Quy định về điều kiện đi thi hoa hậu cấp quốc tế ở nước ngoài đã có nhưng từ đó đến nay liên tục có các thí sinh đi thi chui.
Ồ ạt đi thi chui rồi tình nguyện nộp phạt
Năm 2010, người mẫu Châu Đoàn Thanh Trúc sang Trung Quốc thi chui cuộc thi “Hoa hậu sắc đẹp thế giới - Miss Beauty of the world 2010”. Năm 2011 và 2012, các người mẫu Ngọc Trinh, Trà Ngọc Hằng… sang Mỹ tham dự cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu”. Năm 2013 tiếp tục có Phan Hoàng Thu thi chui “Hoa hậu du lịch quốc tế” tại Malaysia; Quế Vân thi chui “Hoa hậu người Việt thế giới” tại Mỹ.
Dù hầu hết người đẹp thi chui nói trên đều bị phạt khi về nước, thậm chí có người bị cấm diễn vài tháng nhưng đến năm 2014, số người đẹp thi chui không giảm mà còn bùng nổ hơn. Huỳnh Thúy Anh đã dự thi “Hoa hậu cộng đồng người Việt tại Mỹ”, Cao Thùy Linh dự thi “Miss Grand International” tại Thái Lan, Tường Vy dự thi “Hoa hậu người Việt thế giới” tại Mỹ, Diệu Linh thi “Hoa hậu du lịch quốc tế”. đi thi về bị phạt, thậm chí bị cấm diễn nhưng các người đẹp vẫn tỉnh như không. Huỳnh Thúy Anh tiếp tục sang Đức thi chui “Hoa hậu liên lục địa”. Cao Thùy Linh mở tiệc ăn mừng đoạt giải phụ sau khi bị phạt…
Hầu hết người đẹp như Quế Vân, Cao Thùy Linh, Diệu Linh đều nói rằng mình đi thi chui do không biết luật, do được ban tổ chức gửi giấy mời đích danh, do thời gian gấp quá không kịp làm thủ tục. Thậm chí Cao Thùy Linh, Diệu Linh còn tự đến cơ quan chức năng để giải trình đi thi chui và xin nộp phạt! Nói thì nói vậy nhưng nếu xét kỹ từng trường hợp thi chui thì rõ ràng không một người đẹp nào đủ điều kiện để tham gia các cuộc thi hoa hậu danh nghĩa cấp quốc tế cả. Người thì không có danh hiệu, người có danh hiệu thì chỉ là giải thưởng từ các cuộc thi người mẫu.
Theo Nghị định 79/2013, thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế phải đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước. Còn trong thực tế, thí sinh đoạt giải ở các cuộc thi sắc đẹp mới được cấp phép thi hoa hậu cấp quốc tế. Thí sinh đoạt giải người mẫu trong nước không được cấp phép đi thi hoa hậu cấp quốc tế vì cơ quan quản lý cho rằng thi hoa hậu và thi người mẫu có tiêu chí riêng, khác nhau.
Vậy nên một ông bầu hoa hậu đã nói thẳng: “Làm nghề người mẫu ai cũng cần một danh hiệu mới nổi tiếng được, mới được mời nhiều show event - quảng cáo, mới có cát sê nhiều. Do vậy, bắt buộc các người mẫu phải tìm mọi cách đem lại cơ hội thành công cho mình. Ngoài các cuộc thi trong nước, họ phải tìm đến các cuộc thi ở nước ngoài. Nếu không đủ điều kiện được cấp phép thì họ thi chui, cố đấm ăn xôi chứ sao bây giờ, chẳng lẽ cả đời họ không có được cơ hội khác”.
Người mẫu Diệu Linh với chiếc vương miện và băng đeo giải thưởng “Hoa hậu đẹp nhất khu vực Đông Nam Á” mà cô giành được tại cuộc thi “Hoa hậu du lịch quốc tế 2014” tại Malaysia. Ảnh: H.BÌNH
Không gây hại cho ai thì không nên phạt
Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Công ty Người mẫu Elite, đơn vị từng đưa nhiều người đẹp tham gia những cuộc thi lớn như “Hoa hậu thế giới”, cho biết: “Quy chế thi hoa hậu ở mỗi quốc gia mỗi khác nhau, không thể so sánh và nói ở nước này thì đúng, nước kia thì không. Điều kiện dành cho thí sinh của mỗi cuộc thi cũng mỗi khác. Có cuộc thi yêu cầu thí sinh phải có một danh hiệu hoa hậu hoặc á hậu cấp quốc gia. Có cuộc thi chỉ cần thí sinh có bất kỳ giải nào. Có cuộc thi chỉ cần thí sinh có kinh nghiệm. Có cuộc thi muốn tham gia phải đóng tiền bản quyền. Thậm chí có những cuộc thi sắc đẹp quốc tế sẵn sàng trả tiền cho các thí sinh họ thấy đạt chuẩn để tham gia”.
Từ thực tế trên, nhiều người cho rằng nên chăng cần có những quy định về việc cấp phép cho các người đẹp tham gia những cuộc thi hoa hậu cấp quốc tế thoáng hơn. Bởi nó không gây hại gì cho xã hội hay cá nhân khác, ai cũng cần và có quyền tìm kiếm cơ hội thành công cho chính mình. Chính những cuộc thi hoa hậu ở ngoài nước đã tự có một bộ lọc riêng với các tiêu chuẩn dành cho thí sinh dự thi. Mỗi cuộc thi ấy cũng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng thí sinh và uy tín của mình. Các cơ quan chức năng chỉ phạt và không công nhận danh hiệu với những thí sinh tự đi thi các cuộc thi hoa hậu ở nước ngoài nếu các cá nhân hay các cuộc thi ấy có vấn đề.
Thực tế cho thấy người mẫu Hà Anh nổi tiếng của ngày hôm nay chỉ được biết đến trong nước khi cô tham gia cuộc thi “Hoa hậu Trái đất 2005” và đoạt giải phụ ở phần thi tài năng với một bài hát. Mà nếu xét theo những quy định được cấp phép đi thi hoa hậu cấp quốc tế hiện nay, Hà Anh không đủ điều kiện, chỉ có nước thi chui. Người mẫu thi chui Cao Thùy Linh vừa nhận án phạt cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn được ghi nhận cố gắng của mình khi tham gia thi thố ở nước ngoài. Bởi ai mà muốn bị mang tiếng đi thi chui cả đời. Không công nhận nỗ lực của tôi là không công bằng vì tôi đã nỗ lực phấn đấu hết sức mình và không làm gì gây hại hết”.
Ông PHẠM ĐÌNH THẮNG, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn: Những người đi thi không đúng luật là vì tiền Khi Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng các quy định về việc cấp phép đi thi hoa hậu cấp quốc tế đều đã lấy ý kiến giới người mẫu, các công ty người mẫu trong nước, lẫn tham khảo những quy định của quốc tế nên không thể nói là không sát thực tế, muốn thay đổi là thay đổi được. Có những quy định này là nhằm đảm bảo được chất lượng của thí sinh ở các cuộc thi trong và ngoài nước, giám sát chuyện tiêu cực một cách chặt chẽ bên cạnh việc tạo điều kiện cho những ai đủ điều kiện dễ dàng đi thi. Có thể những công ty người mẫu, ông bầu người mẫu nói này nói nọ khi họ đưa người đi thi chui nhưng họ làm điều đó là vì tiền, vì sự tài trợ nào đó nên đã chọn không đúng người chứ đâu phải vì luật cản trở. Có thể là luật xử phạt còn chưa nghiêm, chưa đủ nặng thì Cục sẽ xem xét lại để có những biện pháp xử lý thích đáng hơn. Nếu có ai đó xem thường luật, cố tình phạm luật để thi chui, không sợ xử phạt thì hãy chờ xem biện pháp chế tài của cơ quan quản lý. _______________________________________________ Không thể nào cho đi thi hoa hậu cấp quốc tế một cách thoải mái được. Nhưng rõ ràng là giữa quy định pháp luật với thực tế hiện nay phải có một vấn đề gì đó mới có hiện tượng thi chui như vậy. Là vấn đề gì, giải quyết như thế nào là chuyện của cơ quan chức năng tính toán. Theo tôi thì nên mở thoáng hơn về các quy định như không chỉ là thí sinh đoạt giải thưởng chính của các cuộc thi trong nước mới được tham gia các cuộc thi quốc tế, mà thí sinh đoạt giải phụ hay lọt vào tốp 10 cũng có thể đi thi. Rồi thí sinh có danh hiệu người mẫu trong nước vẫn có thể thi hoa hậu ở quốc tế và ngược lại chẳng hạn. Cựu người mẫu THÚY HẠNH, Giám đốc Công ty BB Plus Câu chuyện quản người đẹp ra nước ngoài thi hoa hậu Năm 2004, khi người đẹp trong nước tham gia các cuộc thi hoa hậu lớn của thế giới còn là chuyện mới mẻ thì người mẫu Hoàng Khánh Ngọc đang mang dải băng Miss Vietnam tham gia cuộc thi “Hoa hậu hoàn vũ 2004” ở Ecuador. Dư luận khi đó rất hào hứng với chuyện lần đầu tiên có một cô gái Việt Nam dự thi “Hoa hậu hoàn vũ” - một cuộc thi hoa hậu lớn nhất nhì thế giới và còn đạt giải catwalk đẹp nhất. Năm 2005 người mẫu Phạm Thu Hằng tiếp tục đi thi cuộc thi “Hoa hậu hoàn vũ 2005” ở Thái Lan cũng với danh nghĩa Miss Vietnam. Cũng trong năm 2005, người đẹp Nguyễn Hồng Hà lộ hình xăm ngang thắt lưng khi mang danh nghĩa đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi “Hoa hậu châu Á” ở Hong Kong. Không chỉ báo chí trong nước mà cả báo chí quốc tế cũng viết bài ồn ào về việc này với bóng gió cho rằng thí sinh Việt Nam là một cô gái ăn chơi, rồi đặt câu hỏi có chấp nhận một hoa hậu có hình xăm? Sau sự kiện này, Bộ VH-TT bắt đầu lấy ý kiến nhiều công ty người mẫu trong nước để xây dựng quy chế thi hoa hậu mới có thêm phần quy định những điều kiện để được cấp phép thi hoa hậu cấp quốc tế. |