Ông Duterte sẵn sàng trả lương để phiến quân đánh IS

Lo ngại IS xây dựng căn cứ và bám rễ tại Philippines, ông Duterte đã đưa ra đề nghị sẵn sàng trả lương và thậm chí cấp nhà cho chiến binh của các nhóm lâu nay chủ trương chống chính phủ.

Điều kiện đặt ra là các nhóm này chung tau với quân chính phủ tiêu diệt “kẻ thù chung” là nhóm khủng bố Maute - một chân rết của IS tại Philippines.

Ông Duterte khẳng định ý tưởng này là do thủ lĩnh của một trong các nhóm phiến quân ly khai đề xuất với chính phủ Philippines. 

Người chủ động đề xuất ý tưởng này cho chính phủ Manila chính là thủ lĩnh nhóm Mặt trận Giải phóng quốc gia Moro (MNFL) ông Nur Misuari. Theo Reuters, ông Misuari đã gửi thư trực tiếp cho ông Duterte, tình nguyện yêu cầu cho quân của mình tham chiến tại Marawi và một số vùng thuộc tỉnh Lanao del Sur.

Ông Duterte phát biểu tại căn cứ quân sự đảo Jolo, kêu gọi các nhóm ly khai hợp sức cùng quân chính phủ để tiêu diệt các nhóm khủng bố thân IS. Ảnh: Malacañang

Tổng thống Philippines tuyên bố ông có thể cho thành lập một đơn vị quân đội mới để tích hợp các nhóm phiến quân vào cuộc chiến chống IS, tận dụng kinh nghiệm chiến trường và sự thông thạo địa hình khu vực của các nhóm này.

Tuyên bố này được ông Duterte đưa ra khi thăm căn cứ quân sự trên đảo Jolo, nơi quân chính phủ cũng đang đối đầu với một nhóm khủng bố “chân rết” khác của IS là Abu Sayyaf.

“Tôi sẽ thuê các bạn như quân lính, cùng mức lương, cùng mức phúc lợi. Và tôi sẽ xây nhà cho các bạn tại một số khu vực” - tuyên bố của ông Duterte được ghi hình và công bố vào ngày 29-5.

Theo hãng tin Reuters, ông Duterte đã gửi đề xuất “vô tiền khoáng hậu” này đến hai nhóm là Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) và Mặt trận Giải phóng quốc gia Moro (MNLF).

Xe thiết giáp được quân đội Philippines điều động đến Marawi để tiêu diệt các phần tử khủng bố thân IS. Ảnh: REUTERS

Ông cũng mở lời kêu gọi nhóm phiến quân Quân đội Nhân dân Mới (NPA) chấm dứt chiến tranh du kích và hợp tác với quân chính phủ.

Hai nhóm MILF và MNLF đã bắt đầu hoạt động bạo lực ly khai từ cuối thập niên 1960 và đã ký một số thỏa thuận hòa bình với chính phủ. Tuy nhiên, các thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi toàn diện, xung đột vẫn thường xảy ra.

Nhóm phiến quân NPA thời gian qua cũng từng bị cáo buộc đang lên một số kế hoạch bạo lực vũ trang khác và đã bị chính phủ Manila chấm dứt vòng đối thoại hòa bình mới nhất.

Vẫn chưa có các phản ứng chính thức nào từ thủ lĩnh các nhóm ly khai.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm