Một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí là Mỹ. Đó là những điều có trong mơ cũng ít ai dám nghĩ Triều Tiên sẽ đạt được. Thế nhưng chỉ trong hơn ba tháng đầu năm 2018, bằng những quyết định ngoại giao đột phá chưa từng có tiền lệ và nằm ngoài sức tưởng tượng được đưa ra bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, viễn cảnh đó bỗng dưng nằm trong tầm tay.
Thần tốc và không một sai sót
“Khiêm tốn”. Đó là cách mà tờ South China Morning Post (SCMP) nhìn nhận về phong thái của nhà lãnh đạo 34 tuổi Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 27-3 vừa qua. Tay bắt mặt mừng khi gặp ông Tập, lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên xuất hiện với sự niềm nở rạng rỡ. Chăm chú trong cuộc hội đàm cấp cao, ông Kim Jong-un tự tay ghi chép những nội dung thảo luận. Đó là những hình ảnh rất khác với những gì truyền thông phương Tây và trí tưởng tượng thông thường tô vẽ về người đàn ông quyền lực nhất phía Bắc bán đảo Triều Tiên. Màn ra mắt ngoại giao đầu tiên tại nước ngoài của ông Kim Jong-un, kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011 kế nhiệm người cha quá cố Kim Jong-il, diễn ra không có một sai sót.
Có những ý kiến cho rằng chính sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã buộc ông Kim Jong-un phải thay đổi. Tuy nhiên, đó có lẽ chỉ là một phần lý do. Giống như cái cách mà Bình Nhưỡng khuấy đảo năm 2017 với liên tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa, những bước đi ngoại giao của Triều Tiên từ đầu năm đến nay cho thấy họ mới thật sự là bên chủ động. Đích thân sang Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã khiến cả thế giới bất ngờ. Chiều 26-3, truyền thông quốc tế xôn xao vì đoàn tàu bí ẩn của Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh. Các cơ quan tình báo và ngoại giao của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ loay hoay tìm cách xác tín liệu có chính xác ông Kim có mặt trên chuyến tàu. Kịch bản này rõ ràng nằm ngoài mọi dự đoán của các nhà phân tích. Nó cũng bất ngờ như cái cách ông Kim Jong-un chìa “nhánh ô liu” hòa bình cho Hàn Quốc trong thông điệp quốc gia vào giao thừa năm 2018, đồng ý gửi phái đoàn cấp cao và đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông; hay như cách ông đề nghị tổ chức thượng đỉnh liên Triều rồi táo bạo hẹn gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một chiến dịch ngoại giao thần tốc diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy bốn tháng đầu năm 2018.
Chuyến công du của ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh vào thời điểm này dường như nằm ngoài dự đoán của mọi nhà quan sát. Ảnh: KCNA
“Luật chơi” về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể được viết nên bởi các nước lớn mà cụ thể là sự bao vây về kinh tế mà Mỹ và phần nào đó là Trung Quốc (TQ) áp đặt lên Triều Tiên. Thế nhưng thú vị thay khi người lèo lái “cuộc chơi” lúc này có vẻ là ông Kim Jong-un. Những bước đi ngoại giao của ông Kim, mà mới đây nhất là chuyến công du tại Bắc Kinh, cũng cho thấy một sự tính toán kỹ lưỡng. Như cách mà biên tập viên cấp cao của tạp chí The Diplomat nhận định trên tờ The Atlantic, qua việc ông Kim đến Bắc Kinh, Triều Tiên đã phát đi thông điệp rằng dù các cuộc thượng đỉnh sắp tới với Hàn Quốc và Mỹ có diễn ra thế nào thì TQ vẫn không bao giờ bị cho ra rìa. Cuộc gặp mặt khác củng cố chỗ dựa lẫn vị thế cho Bình Nhưỡng trong các cuộc mặc cả sắp tới liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Lựa chọn con đường ngoại giao cũng cho thấy một sự nhạy cảm của ông Kim, nói rộng hơn là giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, về “điểm rơi” của các dòng diễn biến quốc tế. Sau hơn sáu năm giải quyết các vấn đề quyền lực nội bộ tại Bình Những cùng với việc hoàn thành năng lực phòng thủ hạt nhân cho Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã tập trung đủ quyền lực và vị thế trong tay. Còn qua kỳ đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản TQ và kỳ họp Quốc hội thường niên vừa qua tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình cũng trở thành nhà lãnh đạo có nhiều quyền lực nhất nước này kể từ sau thời Mao Trạch Đông và là một đồng minh vô giá cho Bình Nhưỡng. Ở phía Nam bán đảo, các đảng bảo thủ giảm sức ảnh hưởng sau khi bà Park Guen-hye bị phế truất, thay thế bằng chính phủ của ông Moon Jae-in mạnh mẽ ủng hộ ngoại giao. Cuối cùng là phía bên kia Thái Bình Dương, một nước Mỹ ám ảnh không ngừng bởi Triều Tiên và một vị tổng thống đang cần ghi điểm trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ bước tiến nào rõ ràng. Bàn cờ domino đã xếp sẵn cho ông Kim Jong-un và dường như ông cũng hiểu rõ thời cơ chín muồi cho đối thoại.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện một phong thái ngoại giao chững chạc khó ngờ. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Bước kế tiếp sẽ là Nhật Bản?
Bước tiếp theo trong chiến lược ngoại giao thần tốc của ông Kim Jong-un có thể sẽ là Nhật Bản. Giới lãnh đạo của xứ sở “mặt trời mọc” được cho là đã gửi tín hiệu mong muốn một cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên. Theo tờ báo Asahi, chính quyền Bình Nhưỡng cũng đã bắt đầu thảo luận về khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Dựa vào một nguồn tin giấu tên cùng một số báo cáo tại Triều Tiên, tờ Asahi cho biết ông Kim Jong-un đã đặt vấn đề tổ chức thượng đỉnh Nhật Bản-Triều Tiên với các quan chức hàng đầu tại Triều Tiên. Theo tờ báo này, chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn trở thành nước chủ nhà cho cuộc gặp thượng đỉnh kỳ vọng. Địa điểm tổ chức có thể là Chongryon, Tổng hội người Triều Tiên tại Nhật Bản, vốn được xem là đại sứ quán không chính thức của Triều Tiên tại nước này. Theo tờ Asahi, các báo cáo tại Triều Tiên mà tờ báo này tiếp cận được cho thấy Bình Nhưỡng cân nhắc tổ chức thượng đỉnh vào đầu tháng 6-2018. Trả lời họp báo, Tổng thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với Triều Tiên trong một số dịp và biện pháp, chẳng hạn như thông qua đại sứ quán chúng tôi tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, tôi xin mạn phép không đề cập chi tiết về các thảo luận này”. Người phát ngôn của Chongryon cũng từ chối bình luận về thông tin mà Asahi đăng tải, hãng tin Reuters ngày 29-3 cho biết.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Triều Tiên, nếu diễn ra, sẽ chú trọng đến vấn đề những công dân Nhật Bản bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc nhiều thập niên trước. Ở chiều ngược lại, chính quyền Bình Nhưỡng đánh giá Nhật Bản là cơ hội để đất nước nhiều năm bị cô lập bởi cấm vận nhận được sự hỗ trợ tài chính quy mô lớn. Nếu quan hệ hai nước được bình thường hóa, Triều Tiên kỳ vọng nhận được viện trợ 20-50 tỉ USD.
“Đệ nhất phu nhân” Triều Tiên gây sốt thời trang Tờ SCMP cho biết phu nhân của ông Kim Jong-un là cô Ri Sol-ju đã gây nên một cơn sốt thời trang trong cộng đồng mạng TQ khi cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Bắc Kinh. Ông William Tang Tat-chi, một nhà thiết kế thời trang tại Hong Kong, khen các trang phục mà cô Ri lựa chọn khá “nhã nhặn” nhưng không quá cổ hủ. Người dùng mạng xã hội TQ đã khen ngợi phong cách thời trang của cô Ri Sol-ju, so sánh nét “uy quyền” của cô với phu nhân ông Tập là bà Bành Lệ Viên. Có những ý kiến cho rằng cô chắc chắn sẽ thực hiện tốt vai trò “ngoại giao đệ nhất phu nhân”. Nhiều người còn cho rằng cô Ri xinh đẹp hơn nhiều nữ minh tinh Hàn Quốc. Những bàn tán về cô trên mạng xã hội TQ nhiều đến mức từ khóa “Ri Sol-ju” dường như đã bị cấm trên trang mạng Weibo từ trưa 28-3, theo SCMP. Cô Ri vẫn là một gương mặt “bí ẩn” với truyền thông quốc tế. Các kênh truyền thông nhà nước của Triều Tiên thông báo về cuộc hôn nhân của ông Kim Jong-un và cô Ri Sol-ju vào năm 2012. Một số nhà phân tích về Triều Tiên cho rằng Ri Sol-ju sinh vào năm 1989 và là một ca sĩ nổi tiếng. Có thông tin cho rằng hai người đã có được ba người con nhưng thông tin chi tiết về các cháu bé này thì hoàn toàn mù mờ. |