Bình Thuận lỡ nhịp vì cảng Kê Gà

Ngày 25-4, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi Thủ tướng thông báo ngừng dự án cảng Kê Gà (Hàm Thuận Nam), tỉnh đã có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích trước đây đã cấp cho chủ đầu tư là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Đây là dự án làm vỡ quy hoạch của Bình Thuận, doanh nghiệp (DN) và cả TKV cũng bị thiệt hại vì quy hoạch rồi xóa, quy hoạch lại…

Làm nhà đầu tư mất lòng tin…

Nói về dự án cảng Kê Gà, ông Hồ Dũng Nhật, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (2002-2010), khẳng định: Làm cảng nước sâu ở Kê Gà là bất hợp lý nên dự án dừng là phải.

“Tôi không hiểu lý do vì sao họ lại chọn Kê Gà, trong khi trước đó TKV và Cục Hàng hải đã đi khảo sát toàn tuyến ven biển Bình Thuận và họ đã chọn hòn Hồng ở Bắc Bình nhưng sau đó lại chọn Kê Gà làm cảng” - ông Nhật nói.

Theo ông Nhật, dòng chảy ở vùng biển Kê Gà rất phức tạp, đặc biệt cách mũi Kê Gà khoảng 5 hải lý về phía Nam có một dãy đá ngầm gọi là “rạng đập” vô cùng nguy hiểm. “Lần cuối UBND tỉnh họp với lãnh đạo TKV để nghe họ trình bày những luận chứng kỹ thuật của dự án, tôi đã trực tiếp phản ứng với phó tổng giám đốc TKV và khẳng định họ đã chọn vị trí không hợp lý, chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi triển khai dự án” - ông Nhật nói. Lúc đó tôi phản ứng gay gắt rằng: “Mấy ông cứ bảo thủ làm cảng ở Kê Gà, vừa không hợp lý vừa phá nát đường sá khi vận chuyển bôxit” - ông cho biết thêm.

Về những hệ lụy triển khai rồi dừng dự án cảng Kê Gà, ông Nhật cho hay: Lúc đó Kê Gà đón rất nhiều nhà đầu tư vì vùng biển quá đẹp đã níu chân họ. Việc kêu gọi vào Kê Gà nằm trong tổng thể quy hoạch cụm du lịch làm động lực phát triển kinh tế phía Nam Bình Thuận. Tuy nhiên, khi thu hồi các dự án du lịch ở Kê Gà, không phải riêng vùng đất Kê Gà đi thụt lùi mấy chục năm mà các vùng lân cận đều bị ảnh hưởng nặng nề, Cụm du lịch Kê Gà-Tiến Thành với những bãi cát trắng hoang sơ, những bãi đá nhiều hình thù độc đáo đã được quy hoạch làm động lực phát triển kinh tế phía Nam Bình Thuận gần như giẫm chân tại chỗ từ đó đến nay vì không ai dám vào đầu tư.

Cạnh đó, nhiều DN đi tắt đón đầu lập dự án để đón cảng Kê Gà đều ôm nợ. “Cả một vùng biển tuyệt đẹp làm du lịch là ăn chắc nhưng chẳng ai dám đến gần vì họ mất lòng tin, họ sợ bất ngờ thay đổi. Thật tiếc cho Kê Gà, tiếc cho Bình Thuận và trong trách nhiệm này có cả bản thân tôi…” - ông Nhật nói.

Một resort bỏ hoang cả chục năm nay vì dự án cảng Kê Gà. Ảnh: P.NAM

Tìm cách lấy lại lòng tin nhà đầu tư

Theo quy hoạch, dự án cảng Kê Gà có chiều dài ven biển khoảng 2 km, tổng diện tích 366 ha bao gồm cả đất liền và mặt nước trong đó có diện tích của 12 resort, khu du lịch.

Theo ông Hồ Lâm, sau khi thu hồi dự án cảng biển, chủ trương của tỉnh là sẽ cấp lại đất cho những nhà đầu tư du lịch trước đây và kéo dài thêm thời gian cho thuê.

Tuy nhiên, đã bốn năm sau khi dừng dự án cảng Kê Gà, hàng chục ngôi biệt thự, resort cao cấp trên con đường ven biển dẫn đến ngọn hải đăng Kê Gà bị bỏ hoang đến xót ruột.

Anh Nguyễn Đức Đăng Vũ, con trai chủ resort Thế Giới Xanh, cho hay thời điểm giao đất cho dự án cảng Kê Gà, khu resort đã đón khách phải ngưng lại. Gia đình yêu cầu bồi thường hơn 65 tỉ đồng nhưng hội đồng bồi thường chỉ chấp nhận 36 tỉ đồng. Tương tự là resort Đồi Phong Lan yêu cầu bồi thường hơn 43 tỉ đồng nhưng chỉ được chấp nhận 36 tỉ đồng. Hay resort Thạnh Đạt yêu cầu bồi thường hơn 34 tỉ đồng nhưng chỉ được chấp nhận 4,4 tỉ đồng…

Nghịch lý nhất là trường hợp của Khu du lịch Đức Hạnh, yêu cầu bồi thường hơn 21 tỉ đồng nhưng Công ty Tư vấn quản lý dự án Vinacomin tuyên bố không bồi thường đồng nào!

Bất đồng chuyện bồi thường, các DN đã có đơn kiến nghị và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét, có ý kiến.

Ngày 22-3, Bộ Công Thương có văn bản cho là các bên liên quan chưa quyết liệt giải quyết các tồn tại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, quyền lợi của các DN du lịch và ảnh hưởng không tốt đến dư luận. Bộ Công Thương yêu cầu TKV khẩn trương bồi thường, hỗ trợ.

Sau đó, TKV nâng mức bồi thường lên hơn 65 tỉ đồng nhưng trước mắt sẽ ứng trước 25 tỉ đồng để tạm chi trả cho các DN…

Theo ông Hồ Lâm, dù tỉnh có chủ trương cấp lại dự án cho các DN du lịch nhưng đến nay chưa có DN nào làm thủ tục do còn đang chờ phía TKV bồi thường thiệt hại để họ tái khởi động các dự án du lịch.

Theo TKV, dự án cảng Kê Gà được lập trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Nhưng đến nay có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam.

Cạnh đó, tính đến năm 2020, lượng hàng hóa qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn rất nhiều so với dự án cảng đã được phê duyệt nên dừng xây cảng Kê Gà là cần thiết.

Theo tính toán, nếu thực hiện dự án cảng Kê Gà sẽ tốn khoảng 4.000 tỉ đồng để xây đê chắn sóng dài 3 km hướng ra biển, cách ngọn hải đăng Kê Gà khoảng 2,3 km.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy