Lúc kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ còn sống, có lần ông giảng giải cho tôi về quy hoạch của Sài Gòn dưới thời Pháp. Đại khái, người Pháp sau khi chiếm thành Gia Định, đặt nền móng thuộc địa ở xứ này, họ xây nhà thờ chính tòa ở nơi cao nhất của TP trên đỉnh một ngọn đồi, chính là nhà thờ Đức Bà. Gần đó, họ xây dinh Thống đốc Nam Kỳ, gọi là dinh Norodom (tức dinh Độc Lập, hội trường Thống Nhất bây giờ). Từ hai công trình lớn này, người ta làm hai con đường chạy xuống chân đồi, thẳng tới sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Hai con đường tạo thành hai trục chính, gọi là trục Cardos và Dominius. Từ hai trục chính này, họ bắt đầu tạo những con đường vuông vức theo ô bàn cờ để phân lô. Những con đường nằm trong và rìa của hai trục này là khu vực trung tâm hành chính, bắt đầu xây dựng các tòa nhà công sở, dịch vụ, kinh doanh… đấy chính là quận 1 sau này.
Còn từ phía bắc ngọn đồi trở đi được quy hoạch chủ yếu là nơi ở cho các viên chức Pháp hoặc người Việt. Rất nhiều dinh thự, biệt thự đã được xây dựng nơi đây, đủ hình đủ kiểu, cực kỳ đa dạng, đó là khu vực quận 3.
Đa dạng kiến trúc
Xét về các kiến trúc trước năm 1975, ở Sài Gòn tồn tại ba trào lưu kiến trúc, cả ba trào lưu này đều có đầy đủ và rất nhiều ở khu vực quận 3, đó là:
Kiến trúc bản địa: Những kiến trúc cổ lúc còn thành Gia Định, chủ yếu bằng gỗ, gạch như tòa nhà gỗ (dinh Tân Xá) trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục Sài Gòn…
Kiến trúc Đông Dương, hay còn gọi là kiến trúc thuộc địa, là những tòa nhà kiểu Pháp cổ bằng bê tông cốt thép, phần lớn màu vàng hoặc trắng, có rất nhiều và đa dạng như cụm các biệt thự cổ của KTS Huỳnh Tấn Phát trên đường Tú Xương hay dinh phó tổng thống ở cuối đường Lê Quý Đôn (nay là Nhà thiếu nhi TP), các trường học Gia Long (nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Marie Curie…).
Bông giấy, “mốt” một thời khá nhiều với đường phố vắng xe. (Ảnh tư liệu)
Kiến trúc hiện đại trong những năm 1960, hay còn gọi là kiến trúc nhiệt đới, là những kiến trúc hiện đại, vuông vức, mái bằng hoặc dùng fibrocement nhưng thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ở miền Nam. Lối kiến trúc tạo sự thoáng đãng với nhiều cửa sổ và dùng rất nhiều bông gió để thông gió mà vẫn che nắng, đồng thời trang trí luôn cho công trình. Điển hình là nhiều biệt thự trên đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng), đường Bà Huyện Thanh Quan… Nhiều KTS nổi tiếng ở Sài Gòn đã nhận được lời mời thiết kế các biệt thự quận 3. Đặc biệt là KTS Trần Đình Quyền, mặc dù ông ít thiết kế biệt thự mà chủ yếu thiết kế bệnh viện nhưng triết lý thiết kế hạn chế sử dụng máy lạnh vừa tốn kém năng lượng vừa không lợi cho sức khỏe mà đề cao việc tạo không gian thông thoáng để luân chuyển không khí sạch và mát của ông đã tác động đến rất nhiều KTS khác, góp phần tạo nên sự phong phú của phong cách kiến trúc hiện đại này tại các biệt thự ở quận 3.
Không chỉ ở mặt tiền, trong các con hẻm ở quận 3 cũng có rất nhiều biệt thự. Đây mới đúng là nơi cực kỳ yên tĩnh để ở vì hoàn toàn khuất tiếng xe cộ. Đó là những hẻm lớn với các căn biệt thự tiếp nối. Đường Duy Tân nổi tiếng với những con hẻm cụt biệt thự, nơi cư ngụ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Bạch Tuyết, Thẩm Thúy Hằng… Mua biệt thự ở quận 3 là mục tiêu của những người giàu có ngày đó để khẳng định địa vị cũng như tận hưởng không gian sống.
Có một dạo từ những năm 1960, chủ nhân nhiều biệt thự ở quận 3 ưa thích trồng những hàng bông giấy đủ màu ở cổng biệt thự. Giống hoa này, đất càng khô cằn càng nở nhiều hoa. Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng, sáu tháng mùa khô là lúc những hàng bông giấy nở tung, đường phố đẹp hẳn với những cánh hoa giấy trắng, hồng, cam phủ đầy trên hàng rào cũng như dưới vỉa hè.
Những con đường thi nhân
Trả lại em yêu, khung trời đại học/ Con đường Duy Tân cây dài bóng mát (Phạm Duy).
Là khu vực để ở với không gian biệt thự rộng, thoáng, quận 3 được trồng rất nhiều cây xanh tỏa bóng. Khác với Hà Nội, Hải Phòng hay Huế, Đà Nẵng ở miền Bắc và miền Trung chỉ trồng những loại cây thấp, nhỏ, tán hẹp lá thưa, Sài Gòn là TP có rất nhiều cây xanh cao vút và có bóng mát tỏa rộng trên đường. Lý do rất đơn giản là Sài Gòn không lo bị bão lớn như những TP khác, xác suất cây bị gió quật đổ, bật gốc rất thấp. Nhờ vậy, giữa trưa nắng nóng chang chang chạy vào các con đường quận 3 mát rười rượi bởi những hàng cây phủ bóng mát kín khắp mặt đường.
Nhiều biệt thự nên ít căn hộ, cuộc sống khép kín nên ít hàng quán, cửa hàng, xe cộ cũng thưa, giảm ồn ào tiếng máy nổ, cộng thêm mật độ cây xanh dày đặc nhất TP, quận 3 luôn tĩnh lặng, tịch mịch, trầm lắng, thời gian như trôi qua chậm hơn ở đây. Chính không gian lãng mạn đó đã khiến những người đặt tên đường chọn những thi nhân để đặt tên cho con đường rợp bóng cây: Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Yên Đổ, Kỳ Đồng, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Chiểu… Ngoài ra, còn một số quan lại, nhà nho, nhà văn hóa để lại tác phẩm văn học cho đời cũng được đặt tên ở đây như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thông, Ngô Thời Nhiệm, Lê Ngô Cát, Trương Minh Ký… Chạy xe trên những con phố ở quận 3, qua những hàng me xanh, những con đường đầy hoa hoàng điệp lại liên tưởng đến bài hát ca ngợi về những vẻ đẹp Sài Gòn xưa:
Nhớ Sài Gòn những chiều ngợp gió/ Lá hát như mưa suốt con đường đi/ Có mặt đường vàng hoa như gấm/ Có không gian màu áo bay lên (Trịnh Công Sơn).
Sau năm 1975, những con đường rợp cây và hoa ở quận 3 vẫn tạo nên cảm xúc cho những nhạc sĩ mới đặt chân về Sài Gòn. Khi nhẩm hát những lời tình ca cũ theo vòng bánh xe quay, chợt thấy lòng nhẹ nhàng phơi phới, thấy nắng nhạt đi và cuộc đời thật đẹp.
Mai một
Đã hai lần biệt thự ở quận 3 trải qua kiếp nạn, thay hình đổi dáng. Cả hai lần đều diễn ra sau khi đất nước thống nhất. Lần đầu tiên là ngay sau ngày 30-4, những người chủ cũ đã vội vã rời khỏi Việt Nam, di cư ra nước ngoài khi tiếng súng vẫn còn nổ ầm ì ngoài phía Nam Trung Bộ, những ngôi nhà vắng chủ được trưng dụng và phân lại cho các chủ nhân mới. Sau đó là một thời gian dài kinh tế xuống dốc, cuộc sống khó khăn, nhiều căn biệt thự bị hủy hoại từ chính chủ nhân mới. Thảm cỏ xinh đẹp vốn không được chăm sóc nay bị cày xới lên để trồng rau hay khoai lang. Hồ bơi bị bít lại để làm thành ao nuôi cá. Sân chơi, nhà mát bị gia cố làm chuồng heo. Sợ trộm cướp, người ta rào thêm kẽm gai hàng rào hoặc dùng bất cứ tấm sắt hay tôn cũ nào che chắn để nâng tường rào lên mà mới nhìn qua bên ngoài trông biệt thự như những căn nhà ổ chuột. Đấy là chưa kể biệt thự được chia cho nhiều hộ ở chung, người ta xây tường chia cắt các gian phòng, xẻ tường thêm cửa… Tóm lại là nhếch nhác từ trong ra ngoài, rất hiếm biệt thự còn giữ được phần nào vẻ đẹp nguyên thủy. Khi mà giải quyết cái đói, cái lo là mối quan tâm, là ưu tiên hàng đầu, cái đẹp bị gạt xuống tận cùng hoặc xóa sổ.
Sau 20 năm, kinh tế khá dần lên, xuất hiện những nhà giàu mới. Một số biệt thự được sang tay, tu sửa, trả lại vẻ đẹp cũ nhưng nhiều biệt thự khác ở quận 3 không may mắn như vậy, nó bị sửa chữa biến đổi công năng, không còn là nơi để ở mà trở thành nơi kinh doanh như quán cà phê, karaoke, nhà hàng… Tệ hơn, nhiều biệt thự đứng trước nguy cơ bị phá hủy luôn để lấy đất xây cao ốc. Tốc độ đập phá biệt thự lên đến mức chóng mặt, không gian kiến trúc đặc thù của quận 3 bị hủy hoại không thương tiếc mặc dù hàng loạt chương trình nghiên cứu bảo tồn kiến trúc của TP đã ra đời. Ông Tim Doling, người viết cuốn Exploring Ho Chi Minh City, than thở: “Trong thời gian chờ in cuốn sách hướng dẫn du lịch về các di sản của TP.HCM, chỉ sáu tháng đó thôi mà tôi phải loại ra khỏi bản thảo năm địa chỉ biệt thự vì nó đã bị phá bỏ”.
Với sự gia tăng chóng mặt của các cao ốc, nhà hàng, quán nhậu, văn phòng công ty…, chẳng bao lâu nữa những quần thể biệt thự yên ả của quận 3 rồi cũng phôi pha, trở thành chốn thị thành náo nhiệt như các quận khác.
KTS Lê Quang Ninh, nguyên Chủ nhiệm chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP.HCM: Mất đi hơn 50% biệt thự quý Tôi nghĩ công trình của chúng tôi đã thất bại. 108 biệt thự có giá trị của TP, trong đó rất nhiều ở quận 3 mà chương trình đã đưa vào danh sách cần bảo tồn, giữ gìn nay phỏng đoán bị mất đi trong thời gian qua là khoảng 25% nhưng nếu khảo sát sẽ cho thấy đã mất đến hơn 50%. |