Đối thoại Shangri-La sẽ bàn biển Đông

Trung Quốc bành trướng quân sự và tình hình căng thẳng ở biển Đông sẽ là chủ đề then chốt tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore, theo nhận định của hãng tin Bloomberg.

Trung Quốc chỉ cử đô đốc

Đối thoại Shangri-La do Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược (IISS) ở Anh tổ chức kéo dài trong ba ngày kể từ ngày 3-6 nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh và chính sách quốc phòng.

Đây là hội nghị về quốc phòng có uy tín nhất trong khu vực. Các bộ trưởng Quốc phòng cùng các tướng lĩnh và các chuyên gia quân sự của 35 nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tham dự hội nghị đối thoại.

Về phía Mỹ, lần thứ hai liên tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự Đối thoại Shangri-La.

Tháp tùng với ông Ashton Carter có Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ và Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.

Trung Quốc không cử Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn.

Báo South China Morning Post dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La.

Dự kiến ông Tôn Kiến Quốc sẽ có bài phát biểu tại hội nghị đối thoại.

Chủ đề biển Đông được nêu tại Đối thoại Shangri-La vì các nước lo ngại hải quân Trung Quốc. Trong ảnh: Cuộc biểu tình ngày 3-3 ở Manila phản đối Trung Quốc chiếm bãi Hải Sâm (quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: AFP

Phản ứng của Trung Quốc

Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, chủ đề thảo luận sẽ lại nói đến biển Đông trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực chuẩn bị công bố phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Ngoài ra, chương trình nghị sự cũng sẽ bàn đến đấu tranh chống khủng bố và chiến tranh tin học. Lần đầu tiên Đối thoại Shangri-La sẽ dành một phiên đặc biệt thảo luận về mối đe dọa quân sự của CHDCND Triều Tiên.

Chuyên gia William Choong thuộc Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược nhận xét phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực sẽ trở thành vấn đề tranh luận sôi nổi tại hội nghị đối thoại.

GS Thi Ân Hoằng ở ĐH Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) nhận xét Trung Quốc nên chuẩn bị tinh thần vì sẽ bị Mỹ và các nước châu Á khác “bao vây” trong các cuộc thảo luận tại Đối thoại Shangri-La.

Thái độ phản đối Trung Quốc sẽ căng thẳng hơn năm ngoái. Trong Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Trung Quốc đã tạm dừng bồi đắp xây các đảo nhân tạo và chưa xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo này.

Ông Thi Ân Hoằng thừa nhận: “Năm nay Trung Quốc đã làm rất nhiều để tăng cường triển khai quân sự ở biển Đông”.

Các nước ngày càng lo ngại

Hãng tin Bloomberg ghi nhận chủ đề biển Đông tiếp tục được nêu tại Đối thoại Shangri-La năm nay bởi lẽ các nước trong khu vực ngày càng lo ngại tiềm lực quân sự đang gia tăng trong khu vực của Trung Quốc, đặc biệt là hải quân Trung Quốc. 

Trung Quốc đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự, sản xuất từ tàu ngầm phóng tên lửa đến tàu ngầm hạt nhân tấn công thông thường, tàu khu trục, tàu hộ vệ và nhiều loại tàu khác. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng tàu sân bay thứ hai.

Trong khi đó, Mỹ đang tăng cường hiện diện ở châu Á và đã điều động tàu chiến đấu ven bờ, máy bay chiến đấu và tàu sân bay đến khu vực.

Theo Bloomberg, một lĩnh vực chạy đua nữa trong khu vực là lực lượng tuần duyên.

Trung Quốc hiện có lực lượng tuần duyên lớn nhất châu Á gồm các đội tàu dân sự được sử dụng phục vụ cho yêu sách chủ quyền. Mục đích xây dựng lực lượng này nhằm tránh đối đầu hải quân dẫn đến căng thẳng để khỏi bị quốc tế lên án.

Trung Quốc vừa hoàn thành tàu tuần duyên 3901 có lượng giãn nước 12.000 tấn. Tàu này được Thời Báo Hoàn Cầu gọi là “quái thú”, cùng với tàu tuần duyên 2901 là hai tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay.

Để so sánh, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tuần tra ở biển Đông chỉ có lượng giãn nước 9.700 tấn.

Trung Quốc chờ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không

Trong bối cảnh Đối thoại Shangri-La chuẩn bị khai mạc, báo South China Morning Post ngày 1-6 dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

Nguồn tin cho biết lịch trình thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông phụ thuộc vào điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự và ngoại giao của Mỹ. Nguồn tin này dọa: Nếu quân đội Mỹ tiếp tục có những hoạt động khiêu khích để phản đối chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, đây sẽ là cơ hội tốt cho Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

Trong văn bản trả lời báo South China Morning Post, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết thời điểm thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông phụ thuộc vấn đề Trung Quốc đối đầu với các mối đe dọa về an ninh trên không và mức độ đe dọa an ninh trên không.

Tạp chí quốc phòng Kanwa ở Canada đưa tin Bắc Kinh đã xác định vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông và thời điểm thông báo chỉ còn phụ thuộc vào quyết định chính trị.

Khu vực được xác định lập vùng nhận dạng phòng không bao gồm vùng đặc quyền kinh tế thuộc đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bảy đảo nhân tạo đã được Trung Quốc bồi đắp trái phép hoặc 200 hải lý từ đường cơ sở của các đảo này. Như vậy rõ ràng vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông sẽ nằm chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm