Vũ Quỳnh Hương: Tôi viết văn không phải để bán

Cô gái - mất gia đình trong một vụ tai nạn máy bay, cô chạy trốn thị thành, đến miền đất cao nguyên như một chuyến đi “vô thức” giải thoát những cô đơn kìm hãm. Chính tại đỉnh LangBiang hùng vĩ nhưng đầy thơ mộng, họ đã gặp nhau, tấu nên giai điệu của khúc nhạc tình.

Vũ Quỳnh Hương: Tôi viết văn không phải để bán ảnh 1

Chàng trai - cháu đích tôn duy nhất của một dòng họ danh giá đất cao nguyên, với một trái tim khiếm khuyết trong lồng ngực. Chuỗi ngày thơ ấu của anh là những tháng ngày chuyển từ bệnh viện này tới bệnh viện khác, “trái tim giả vờ bình yên” nằm im ắng trong ngực anh chờ một ngày có được sự thay thế phù hợp. Tai nạn ô tô hy hữu đã cướp đi hai người thương yêu nhất của anh, anh một mình bơ vơ trên cõi đời.

Cuộc sống của anh tưởng chừng như nhạt nhẽo và vô vị với những cuộc làm ăn, những buổi tối trong quán bar, những chiêu thức làm hài lòng thực khách, và những người đàn bà đến rồi đi trong căn phòng nhỏ. Mọi thứ như dừng lại và kết thúc khi anh gặp cô. Thứ tình cảm hoang dã, ào ạt trong tâm hồn họ đã kéo họ lại gần nhau hơn, và cũng có lẽ vì lý do đó, ngọn lửa tình yêu trong anh bỗng trở nên thanh tao và thuần khiết.

Có lẽ, nhiều người cảm thấy khó tin với một “tình yêu không sex” ở đây, nhưng khi đi hết chiều dài câu chuyện, mới thấy sự “sắp đặt” của tác giả không hoàn toàn vô lý. “Anh” cứ đi bên đời “em”, cứ là chuỗi ngày “em” di chuyển từ nơi này qua chốn khác, và mõi lần bỏ đi lại là một lần lặng lẽ, khiến “anh” nghẹt thở những nhớ thương.

Sự mất mát quá bất ngờ và quá lớn khiến cô không bao giờ muốn nói từ tạm biệt trước mỗi chuyến đi. Mỗi lần rời xa anh là một lần cô lại ao ước mình được ở lại, bé nhỏ và thanh khiết trong vòng tay anh, ước ao nghe anh nói những lời thương nhớ. Nhưng rồi cũng chính những chuyến đi xa đã kéo cô ra khỏi vòng tay anh mãi mãi.

“Trái tim của sói” là sự trở lại của Vũ Quỳnh Hương, một cây bút truyện ngắn quen thuộc nhiều năm trên báo Hoa học trò, hiện đang là phóng viên tờ Lao động cuối tuần. Những trang viết được chắt từ đời sống thật của cô, nên vì thế dễ đến gần với độc giả trẻ hơn.

Chị đã viết “Trái tim của sói” sau một thời gian khá dài im lặng với văn chương. Văn chương với chị có phải là một gánh nặng? Hay nó là một cái thùng để xả stress?

Tôi thực sự chưa một lần coi thế giới văn chương là một sự nghiệp phải nắm bắt, chưa một lần đặt ra kế hoạch cho tất cả những tác phẩm của mình. Chính vì thế nên tất cả những gì tôi viết ra đều là những câu chữ của cảm xúc và cảm giác thực sự, không chút gò ép.

Có một nhận định rằng, khi cuộc mưu cầu hạnh phúc đến hồi thất bát, con người ta thường bấu víu vào điều gì đó, trong nhiều trường hợp, đó là văn chương. Nhận định này có đúng với chị không?

Văn chương lại mang lại cho tôi những người bạn trong cuộc sống. Những người bạn cả cũ lẫn mới, những người thân thiết trong gia đình - những người mà với tôi - họ quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và cuộc sống thực, nhờ đọc văn tôi mà hiểu và đồng cảm với tôi hơn. Khi được hiểu, nhìn nhận và yêu thương - cuộc sống của bất cứ ai cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn, tôi biết ơn những con chữ in vì điều đó.

Bề ngoài, hành trình của nhân vật nam trong “Trái tim sói” là hành trình đi tìm nguồn gốc sự sống mà người khác ban tặng cho mình. Nhưng về bản chất, đó là sự kiếm tìm hạnh phúc của một người cô độc. Chị có thấy mình hơi… tàn nhẫn khi đẩy cả hai nhân vật chính đều là những kẻ bơ vơ, đơn độc trên mặt đất?

Không, vì để nhận được những chân giá trị đích thực, phần lớn con người đều phải chấp nhận trả giá và dám trả giá. Tôi để những nhân vật của mình cô đơn, để mọi nghĩ suy, cảm giác, và quyết định của họ nguyên là họ. Tuy nhiên, cần phải định nghĩa cho rõ ràng, rằng từ “cô đơn” ở đây – ngoài những yếu tố bất khả kháng (ví dụ như các thành viên trong gia đình gặp tử nạn chẳng hạn) – thì còn phải gọi là “dám cô đơn” (trong tình yêu đôi lứa) nữa.

Rất dễ hiểu khi con người rất dễ đổ vào vòng tay nhau khi gặp hoàn cảnh bơ vơ thiếu nơi nương tựa, nhưng để chống chọi lại những giây phút yếu đuối, những cám dỗ bình thường – người đó phải thực sự có khao khát vươn tới một tình yêu đích thực chứ không phải ngã vào những cảm giác lờ nhờ tưởng là tình yêu, và phải có bản lĩnh thực sự mới có thể sống một mình trong khi kiên tâm theo đuổi một ước mơ hạnh phúc như vậy.

Cuốn sách ít lời thoại và có thể coi như những bản độc thoại dài. Có phải nó được ghép lại từ những đêm khuya chị tự vấn chính mình?

Nhưng những gì tôi đẩy lên trang giấy là những thứ mà tôi trải nghiệm và tưởng tượng trong suốt cả ngày lẫn đêm, con người thực của cuộc đời thực trải qua cảm xúc thực. Dù thế, sự im lặng của đêm tối quả thực là bạn của những tường minh trong tâm trí, giúp tôi tĩnh tại để tiết chế khi viết.

Với cuốn sách này, chị muốn nói gì với độc giả của mình?

Tôi viết văn không để bán, tôi chỉ đơn giản là viết với tất cả yêu thương và cảm giác mà mình có, với một khát khao và niềm tin mãnh liệt vào cái gọi là tình – yêu - tuyệt - đối.

Một dấu vết của nghề nghiệp đã hằn lên trên những trang văn, ấy là những đoạn văn nhiều chi tiết của báo chí, những thông tin thời sự, những bình luận… Và cả cái cách chị để nhân vật nữ là nhà báo nữa. Chị bị ảnh hưởng tự nhiên hay chị có chủ ý? Nếu có chủ ý thì chị nhằm mục đích gì?

Cả hai. Tôi là một người viết văn thực tế, nghĩa là dù trí tưởng tượng có “đi xa” đến đâu, nó vẫn mang dáng dấp của những trải nghiệm có thật, những chi tiết mang tính thông tin báo chí trong truyện là rất nhiều tình huống thực tế mà tôi và các đồng nghiệp đã kinh qua. Còn chủ ý ư? Còn gì dễ dàng hơn khi đặt nhân vật vào một thử thách là một nghề phải đi nhiều biết nhiều như nghề báo! Đừng ngạc nhiên khi tôi dùng chữ “thử thách”, cái thử thách ở đây chính là thử thách tình cảm và bản lĩnh của nhân vật. Một cô gái có thể vượt qua hàng nghìn hàng vạn km khoảng cách, trí lực thông tuệ, năng lực có thừa, có thể có biết bao mối quan hệ, có bao nhiêu cơ hội để tìm những thú vui... mà vẫn thấy yêu thực sự, thấy nhớ thực sự - cái tình cảm đó nó rất khác với một người chỉ ru rú quanh quẩn ở một phương trời và chỉ biết có một người vì chẳng qua là không có những người khác. Tôi tin vào tình yêu và sự chung thuỷ của một người thông minh và giàu trải nghiệm, hơn là một thứ tình cảm ơ hờ làn nhạt của một người chưa từng bị thử thách bởi những cám dỗ bên ngoài khung cửa.

-

-Chị có hài lòng với “Trái tim của sói”? Sau cuốn sách này, chị sẽ tiếp tục như thế nào? Có dự định gì mới không?

- Tôi luôn hài lòng với tất cả những gì mình viết đơn giản vì đó chính là Tôi, dù những khoảng khắc Tôi đó được người khác đánh giá như thế nào, có làm họ thích thú hay không, đồng cảm hay không, chấp nhận hay không... thảy đều không quan trọng. Tôi viết và tìm thấy những tri âm khi người đọc đồng cảm với Tôi, chứ tôi không chạy theo độc giả.

Tiếp tục thế nào? Một câu hỏi khó trả lời với một người không hề có dự tính trở thành một người sáng tác chuyên nghiệp như tôi, nhưng thật may mắn là tôi lại tìm được khá nhiều tâm hồn đồng điệu với những sáng tác “vô kế hoạch”. Những bài thơ tôi viết rải rác trên blog đã được “gạ gẫm” in thành tuyển tập. Rất có thể tập thơ đó sẽ có tên là “Đặt cược trái tim”.

Chị là một phụ nữ năng động, chị có thể lái xe đi xục xạo khắp nơi để tìm những gì mình muốn, phục vụ cho cả mục đích nghề nghiệp lẫn sở thích cá nhân. Có điểm gì chung giữa chị và cô gái nhà báo trong Trái tim của sói?

Ngoại trừ những chi tiết hư cấu để tạo thành nội dung truyện như hoàn cảnh sinh ly tử biệt không may mắn của gia đình cô, những trải nghiệm thực tế khác... thì nội tâm của cô gái ấy hoàn toàn là những cảm nhận thực của tôi.

Về cơ bản, “Trái tim của sói” là một câu chuyện tình lãng mạn. Chị có phải là người lãng mạn? Hay chị đang viết về những gì mình mơ ước?

Không một người sáng tác nào lại không lãng mạn. Còn ước mơ, ai chẳng ước mơ về một hạnh phúc – và nơi đâu là mảnh đất tốt nhất để gieo hạt mầm tưởng tượng - ngoài văn chương. Dù câu truyện của tôi có cái kết thiếu tính chiều lòng độc giả ưa những thứ có hậu, nhưng nó vẫn là một giấc mơ về một tình yêu tuyệt đối, nơi tận cùng nỗi đau mới nhận ra hạnh phúc.

Cuộc sống hiện nay của chị thế nào?

Nếu thang điểm về một cuộc sống hạnh phúc được chấm theo nấc điểm 100, thì tôi được đến 99 điểm. Gia đình với bố mẹ chính là hình ảnh đầu tiên cho tôi hình dung về cái gọi là tình – yêu - tuyệt - đối, dành cho nhau và dành cho con cái. Con trai tôi ngoan ngoãn, rất dễ thương. Công việc thuận lợi. Bạn bè vui vẻ. Mặc dù tất cả mọi người đều coi việc hạnh phúc đôi lứa là quan trọng nhất của một người phụ nữ, nhưng chắc số phận phải chừa lại cho tôi một khiếm khuyết tạm thời để bảo vệ cái luận thuyết “không có gì là hoàn hảo” của mình chứ.

Chị nghĩ sao về những người đàn bà đẹp viết văn và cô đơn?

Không ai muốn làm kẻ lữ hành cô độc trên quãng đường đời rất dài. Tâm trạng của một người phụ nữ “viết văn”, “cô đơn” nhưng vẫn khao khát đuợc yêu thương che chở, như chị Võ Thị Hảo nói “muốn làm một dây leo đẹp bên một cây đại thụ”. Nhưng tôi nghĩ, cũng như tôi, những người phụ nữ viết văn khác dù ít hay nhiều cũng đều đã có những bản lĩnh, những định hình và cả sự ngang bướng khi chọn lựa một nửa của mình, “dám cô đơn” để chờ những gì thực sự là của mình, thuộc về mình.

Nếu trên cuộc đời này quả thực không có một cây đại thụ tồn tại, hoặc số phận thiếu may mắn khiến tôi không tìm ra được thì tôi cũng sẽ không dựa bừa vào... những cây chuối đâu.

HOÀI PHỐ - (Theo CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm