DN “dài cổ” chờ thành lập hãng phim

Đã hơn một năm từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, thế nhưng các trường hợp xin thành lập doanh nghiệp điện ảnh (hãng phim, cơ sở sản xuất phim, công ty kinh doanh lĩnh vực điện ảnh...) đều nhận được lời từ chối thẳng thừng của cơ quan chủ quản khi lập hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp.

Thiếu văn bản hướng dẫn

Tháng 4-2007, đạo diễn Việt kiều K. liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xin thành lập hãng phim. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn ông liên hệ cơ quan chuyên ngành xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Liên hệ với Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xin lập thủ tục, ông K. bị từ chối thẳng với lý do ông là Việt kiều, thường trú tại nước ngoài nên không thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận theo Luật Điện ảnh. Ông K. cho biết thêm Cục giải thích đây là ngành nghề kinh doanh đặc thù, có điều kiện, do đó việc đăng ký thành lập doanh nghiệp điện ảnh phải đảm bảo một số điều kiện: phải có vốn pháp định (một tỷ đồng) và giám đốc hoặc tổng giám đốc phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải chỉ có trường hợp Việt kiều định cư tại nước ngoài mới bị từ chối mà ngay cả những người Việt Nam cư trú tại Việt Nam cũng chịu chung số phận. Tháng 1-2008, ông T. ở quận Gò Vấp, TP.HCM liên hệ xin làm thủ tục thành lập cơ sở sản xuất phim cũng bị Cục Điện ảnh từ chối với lý do: Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình cấp giấy chứng nhận. Cục đề nghị ông tiếp tục... chờ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thừa nhận: “Đúng là Luật Điện ảnh có quy định và cũng đã có nghị định hướng dẫn về điều kiện thành lập doanh nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ lập dự thảo đề nghị Bộ ban hành thông tư hướng dẫn để có quy trình cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận như thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, nội dung, biểu mẫu, các điều kiện đối với người đứng đầu doanh nghiệp...”.

Việt kiều thành lập hãng phim: Luật không quy định

Theo ông Minh, việc từ chối cấp giấy chứng nhận cho các Việt kiều có nhu cầu thành lập doanh nghiệp Điện ảnh là căn cứ theo Điều 14 Luật điện ảnh. “Đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến văn hóa nghệ thuật nên cũng cần hạn chế việc Việt kiều không cư trú tại Việt Nam về đầu tư nhưng không thực sự hoạt động. Tuy nhiên đến thời điểm này, quy định đó không còn cần thiết nhưng luật chưa được sửa đổi nên vẫn phải tiếp tục thực hiện” - ông Minh nói.

Điện ảnh khó theo kịp xu thế chung nếu “ngăn sông cấm chợ”. Ảnh: Phim Dòng máu anh hùng, một bộ phim có yếu tố “Việt kiều” khá thành công. Ảnh: QUỲNH TRANG
Điện ảnh khó theo kịp xu thế chung nếu “ngăn sông cấm chợ”. Ảnh: Phim Dòng máu anh hùng, một bộ phim có yếu tố “Việt kiều” khá thành công. Ảnh: QUỲNH TRANG

Ông Nguyễn Thái Hòa - Giám đốc hãng phim Giải Phóng nêu ý kiến: “Khi góp ý xây dựng Luật Điện ảnh, tôi đã đề nghị sửa đổi điều khoản phân biệt đối xử với các Việt kiều, những người muốn đầu tư thành lập doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và khán giả sẽ được lợi, nền điện ảnh cũng nhờ đó mà phát triển. Chúng ta kêu gọi Việt kiều về đầu tư nhưng lĩnh vực điện ảnh lại “ngăn sông cấm chợ” thì điện ảnh khó phát triển theo kịp xu thế chung được”.

Ông Lưu Phước Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Giải trí Phước Sang cũng chung quan điểm rằng đối với các Việt kiều nên mở rộng cho họ cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh. Nếu doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, họ sẽ tự phá sản theo quy luật đào thải chứ không nhất thiết phải cấm đầu vào như thế. Đó là chưa kể họ có vốn lớn, có khả năng đầu tư những bộ phim hoành tráng và họ có kinh nghiệm và công nghệ làm phim chuyên nghiệp.

Theo ông Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, hạn chế đối với Việt kiều kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh không chỉ làm mất cơ hội đầu tư của Việt kiều về nước mà còn hạn chế cả những cơ hội được cọ sát và cạnh tranh với những ê-kíp làm phim theo công nghệ sản xuất và phát hành phim tiên tiến trên thế giới. Do đó, cần sửa Luật Điện ảnh trong thời gian sớm nhất để mở rộng đối với Việt kiều”.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm