Chiều 25-9, chị Trần Thị Bạch Tuyết (ngụ đường Nam Cao, phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM) cho biết đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đối với bà Hồ Thị Ngọc Điệp theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS do hành vi của bà Điệp không cấu thành tội phạm.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, bà Điệp có hành vi dùng 2g thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước lèo bán bún bò, bún riêu cho khách của chị Tuyết.
Tuy nhiên, số thuốc diệt chuột này không đủ lượng để gây ngộ độc chết người và chỉ nhằm phá hoại không cho chị Tuyết bán hàng cho khách, không có ý thức giết người và thực tế sự việc bị phát hiện nên hậu quả chưa xảy ra nên hành vi của bà Điệp không cấu thành tội giết người.
Do đó, ngày 27-7-2017, CQĐT đã đình chỉ vụ án. Quyết định đình chỉ điều tra đã được VKSND TP.HCM kiểm sát. Ngày 14-8-2017, VKSND TP.HCM đã có Kết luận kiểm sát kết luận việc đình chỉ là có căn cứ.
Chị Trần Thị Bạch Tuyết cho biết sẽ khiếu nại quyết định đình chỉ vụ án này.
Công an nhanh chóng có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường điều tra, làm rõ vụ việc.
Như đã thông tin, sự việc xảy ra rạng sáng 25-12-2016. Chị Tuyết bắc nồi nước lèo bún bò, bún riêu lên bếp rồi chạy ra chợ.
Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên bà Điệp (cô chồng của chị Tuyết) đã lén đổ một gói thuốc vào nồi nước lèo.
Khi chị Tuyết trở về, thấy nồi nước lèo nổi lên nhiều bọt lạ bất thường nên nghi có chuyện xấu và đã kiểm tra camera, phát giác sự việc nên trình báo.
Ngày 12-1-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời lấy mẫu giám định.
Lý do đình chỉ vụ án như nêu trên đã gây nhiều tranh cãi.
Nhiều ý kiến cho rằng việc CQĐT cho rằng bà Điệp bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu chỉ nhằm phá hoại không cho chị Tuyết bán hàng cho khách, không có ý thức giết người là không thuyết phục. Bởi khi bà Điệp bỏ chất độc này vào nồi nước lèo thì bà Điệp hoàn toàn có khả năng nhận thức được mức độ nguy hiểm của thuốc chuột có thể gây chết người hoặc thậm chí chết nhiều người.
Việc bỏ thuốc vào nồi nước lèo chính là “phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”. Hành vi này có thể làm chết nhiều người nếu như không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Ở một góc nhìn khác, tuy cũng không đồng tình với căn cứ đình chỉ vụ án của CQĐT nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần xác định rõ xem bà Điệp có thực sự nhận thức được đầy đủ hậu quả từ hành vi của mình trước khi thực hiện hay không, nếu không thì hành vi của bà Điệp có thể là phạm tội chưa đạt...