Câu chuyện anh hùng - Bài 1: “Tôi muốn biết lý do”

LTS: Trong chiến tranh, có vô vàn những con người dám quên mình để xả thân vì nước. Họ đã làm nên biết bao chiến công thần kỳ, tạo nên nhiều câu chuyện anh hùng khiến lớp trẻ hôm nay phải khâm phục. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, không phải ai cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.

Ông Ba Náo tên thật là Lâm Sơn Náo, năm nay đã 76 tuổi, nhà ở Nhà Bè, TP.HCM. Ông từng được mệnh danh là huyền thoại sống của chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định. Cái tên của ông gắn liền với câu chuyện anh hùng về chiến công đánh hủy tàu chiến USNS CARD của Mỹ trên cảng Sài Gòn khiến cả thế giới phải rúng động.

Thế nhưng đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, ông vẫn chưa được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Sự kiện chấn động thế giới

Ông Ba Náo kể sau lần đánh bom hụt con tàu chiến chở vũ khí US COREE của Mỹ neo đậu ở cảng Sài Gòn ngày 29-12-1963 (nhưng chưa bị lộ), ông lên kế hoạch cho lần sau. Năm tháng sau, ngày 2-5-1964, ông cùng một đồng đội đã đánh chìm tàu USNS CARD dài 151 m, trọng tải 16.500 tấn chở vũ khí và máy bay của Mỹ tiếp tế cho quân đội Việt Nam Cộng hòa.

“Sau khi biết thông tin một con tàu cực lớn, chở hơn 100 máy bay chiến đấu và nhiều vũ khí hạng nặng sắp cập cảng Sài Gòn, tôi lên căn cứ gặp chỉ huy trình bày kế hoạch chi tiết và xin hai khối thuốc nổ TNT, mỗi khối nặng 44 kg và 4 kg C4, loại thuốc nổ cực mạnh. Do bố tôi ngày trước là người xây dựng cống thoát nước xung quanh khu vực cảng nên tôi rất rành đường đi nước bước hệ thống cống ngầm này. Theo kế hoạch, tôi đưa khối thuốc nổ vào cống và men theo đường cống ra ngay bờ cảng chỗ tàu neo đậu và cho nổ ở vị trí đó”.

Câu chuyện anh hùng - Bài 1: “Tôi muốn biết lý do” ảnh 1

Ông Ba Náo muốn biết lý do vì sao ông không được phong tặng anh hùng. Ảnh: HÀN GIANG

Hôm đó, thuyền vừa đến khu vực bờ Thủ Thiêm thì gặp toán lính bảo an, sau đó là tàu cảnh sát chế độ cũ. Chúng truy xét khá kỹ nhưng nhờ nhanh trí, Ba Náo dùng chiêu lo lót nên qua mặt chúng dễ dàng. Tuy vậy, khi thuyền vào vị trí cống ngầm thì cũng đã gần 1 giờ sáng.

Ông Ba Náo kể ông và đồng đội Hai Hùng phải lăn lê bò trườn đẩy thuyền đi trong bùn đen hôi thối. Đến khi không còn đẩy thuyền được nữa, ông bảo Hai Hùng đứng ngoài chờ, một mình ông ôm khối thuốc nổ và dây chằng ra ngay bờ cảng, sát con tàu USNS CARD. Bên trên bọn thợ và lính Mỹ đang lắp ráp máy bay. Dựa vào địa thế các cột dưới gầm cầu, ông gài hai khối thuốc nổ ở hai cột cách nhau 10 m rồi kích hoạt đồng hồ hẹn giờ và rút êm.

Đúng 3 giờ sáng, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên phía bến cảng Sài Gòn. Hơn 100 lính Mỹ thiệt mạng và bị thương, toàn bộ vũ khí và mấy chục máy bay địch bị phá hủy. Vụ nổ gây chấn động cả thế giới. Liên tục những ngày sau đó báo chí Sài Gòn và thế giới đăng tin…

Không được phong anh hùng

Ba Náo tâm sự: “Năm 1976, có một danh sách đề nghị tuyên dương anh hùng hơn 40 chiến sĩ biệt động thành và một số đơn vị. Bộ Tư lệnh thành và Quân khu 7 có gọi lên làm thủ tục vào khoảng tháng 10-1976 để tháng 12 năm đó phong tặng anh hùng. Nhưng do thời gian đó tôi đang đi học Trường Quân chính Quân khu, công việc nhiều nên không có thời gian để về gặp các đồng chí làm thủ tục. Tôi ỷ y đang học thì phải học cho xong đã, chuyện làm thủ tục tính sau cũng được. Với lại hồi đó mấy ai nghĩ chuyện chăm chăm đi làm thủ tục thành tích đâu. Sau khi đi học về, các bạn chiến đấu đều được phong quân hàm hết, riêng tôi dính nạn “Hoa kiều” nên tôi chuyển ngành làm ở Sở Nhà đất rồi Công ty Cây xanh TP. Đến năm 1987 về làm phó giám đốc Công ty liên doanh Xuất nhập khẩu Thủy sản và về hưu năm 1996”.

Câu chuyện anh hùng - Bài 1: “Tôi muốn biết lý do” ảnh 2

Con tàu USNS CARD trước lúc bị đánh chìm. Ảnh tư liệu

Câu chuyện anh hùng - Bài 1: “Tôi muốn biết lý do” ảnh 3

Để kỷ niệm cho sự kiện này, con tem được phát hành tại Việt Nam giai đoạn 1960-1964 với tên gọi Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đánh. Ảnh tư liệu

Trầm ngâm, ông kể tiếp: Năm 2009, trong một lần ông được mời ra Hà Nội, mấy đồng chí Tư lệnh Phòng không, Không quân có hỏi tại sao người ta bắn rơi một vài máy bay địch là được phong anh hùng, còn ông đánh chìm tàu chiến chứa cả trăm máy bay địch mà đến giờ vẫn chưa được công nhận…

Năm 2010, một số thủ trưởng cũ của ông như ông Tư Chu - nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn, Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) - nguyên Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định có làm bản đề nghị được phong anh hùng cho ba người gồm có ông Nguyễn Xuân Trí, ông Lâm Sơn Náo (Ba Náo) và ông Đoàn Minh Chiến.

Sau khi đề nghị, Bộ Tư lệnh TP.HCM gọi lên làm thủ tục. Do quy trình thủ tục mới, Bộ Chỉ huy không còn quản lý ông Ba Náo mấy chục năm nay nên ông được hướng dẫn về địa phương xác nhận. Hội đồng thi đua phường Tân Phú, quận 7 xét có kèm văn bản nhất trí 100%. Chủ tịch, bí thư phường và quận cũng có văn bản riêng đề nghị.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, ông nhận được văn bản trả lời của Bộ Tư lệnh TP.HCM với nội dung: “Bộ Tư lệnh thành phố không nhất trí đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Lâm Sơn Náo”.

* * *

Gặp ông Ba Náo trước ngày Thương binh, liệt sĩ, ông buồn buồn tâm sự: “Lúc tôi bị bắt tháng 2-1967, không biết trong hồ sơ địch để lại ghi gì trong đó. Tôi nghi có thể địch ghi tầm bậy về tôi trong hồ sơ. Phải chăng chính vì thế mà tôi không được phong tặng anh hùng?!”. Im lặng một chút, chừng như để trấn tĩnh sự xúc động, ông tiếp: “Với tôi, chuyện được phong hay không không quan trọng lắm. Nhưng tâm niệm cuối đời của tôi là phải biết được lý do vì sao mình không được phong anh hùng. Tôi muốn được một lần xem lại hồ sơ của địch nói về tôi, nếu chưa được xem, chắc tôi chết không nhắm mắt…”.

Không được công nhận liệt sĩ

Suốt bốn năm qua, bà Trần Nguyệt Ảnh, ngụ ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã đến khắp các cơ quan chức năng trong tỉnh để đề nghị công nhận cha mình là liệt sĩ. Nhưng yêu cầu chính đáng của bà chưa được cơ quan nào chấp nhận chỉ vì lý do: Lúc còn sống, cha bà đã không đi làm hồ sơ thương binh.

Ông Trần Văn Tuất, cha bà Ảnh, sinh năm 1934, là một sĩ quan quân đội, từng bị thương và mất sau 1975 khi đang điều trị thương tật.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, ông Tuất có quá trình tham gia cách mạng trên 30 năm với nhiều cống hiến đáng kể. Ông từng bị thương trong chiến đấu, bị địch bắt, tù đày, tra tấn. Sau hòa bình, các vết thương tái phát, gia đình đưa ông đi trị bệnh nhiều nơi nhưng đã từ trần tại BV 121 Cần Thơ vào năm 1983, lúc ông 49 tuổi. Khi ông mất, nhân dân và Huyện ủy Trần Văn Thời đề nghị không chôn cất trong đất gia đình mà đưa ông vào nghĩa trang liệt sĩ huyện. Nhưng do lúc ấy nghĩa trang mới khởi công nên ông Tuất được nằm ở cạnh bên, chờ xây dựng xong sẽ di dời vào.

Đến năm 1985, khi nghĩa trang xây xong, gia đình ông Tuất được trả lời là do mộ ông còn mới, thịt chưa phân hủy nên phải chờ thêm thời gian. Chờ mãi không được, gia đình xót ruột xin bốc cốt ông Tuất về chôn ở phần đất gia đình nhưng cũng không được giải quyết. Sau đó, gia đình ông Tuất lại được cho biết là ông không đủ tiêu chuẩn đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, do ông không phải là liệt sĩ.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau trả lời rằng trường hợp của ông Tuất chỉ được xem xét công nhận là liệt sĩ khi có thẻ thương binh và có hồ sơ thể hiện ông chết tại bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên do những vết thương tái phát. (Khi còn sống, ông Tuất đã không làm thẻ thương binh)

Nhiều cán bộ lão thành và nhân dân xác nhận ông Tuất xứng đáng được công nhận liệt sĩ. Theo đó, với nhiều vết thương trên người như gãy tay, gãy be sườn, bị địch bắt đánh đập, hành hạ nhiều lần…, Tỉnh đội Cà Mau xác nhận ông Tuất mất sức lao động đến 64% khi ông còn là huyện đội phó huyện Trần Văn Thời. Ông được điều trị bệnh tuyến tỉnh và BV 121 Cần Thơ nhiều năm liền nhưng không qua khỏi.

Tại một cuộc họp dân ở địa phương vào tháng 6-2011, tất cả ý kiến đều khẳng định ông Tuất rất xứng đáng vào nằm trong nghĩa trang liệt sĩ huyện. Đồng thời, dân đề nghị Nhà nước không nên hành chính máy móc mà phải xem xét, lập hồ sơ liệt sĩ cho ông Tuất.

TRẦN VŨ

HÀN GIANG - PHAN DUNG - THÚY HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm