Trước đó, hàng trăm tay súng thuộc nhóm phiến quân Maute đã tràn vào Marawi tấn công các cơ quan nhà nước, đốt nhà, bắt giữ con tin. Hàng ngàn người dân phải tản cư chạy loạn.
Nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo đã chọn đảo Mindanao làm địa bàn hoạt động vì hơn 80% người Hồi giáo ở Philippines sinh sống ở đây. Đến nay hai nhóm ôn hòa Mặt trận Dân tộc Giải phóng Moro và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đã chấp thuận thương lượng hòa bình với chính phủ.
Trong các nhóm phiến quân theo xu hướng Hồi giáo cực đoan hoặc tội phạm có hai nhóm Abu Sayyaf và Maute đã tuyên thệ trung thành với IS. Isnilon Hapilon, phó tướng của Abu Sayyaf, đã tự xưng là thủ lĩnh IS ở Philippines. Nhóm Maute được anh em nhà Abdullah Maute thành lập năm 2012, từ năm ngoái đã đột ngột gia tăng hoạt động. Chúng đã tấn công chợ đêm ở Davao và sát hại 15 người hồi tháng 9-2016.
Ngoài ra còn có nhóm Chiến binh Hồi giáo vì tự do Bangsamoro hoạt động ở tỉnh Maguindanao. Chưa rõ nhóm này có tuyên thệ trung thành với IS hay chưa.
Chuyên gia François-Xavier Bonnet ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại (Pháp) khẳng định đến nay chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy IS ở Iraq và Syria cung cấp tài chính cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở miền Nam Philippines.
Để tìm nguồn tài chính, các nhóm này chủ yếu tổ chức hoạt động tội phạm như mua bán ma túy, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Từ năm 2000 đến 2016, phiến quân Abu Sayyaf đã bắt cóc 97 con tin nước ngoài thuộc 15 quốc tịch.
Trả lời câu hỏi “liệu phiến quân Hồi giáo có thể đánh tới thủ đô Manila hay không?”, ông Bonnet ghi nhận có thể vùng thủ đô Manila sẽ là mục tiêu bị tấn công bởi lâu nay bọn Abu Sayyaf vẫn thường chạy về gia đình ở Manila ẩn náu mỗi khi quân đội tăng cường chiến dịch quân sự trên đảo Mindanao.
Đối với nhóm Maute, cơ quan tình báo cảnh sát Philippines phán đoán chúng có thể đã mở mạng lưới ở vùng thủ đô Manila, song Bộ Quốc phòng lại đánh giá thấp và thậm chí bác bỏ khả năng này.
TS Sophie Boisseau du Rocher ở Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế (Pháp) đã loại trừ giả thiết IS sẽ “cắm dùi” ở Philippines như ở Iraq và Syria. Các lý do giải thích gồm 85% dân số Philippines theo Thiên Chúa giáo, nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chỉ bùng phát ở miền Nam và chính phủ Philippines đang kiểm soát nguy cơ này.
GS David Camroux ở Viện Nghiên cứu chính trị Paris cũng đưa ra đánh giá tương tự. Ông gọi Abu Sayyaf là nhóm khủng bố “tiếp thị”. Chúng chỉ lo bắt cóc, tống tiền và lợi dụng yếu tố Hồi giáo cực đoan để gây tiếng vang chứ không đưa ra yêu sách chính trị nào.