Chuyện về đội chiếu phim lưu động

LTS: Ngày mai (14-6), TP.HCM long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V để tôn vinh những điển hình xuất sắc trong phong trào này. Trong số ấy có những tấm gương thật bình dị với những việc làm cũng bình dị như chính con người họ nhưng lại thể hiện sự cống hiến âm thầm và đầy trách nhiệm với xã hội. Pháp Luật TP.HCMxin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một trong số những điển hình ấy.

Trong ký ức của nhiều người dân TP.HCM, đội chiếu phim lưu động (CPLĐ) là phong vị của “cái ngày xưa” xa lơ xa lắc. Nhưng có một điều ít ai biết, ngay giữa trung tâm Sài Gòn vẫn đang tồn tại một đội CPLĐ (thuộc Công ty Điện ảnh TP.HCM, nay là Công ty Cổ phần Truyền thông điện ảnh Sài Gòn). Không chỉ phục vụ người dân TP, đội còn đến nhiều vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh, thành lân cận để phục vụ bà con, bất kể ngày mưa tháng nắng.

Nghề gần dân, xa nhà

Đội chiếu phim gồm anh Vũ Trọng Tuấn, Đặng Tô Há, Hoàng Nghĩa Thịnh và mới đây có thêm anh Hà Huy Quân. Tham gia đội CPLĐ ngay từ những ngày đầu mới thành lập (năm 1976), lúc đó anh Tuấn 19 tuổi và anh Há mới bước qua tuổi 17. Đến nay, sau nhiều thay đổi, thăng trầm, đồng nghiệp có người đến rồi lại đi nhưng hai anh vẫn gắn bó với máy chiếu, màn ảnh và coi đó như cái nghiệp, như duyên nợ đời mình.

Những năm đầu sau thống nhất, cứ mỗi lần đi chiếu phim phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, cả đội thường đi trên một chiếc xe Jeep cũ kỹ. Trên xe chất đủ thứ lỉnh kỉnh nào máy chiếu, phông màn, dây nhợ, loa, máy phát điện và cả đội chiếu phim. “Đường sá hồi đó toàn đường đất, lổn nhổn ổ gà, ổ voi chớ đâu được như bây giờ nên xe lúc nào cũng nhảy chồm chồm. Mang tiếng ngồi xe mà đau mỏi hơn cả ngồi xe bò kéo” - anh Há vui vẻ ôn lại kỷ niệm xưa.

Chuyện về đội chiếu phim lưu động ảnh 1

Một buổi đi chiếu phim ở miền Tây của đội chiếu phim lưu động. Ảnh: CTV

Cho tới giờ, ở nhiều vùng sâu, xe ôtô thường chỉ tới được lộ lớn. Muốn vào với dân, đội phải đi tiếp bằng xe bò kéo, qua sông, rạch bằng xuồng và cũng có khi phải vác máy móc lội bộ cả chặng đường dài trên những con đường đất đầy bùn nhão, trơn trượt bởi trời mưa. Đi quanh năm suốt tháng nên anh em trong đội ít có mặt ở nhà. Vào những dịp lễ, tết người ta được sum họp nhưng với các anh thì đấy lại là giờ cao điểm phục vụ bà con. “Có nhiều năm, chúng tôi đâu có được ăn cái tết nào ở nhà vì bận chiếu phim phục vụ bà con Tây Nguyên. Bà con thấy chúng tôi vậy cũng thương lắm, hết người này gọi tới nhà ăn tết lại tới người kia kêu. Anh em cũng cảm thấy ấm lòng hơn” - anh Tuấn xúc động.

Dân mình còn tội lắm

- Từ năm 2006 đến nay, đội đã chiếu trên 400 suất với khoảng 310.000 lượt người xem. Trong đó, 112 suất tại các trung tâm, trường trại; 25 suất tại các bệnh viện, trường đại học; 88 suất tại khu chế xuất-khu công nghiệp và 275 suất chiếu ở các xã, thôn, bản làng vùng sâu vùng xa, căn cứ địa cách mạng.

- Năm 2009, đội đã nhận được bằng khen của UBND TP.HCM.

- Đội được tuyên dương trong Đại hội Thi đua yêu nước TP.HCM lần thứ V tổ chức vào ngày 14-6.

“Với người dân vùng sâu, phim ảnh là món ăn tinh thần ít khi được thưởng thức nên họ quý lắm. Chỉ cần người nọ truyền tai người kia, nghe tin có đội chiếu phim đến là họ đã ngóng ra đường đón mình rồi, vui lắm! Nhiều khi đội vác loa đi rao mới hay bà con đã biết hết cả” - anh Tuấn khoe.

Qua chuyện kể của các anh mới thấy nhiều thôn người dân tộc ở Dăk Lăk, Dăk Nông lần đầu khi đội CPLĐ đến người dân rất lạ lẫm bởi họ không biết phim là gì cả. Suốt buổi chiếu, người thì nhìn màn ảnh, có người lại chỉ chăm chú nhìn cái máy chiếu kêu xè xè, có người suốt buổi chỉ tập trung mỗi một việc là chăm chăm nhìn vào miệng anh thuyết minh một cách đầy hứng thú… “Người dân rất thích giúp đội những việc lặt vặt từ khi ráp máy chuẩn bị chiếu cho tới lúc buổi chiếu kết thúc. Làm xong, họ còn nán lại hỏi chúng tôi có trở lại nữa không. Câu trả lời của tôi thường là có và nhiều nơi chúng tôi đã trở lại” - anh Há tâm sự.

“Bà con vùng sâu nghèo lắm, vật chất chẳng có gì, chỉ tình cảm là nhiều. Nên khi nhận những thứ quà tặng cây nhà lá vườn như trái bắp, củ mì, mớ đậu từ tay những người dân quê chân chất… chúng tôi đều hiểu rằng tình cảm bà con dành cho mình nhiều quá” - anh Tuấn nói.

Chính những điều tưởng nhỏ bé như vậy đã là động lực để các anh gắn bó với nghề vì “nhiều nơi người dân vẫn mong chờ những buổi được xem phim”.

Sao ba lại ở nhà?”

May mắn là chúng tôi đều nhận được sự thông cảm từ gia đình cho cái  nghề  vốn phải nay đây mai đó. Sự vắng nhà của mình thường xuyên đến nỗi trở thành thói quen với các thành viên khác, nhiều khi khiến mình chạnh lòng. Có đợt tôi được nghỉ phép ở nhà vài bữa. Thấy vậy con tôi lấy làm ngạc nhiên và hỏi hệt như kiểu nhắc nhở vì sợ ba nó quên cái gì đó: “Ba ơi, sao ba ở nhà mà không đi chiếu phim hả ba?”.

Anh ĐẶNG TÔ HÁ

Buổi chiếu phim trong mưa

Có những đêm đang chiếu phim trời bỗng đổ mưa nhưng thấy bà con vẫn đứng xem nên anh em trong đội không ai bảo ai đều dành tấm áo mưa duy nhất che máy cho khỏi ướt. Còn chính mình cùng bà con cứ dầm mưa đứng xem cho đến hết. Khổ nhất là các suất chiếu mùa mưa bão, có bữa trời bất thần nổi cơn giông, gió mạnh bốc luôn màn ảnh quăng đi. Những lúc ấy bà con đều xúm lại giúp đội chiếu căng dây dựng màn để coi tiếp.

Anh VŨ TRỌNG TUẤN

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm