Khó khăn trong việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự liên quan đến ông Đinh La Thăng đã được nêu ra với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong Hội nghị công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 15-11.
Cụ thể, theo ông Lê Xuân Hồng (Cục trưởng Cục Thi hành án Hà Nội) riêng vụ án cố ý làm trái ở Ocean Bank, số tiền phải thu hồi từ ông Đinh La Thăng là 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, tài sản của ông Thăng mà Cục Thi hành án Hà Nội kiểm soát được “chỉ còn một căn hộ chung cư và là sở hữu chung của vợ chồng”.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: PLO
Cũng trong vụ án này, cơ quan thi hành án kê biên được 300 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm. Tuy nhiên, muốn thi hành án thì phải bán cổ phiếu, mà bán thế nào thì các cơ quan liên quan lại phải họp bàn nên mất nhiều thời gian giải quyết.
Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình về những khó khăn mà thi hành án dân sự đang gặp phải. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Mai Lương Khôi cho biết thời gian vừa qua, tòa án xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tuy nhiên quá trình truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản đảm bảo thi hành án ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế.
Đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc tẩu tán từ trước. Với những trường hợp còn phát hiện được tài sản thì lại nằm rải rác ở nhiều địa phương, tình trạng pháp lý chưa rõ ràng… Những bất cập, yếu kém trong tố tụng như vậy khiến cho án tuyên thi hành giá trị lớn nhưng khả năng thực hiện lại không được bao nhiêu.
Đáng chú ý, trong các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tài sản phong tỏa được thì lại chính là những tài sản trước đó thế chấp để bảo lãnh cho vay. Chuyển sang thi hành án thì giá thẩm định khi kê biên đấu giá lại thấp hơn giá trị được định giá khi thế chấp. Vì vậy người có tài sản thường phản đối, gây khó cho việc bán tài sản để thi hành án…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ với những khó khăn cũng như đánh giá cao nỗ lực mà Bộ Tư pháp, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự trong năm qua.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý một số mặt tồn tại trong công tác thi hành án dân sự. Chẳng hạn, chấp hành viên vẫn còn một số sai phạm thiếu sót. Số trường hợp chấp hành viên bị kỷ luật, xử lý theo pháp luật năm 2018 tuy có giảm nhưng vẫn còn 17 trường hợp. Một số việc thi hành án tồn đọng từ nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhìn nhận thi hành án là công đoạn cuối cùng, phản ánh kết quả, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tố tụng, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công an tăng cường truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản do phạm tội mà có; có cơ chế thẩm định, định giá chính xác, chặt chẽ đối với tài sản kê biên trong các giai đoạn tố tụng qua đó tăng tính khả thi cho các phán quyết của tòa.
Với VKSND Tối cao, Phó thủ tướng đề nghị quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người thi hành án chây ỳ, tẩu tán tài sản. Ông đề nghị ngành tòa án giải quyết tốt hơn các vụ án tranh chấp, yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, ban hành bản án có tính khả thi cũng như kịp thời giải thích bản án khi có vướng mắc.
Năm 2018, tổng số việc thi hành án dân sự phải thực hiện là hơn 900.000 việc, trong đó số có điều kiện thi hành chiếm tỉ lệ 77,9%. Số đã thi hành xong là trên 570.000 việc, đạt tỉ lệ 80,3%. Tính theo giá trị thì tổng số tiền phải thi hành án là hơn 178.628 tỉ đồng nhưng qua phân loại chỉ gần 51,3% có điều kiện thi hành, trong đó đã thi hành xong trên 34.520 tỉ đồng, đạt tỉ lệ hơn 38,3%. (Nguồn: Tổng cục Thi hành án, Bộ Tư pháp) |