nhưng không chỉ ra sai phạm về chi lãi ngoài, điều này là cố tình bỏ qua hay do năng lực. Đại diện NHNN cho hay không tham gia trực tiếp thanh tra nên sẽ trả lời sau. HĐXX tiếp tục hỏi quá trình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong đó có OceanBank, việc chi lãi ngoài đã kéo dài trong nhiều năm, tại sao khi thanh tra không có cảnh báo và ai là người của NHNN được cử xuống giám sát OceanBank. Vị đại diện NHNN cũng xin trả lời sau.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời trước HĐXX, bị cáo Hà Văn Thắm cũng khẳng định OceanBank không nhận được nhắc nhở của NHNN về việc chi lãi ngoài.

Chi lãi ngoài mỗi lần 20.000 USD

Để làm rõ việc chi lãi ngoài khiến OceanBank thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, HĐXX đã yêu cầu đại diện một loạt công ty, tổng công ty trả lời. Trả lời tòa, các đơn vị này cho biết có quan hệ với OceanBank, cụ thể là hợp đồng tiền gửi. Tuy nhiên, tất cả đều một mực khẳng định không được OceanBank chi lãi suất ngoài hay khoản chăm sóc khách hàng nào, đơn thuần chỉ là nhận lãi suất theo đúng quy định.

Khi HĐXX nhắc đến lời khai của Nguyễn Xuân Sơn về việc chi lãi ngoài, nhiều đại diện cho rằng đây chỉ là lời khai một phía của bị cáo. “Dịp lễ, Tết họ (OceanBank - PV) gửi hoa hoặc quà thì công ty nhận, chứ gửi tiền thì không” - đại diện một công ty nói.

Tiếp đó, đại diện Công ty CP Dầu khí miền Trung cho biết có một trường hợp được OceanBank gửi 17 triệu đồng vào tài khoản cá nhân, sau khi có văn bản của cơ quan CSĐT đã tự nguyện nộp trả nhưng đây chỉ là với tư cách cá nhân. Tương tự, dù được tòa hỏi tới hai lần nhưng đại diện Công ty Vietsovpetro vẫn nhất quyết nói rằng không hề được chi lãi ngoài.

Tuy nhiên, đối chất ngay tại tòa, bị cáo Sơn khẳng định có chi lãi ngoài cho Vietsovpetro. Theo đó, bị cáo Sơn gặp và đưa tiền cho kế toán trưởng Võ Quang Huy và tổng giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến, do đến nhiều lần nên bị cáo không nhớ con số cụ thể, áng chừng mỗi lần đưa 10.000-20.000 USD hoặc 200-300 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu (cựu giám đốc OceanBank) cũng khẳng định có chi lãi ngoài cho các công ty, trong đó có Vietsovpetro. Thu đã đến công ty này rất nhiều lần, định kỳ khoảng 2-3 tháng một lần, mỗi lần đến đều nhờ giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu liên hệ trước. Số tiền chi lãi ngoài được thực hiện theo phê duyệt Hà Văn Thắm, trong đó 70% số tiền cho kế toán trưởng và 30% cho tổng giám đốc. Toàn bộ số tiền này không ký hợp đồng, chỉ là thỏa thuận giữa hai bên. Thu cũng nói do chuyển tiền rất nhiều lần nên không nhớ là bao nhiêu.

Trả lời câu hỏi của HĐXX liên quan đến tỉ lệ chi lãi ngoài, bị cáo Thu cho hay thời điểm cao nhất Vietsovpetro gửi tại các chi nhánh OceanBank lên tới cả trăm triệu USD. Tỉ lệ chi lãi ngoài khoảng 0,1%/tháng đối với tiền Việt; đến năm 2012, do sức ép thị trường nên đổi thành 0,15%; còn với tiền USD thì tỉ lệ này chỉ khoảng 0,05%. “Bị cáo chỉ biết nhận nhiệm vụ và thực hiện. Việc chi lãi ngoài không bao giờ tự quyết định mà đều xin ý kiến của anh Thắm” - bị cáo Thu nói.

Tòa thông báo sau kỳ nghỉ lễ, ngày 5-9 tòa sẽ tiếp tục phiên xử này.

Khởi tố, bắt giam nhiều lãnh đạo PVN

Ngày 1-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết qua điều tra mở rộng (giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank và đồng phạm) đã xác định một số người khác có liên quan.

Theo đó, CQĐT xác định Nguyễn Xuân Sơn (nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, là bị cáo đang hầu tòa), Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN, hiện là phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường (nguyên là Hội đồng thành viên PVN) đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.

PVN để mất 800 tỉ đồng, ai chịu trách nhiệm? ảnh 2
Bị can Ninh Văn Quỳnh, hiện là  phó tổng giám đốc PVN, người vừa bị  khởi tố, bắt tạm giam.  Ảnh: NĐX

Ngày 31-8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với năm người nói trên, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam hai bị can Quỳnh, Thắng và khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can này.

Các bị can bị bắt tạm giam đã được dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra làm rõ, mở rộng triệt để các đối tượng và đồng phạm liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Trong khi đó, tại phiên xử OceanBank, trả lời tòa về việc đã dùng tiền Hà Văn Thắm chuyển cho để làm gì, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định đã đưa hết tiền cho Ninh Văn Quỳnh. Số tiền ước chừng khoảng 200 tỉ đồng, mỗi quý đưa 1-2 lần. Bị cáo Sơn cũng khẳng định nhiều lần Hà Văn Thắm có nhờ chuyển tiền cho lãnh đạo PVN để đối ngoại và bị cáo đã nhận rồi đưa cho Quỳnh.

NGUYỄN ĐỨC - T.PHAN

12 nhân viên tố cáo việc chi lãi ngoài

Tại tòa, có 12 người của OceanBank Chi nhánh Hải Phòng được mời lên tòa trình bày. Chị Lan, nhân viên ngân hàng, cho biết họ không nhận tiền từ hội sở để chi tiền lãi suất ngoài.

12 nhân viên của OceanBank Chi nhánh Hải Phòng cùng tố họ bị ép “mỗi người nhận một ít tiền để chi lãi ngoài”. Họ không tiếp nhận chủ trương từ hội sở mà nhận chủ trương từ lãnh đạo chi nhánh. Họ cho rằng người ép chi lãi ngoài là bà Trần Thị Kim Chi, phó giám đốc OceanBank Chi nhánh Hải Phòng. Những nhân viên này cho hay họ có bằng chứng về sự việc. Kiến nghị của nhóm nhân viên Chi nhánh Hải Phòng cũng đã được gửi lên tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm