Tranh luận vụ bỏ thuốc chuột vào nồi bún bò

Như PLO đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa đình chỉ điều tra vụ án vì cho rằng hành vi bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo bún bò không cấu thành tội phạm.

Quyết định này khiến nhiều bạn đọc ngạc nhiên, thắc mắc. Dưới đây là ý kiến phân tích của các luật sư (LS) về vụ này.

Hành vi đã cấu thành tội giết người

LS Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng lý do đình chỉ mà CQĐT nêu ra là không thuyết phục, thiếu căn cứ. Việc đình chỉ điều tra là bỏ lọt tội phạm.

Theo LS Thư, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào cho biết liều lượng thuốc chuột có trong thức ăn khi ăn vào thì gây chết người. CQĐT căn cứ vào cơ sở khoa học nào để khẳng định là nồi nước lèo có chứa độc này không làm chết người mà chỉ gây ngộ độc? Thực tế là chó đã chết khi ăn.

Về động cơ, việc bỏ thuốc chuột vào nồi là do thù ghét, mâu thuẫn cá nhân. Khi bỏ thuốc diệt chuột vào nồi, người bỏ phải biết là có hậu quả chết người nếu có người ăn phải, việc không có người ăn là do may mắn bị phát hiện sớm, hậu quả không xảy ra là nằm ngoài ý muốn của người bỏ. Như vậy, dù bị can không muốn nhưng đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Về hành vi khách quan, bị can đã thực hiện hết các hành vi như mua thuốc, lén bỏ vào nồi nên hành vi khách quan đã hoàn thành. Như vậy, hành vi bỏ thuốc chuột vào nồi nước đã cấu thành tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS 1999.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai mẫu phẩm nước lèo đều có sự hiện diện của thuốc diệt chuột, chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng.

Phạm tội chưa đạt chứ không phải không phạm tội

Đồng tình, LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng lý do đình chỉ không thuyết phục. Bởi lẽ, thứ nhất, khi bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo thì bà Điệp hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm không chỉ cho bà Tuyết mà còn với những khách hàng ăn tại đây.

Hành vi của bà Điệp lá cố ý gián tiếp, thực hiện hành vi nguy hiểm còn hậu quả có xảy ra hay không, xảy ra với ai thì bỏ mặc nhưng bà Điệp hoàn toàn ý thức được.

Thứ hai, hàm lượng bao nhiêu thì có thể gây ra nguy hiểm hay chết người thì ngay cả khoa học Việt Nam cũng khó xác định, huống hồ gì đối với bà Điệp. Nhưng ai cũng ý thức được thuốc chuột gây nguy hiểm cho người khác.

Ý thức của bà Điệp là chỉ nhằm phá hoại hay phạm tội được chứng minh thông qua hành vi, không thể chỉ dựa vào lời khai.

Hành vi của bà Điệp cho thấy bà đã cố ý bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo và nếu chị Tuyết không phát hiện thông qua biểu hiện bất thường, qua camera thì những khách hàng của chị Tuyết có thể đã là nạn nhân.

Thứ ba, (do sự việc được phát hiện nên) hậu quả chưa xảy ra không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội giết người, mà nó chỉ là tình tiết đánh giá hành vi phạm tội là chưa đạt.

Thứ tư, bằng việc bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo khi bà Điệp biết chị Tuyết sẽ bán cho nhiều người là “phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”.

Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét lại việc đình chỉ vụ án trong trường hợp này.

Cơ quan chức năng thu giữ hai mẫu nước lèo mang đi giám định

Không giết người, cũng không cố ý gây thương tích

Tuy nhiên, LS Nguyễn Sa Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có quan điểm khác.

LS Linh cho rằng: Theo tìm hiểu thì thuốc diệt chuột là một trong những loại thuốc cực kỳ nguy hiểm với loài chuột nhưng lại khá an toàn với con người; tuy nhiên, nếu dùng một lượng lớn sẽ gây tử vong ở người.

Thời gian tử vong do uống thuốc chuột phụ thuộc vào liều lượng và lứa tuổi của người sử dụng, phụ thuộc vào tỷ lệ bao nhiêu thuốc trong bao nhiêu nước.

Phần lớn các loại thuốc khi nhập về Việt Nam nếu có hàm lượng độc tố vượt ngưỡng an toàn cho phép đều bị cấm lưu hành trên thị trường (tuy nhiên vẫn có một số loại thuốc vượt ngưỡng, bị cấm, nhưng vẫn bán trôi nổi trên thị trường).

Do hàm lượng độc tố không gây chết người và không có ý thức giết người nên hành vi không cấu thành tội giết người theo quy định của BLHS 1999. BLHS 1999.

LS Linh cho rằng cũng không thể truy cứu Điều 104 BLHS 1999 về tội cố ý gây thương tích, bởi điều luật này quy định phải gây ra hậu quả (thương tật hay tổn hại cho sức khoẻ người khác) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) được áp dụng kể từ 1-1-2018 có bổ sung quy định về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đối với sức khoẻ người khác (khoản 7 Điều 134), những hành vi tương tự như bỏ chất có hại đến sức khoẻ vào thực phẩm có thể bị truy cứu TNHS”- LS Linh nói.

Quan điểm của bạn về vụ án này như thế nào? 

 Khởi tố vụ án rồi đình chỉ

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chị Trần Thị Bạch Tuyết nấu bún bò, bún riêu bán đồ ăn sáng trước nhà số 73D Nam Cao, khu phố 1, phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM.

Rạng sáng 25-12-2016, chị Tuyết dọn hàng ra rồi chạy đi chợ. Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên bà Hồ Thị Ngọc Điệp (cô chồng của chị Tuyết) đã lén đổ một gói thuốc vào nồi nước lèo.

Ngày 12-1-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời thu giữ hai mẫu nước lèo gửi về Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để phân tích.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai mẫu phẩm nước lèo đều có sự hiện diện của thuốc diệt chuột, chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng.
Tại CQĐT, bà Điệp thừa nhận chính bà là người đã bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo của chị Tuyết.
Tuy nhiên, đến ngày 27-7-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã đình chỉ điều tra vụ án. 
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, sau khi điều tra, nhận thấy hành vi dùng 2g thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước lèo của bà Điệp không đủ lượng để gây ngộ độc chết người và chỉ nhằm phá hoại không cho chị Tuyết bán hàng cho khách, không có ý thức giết người và thực tế sự việc bị phát hiện nên hậu quả chưa xảy ra. Do đó, hành vi của bà Điệp không cấu thành tội giết người. Căn cứ khoản 2 Điều 107 BLTTHS, CQĐT đã đình chỉ điều tra vụ án hình sự này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...