Cả một thời gian dài hai quy định tréo ngoe ấy tồn tại song song, buộc ngân hàng phải lách bằng cách xác nhận vào bản phôtô cà vẹt việc thế chấp này. Các bác tài cứ thế tự tin ra đường, còn CSGT các nơi mặc nhiên chấp nhận, không thổi phạt.
Chẳng biết việc ấy gây khó khăn gì cho quản lý giao thông để rồi năm 2012, Chính phủ sửa quy định, theo đó cho chủ xe dù đã thế chấp vay tiền vẫn được giữ giấy tờ, còn rủi ro của ngân hàng được phòng ngừa bằng nỗ lực thiết lập hệ thống thông tin giao dịch bảo đảm.
Vấn đề là đến lúc ấy thì gần 1,3 triệu cà vẹt xe đã nằm trong các két an toàn nhà băng, khó có thể một sớm một chiều nhập thông tin phong tỏa vào hệ thống dữ liệu CSGT. Và cho dù có nhập liệu phong tỏa được hết thì với các quy định hiện hành, không có gì đảm bảo việc từng người dân khi mua bán xe cũ có thể dễ dàng truy nhập vào hệ thống dữ liệu vốn nhiều độc quyền của ngành công an để biết “người bạn đồng hành” tương lai của mình đang “tự do” hay đang bị thế chấp ở đâu đó. Chưa kể thói quen mua xe cũ mà chẳng buồn sang tên đang còn ngự trị trong dân vẫn ẩn chứa bao rắc rối, rủi ro cho giao dịch vay tiền có thế chấp bằng ô tô…
Vướng mắc cho chủ xe, rủi ro cho hoạt động tín dụng còn lùng nhùng, chưa được giải quyết thì Cục CSGT hồi tháng 5 ra văn bản chỉ đạo CSGT các tỉnh thực thi xử phạt về lỗi không mang giấy tờ xe, kể cả với trường hợp xuất trình bản sao có xác nhận ngân hàng. Đã có những chủ xe khóc ròng, móc ví nộp phạt vì kẹt giữa một bên cho vay tiền tậu ô tô, bên kia là tiếng còi của CSGT.
Lẽ nào ngân hàng, CSGT hoàn toàn đúng…, chỉ có người vay tiền sắm xế là sai? Làm sao để gần 1,3 triệu bác tài vốn là nạn nhân của chính những quy định xung đột, tréo ngoe không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi thấy CSGT?
Cách duy nhất là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an ngồi lại với nhau, kéo những quy định pháp luật trên trời của mình xuống cuộc sống vẫn đang trôi nhẹ nhàng, bình thường dưới đất.
Ngồi lại không chỉ để chỉnh sửa những quy định bất hợp lý mà còn khắc phục những hạn chế của mình trong công tác phối hợp để “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho các giao dịch dân sự hằng ngày của doanh nghiệp, người dân.
Đây là việc cần làm để bớt phần nào tình trạng quản lý cầm đằng chuôi để người dân cầm đằng lưỡi.