Ở phiên tòa thứ nhất, hai điều tra viên Công an TP Nha Trang Trần Bá Tuấn và Nguyễn Đình Quyết đã nhận bản án chín tháng tù treo do hành vi dùng dùi cui và gậy cao su tra tấn một nghi can trộm cắp là phụ nữ. Còn ở phiên tòa thứ hai, bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh - một cô gái đang đi học lại có bệnh về thần kinh, do bức xúc việc bị giữ xe (đúng luật) đã dùng tay tát vào mặt CSGT - đã không được nhận án treo (dù cấp phúc thẩm đã giảm ba tháng), mà bị tuyên sáu tháng tù!
Nếu xét từng vụ án, hẳn nhiên không có yếu tố oan sai hay bỏ lọt tội phạm mà cả hai vụ việc đều xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi đặt hai vụ việc cạnh nhau không thể không có những băn khoăn... Ai cũng biết, hình phạt là thái độ của Nhà nước đối với những người vi phạm pháp luật hình sự. Trong hình phạt, sự khác nhau giữa án treo và án giam là rất rõ ràng khi một bên thụ hình trong trại giam, một bên được (bị) giáo dục ngoài đời. Khi lượng hình, mỗi HĐXX đều cân nhắc từng yếu tố, hành vi để quyết định hình phạt sao cho ý nghĩa giáo dục, răn đe phát huy cao nhất và ngay cả việc thụ án ở đâu cũng là một cách thể hiện thái độ của HĐXX nhân danh Nhà nước. Không phải tự nhiên mà dân gian có câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” hàm ý chứng tỏ rằng một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài...
Trở lại hai vụ án nói trên, rõ ràng với hình phạt giam, HĐXX đánh giá hành vi tát CSGT của cô gái là rất nguy hiểm cho xã hội, cần cách ly để giáo dục, răn đe. Còn với án treo dành cho hai điều tra viên, dường như với tòa, việc sử dụng dùi cui và gậy cao su với công dân - một phụ nữ là không đáng lo ngại lắm?! Đến đây dứt khoát có ý kiến không đồng tình với nhận định đó, bởi thực tế đã chứng tỏ điều ngược lại: Việc sử dụng bạo lực với phụ nữ trong hoàn cảnh cô thế, lệ thuộc dứt khoát là nguy hiểm và đáng lên án hơn hành vi tát của cô gái với CSGT!
Hiến pháp đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vì thế, với hai bản án này, nhiều người không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: Có hay không sự thiên vị?
VẠN BẢO
Bài báo rất hay.
2 bản án, 2 sự bất công.
Việc hội đồng xét xử các tòa “xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù” là có yếu tố cảm tính. Do vậy, “trong nhờ, đục chịu”.
Hiện nay các loại tội phạm về chống người thi hành công vụ rất nhiều, nếu xử cho án treo sẽ mất đi tính nghiêm của pháp luật. Trong xét xử còn xem đến nhân thân người phạm tội, quá trình công tác... chứ không đem hành vi so sánh được.
Bài viết quá đúng thực tế. Tại sao khi người dân bị o ép? Nhất là học sinh lại bị xử nặng hơn một cán bộ công an biết luật?
Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân. Vậy đầy tớ có đánh nhân dân cũng xem như việc thường, còn nhân dân đụng đến đầy tớ thì là hành vi nguy hiểm cho xã hội?! Tôi rất búc xúc về vấn đề này. Lạ thật.
Khi địa vị của tòa án còn là cơ quan buộc tội và thẩm phán chưa độc lập xét xử mà còn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, báo cáo án, duyệt án thì đừng mong sự "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật". Hãy cho thẩm phán một chỗ đứng độc lập mới hy vọng sự bình đẳng trong xã hội.