Afghanistan: Taliban, khủng bố và bầu cử

Báo Le Monde (Pháp) nhận định như trên và ghi nhận cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh cuối năm quân đội NATO sẽ rút quân hàng loạt, từ đó nguy cơ nội chiến giữa chính quyền với Taliban có thể bùng phát.

Đàm phán thất bại, phá hoại bầu cử

Hiện thời mọi toan tính đàm phán với Taliban do Mỹ và Tổng thống Hamid Karzai bí mật tiến hành đều đã thất bại.

Taliban muốn tham gia nắm quyền ở Kabul nhưng không chấp nhận điều kiện bảo đảm tiên quyết nào về chính trị hay quân sự. Đặc biệt Taliban kiên quyết phản đối chính phủ Afghanistan ký kết với Mỹ hiệp định duy trì lực lượng 10.000 binh lính Mỹ làm cán bộ khung cho quân đội Afghanistan.

Đàm phán thất bại, Taliban đã tuyên bố phá hoại bầu cử bằng mọi giá. Taliban đã mở chiến dịch ám sát nhân viên bầu cử, nhân viên các đảng đi vận động bầu cử, các tổ chức phi chính phủ, nhà báo. Chính sách của Taliban là giết người để khủng bố tinh thần.

Mỹ can thiệp vào Afghanistan là phản ứng sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001. Mỹ muốn Taliban trả giá vì đã ủng hộ bọn khủng bố Al Qaeda. Trước mắt Mỹ đã thành công. Ngày 13-11-2001, Taliban đã rút chạy khỏi Kabul. Dù vậy cuộc chiến mà ban đầu Mỹ tưởng là chiến tranh chớp nhoáng thì đã trở thành chiến tranh tiêu hao chống lại một kẻ thù chuyên áp dụng chiến thuật du kích.

 
Cử tri nữ bỏ phiếu ở thủ đô Kabul ngày 5-4. Ảnh: GETTY IMAGES

13 năm chiến tranh trôi qua, tình hình quân sự đi vào ngõ cụt. Mối đe dọa Taliban vẫn còn đó.

13 năm trôi qua, Taliban vẫn mạnh

Đài tiếng nói Moscow (Nga) nhận định trong suốt thời gian hoạt động của Lực lượng quốc tế hỗ trợ và an ninh (ISAF) ở Afghanistan (đầu tiên do Mỹ chỉ đạo, sau đó giao cho NATO), tình hình Afghanistan và các nước lân cận trở nên bất ổn hơn, đặc biệt tại khu vực các bộ tộc.

Fedor Voitolovski, Trưởng khoa Chính trị đối ngoại và đối nội thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (Mỹ), ghi nhận tình hình an ninh so với thời Taliban chỉ ngày càng tồi tệ hơn.

Bọn khủng bố vẫn đặt các trại huấn luyện giữa biên giới Afghanistan và Pakistan. Chính quyền trung ương do Mỹ ủng hộ vẫn không kiểm soát nổi nhiều tỉnh. Sản lượng thuốc phiện tăng đột ngột gấp 2,5 lần bình thường.

Năm 2011, tức 10 năm sau khi chạy khỏi Kabul, Taliban đã đủ sức tấn công đại sứ quán Mỹ, trụ sở NATO, ám sát chủ tịch Hội đồng cấp cao vì hòa bình Burhanuddin Rabbani. Ở các tỉnh, các vụ tấn công cảnh sát gia tăng. Năm 2013, số thường dân chết trong xung đột đã tăng lên con số kỷ lục 8.615 người, trong đó 2/3 là nạn nhân của Taliban.

Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) ghi nhận năm 2013, Taliban thiệt hại 10.000-12.000 quân nhưng sau đó quân số lại được bổ sung như cũ. Đội quân không xe bọc thép, không xe tăng với 20.000 tay súng đã tiến hành cuộc chiến không cân xứng từ nhiều năm nay nhưng đã chứng tỏ khả năng muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đánh ở đâu thì đánh.

Hậu quả chính sách can thiệp Mỹ

Sau 13 năm chiến tranh, tâm trạng nhân dân Afghanistan đang trong thế giằng co.

Một bộ phận người dân Afghanistan và các nước láng giềng muốn quân đội Mỹ ở lại Afghanistan để củng cố an ninh và muốn LHQ cũng như các tổ chức phi chính phủ đừng bỏ rơi Afghanistan. Họ e ngại Taliban sẽ tổng phản công ngay sau khi quân NATO rút đi.

Ngược lại, nhiều người dân không muốn nhìn thấy quân đội nước ngoài vì thường dân vô tội vẫn thiệt mạng trong các chiến dịch hành quân.

Mỹ không giữ được quan hệ tốt với Tổng thống Hamid Karzai. Dù ông Hamid Karzai cầm quyền trong vòng tay bảo bọc của Mỹ nhưng khi tính toán đến chuyện ký kết hiệp định an ninh song phương cho phép Mỹ duy trì 10.000 quân ở Afghanistan đến cuối năm 2016 thì ông lại từ chối.

Tổng thống Obama tức giận đã dọa ngừng viện trợ tài chính cho Afghanistan (4 tỉ USD/năm) và cần phải rút hết lực lượng khỏi Afghanistan.

Chuẩn Đô đốc John Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc, tuyên bố: “Chúng tôi đã chuẩn bị rút quân hoàn toàn nếu không có hiệp định an ninh song phương. Tuy nhiên, đây là lối ra không ai mong muốn”.

Tháng trước, tướng Joe Dunford - tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan đã từng phát biểu trước Quốc hội Mỹ: “Nguy cơ rút quân có trật tự sẽ bắt đầu gia tăng từ tháng 9”.

HOÀNG DUY

 

Cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 ở Afghanistan bắt đầu lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 5-4. Tại thủ đô Kabul, trời mưa lớn trong những giờ bầu cử đầu tiên. Trước 8 giờ sáng, sau khi bỏ phiếu, Tổng thống Hamid Karzai đã kêu gọi người dân đi bầu. Có tám ứng cử viên ra tranh cử. Ông Hamid Karzai đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ và theo hiến pháp ông không thể ứng cử nhiệm kỳ ba.

Ba ứng cử viên sáng giá gồm ba nguyên bộ trưởng Zalmai Rasoul, Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah. Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận có ba nguy cơ đe dọa cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan: Taliban tấn công quấy rối, cử tri không đi bỏ phiếu như từng xảy ra trong kỳ bầu cử năm 2009 và tình trạng gian lận phiếu xảy ra. Kết quả bầu cử vòng 1 sẽ được công bố trước ngày 24-4 và vòng 2 sẽ được tổ chức ngày 28-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm