Các nước giải bài toán xăng sinh học

Chính phủ Mỹ dưới hai đời tổng thống Barack Obama và người tiền nhiệm George W. Bush đều mong muốn thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học để nước Mỹ bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vốn nhập khẩu từ những khu vực có nhiều bất ổn và đôi khi có bất đồng chính trị với Mỹ như Trung Đông và Nam Mỹ. Một trong các biện pháp thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học tại Mỹ là đánh vào giá cả đã gây ra ít nhiều tranh cãi.

Đánh vào giá dễ gây tranh cãi

Cựu Tổng thống Mỹ Obama từ năm 2010 đã công bố ý định tác động đến thị trường để khiến các nhiên liệu gây ô nhiễm cao trở nên đắt đỏ hơn những nhiên liệu tái tạo và ít gây ô nhiễm, theo hãng tin Reuters. Tổng thống Obama mong muốn bằng chính sách quyết liệt này, đến năm 2020 Mỹ có thể tăng gấp đôi lượng nhiên liệu sinh học tự sản xuất, lên đến gần 36 tỉ gallon (hơn 136 tỉ lít).

Năm 2016, ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ, chính phủ của Tổng thống Obama đã đưa ra chính sách mới nhằm thúc đẩy xăng sinh học trong thị trường nhiên liệu của nước Mỹ. Chính sách này đánh trực tiếp vào các công ty lọc dầu của Mỹ và qua đó ảnh hưởng lên mức giá của xăng dầu “truyền thống”. Cụ thể, các công ty lọc dầu của Mỹ được yêu cầu trong năm 2017 phải pha trộn 19,28 tỉ gallon (gần 73 tỉ lít) ethanol, dầu diesel sinh học và các loại nhiên liệu sinh học khác vào nguồn cung xăng và dầu diesel bán ra thị trường. Theo Viện Nghiên cứu năng lượng Mỹ (IER), đây là mức yêu cầu kỷ lục trong các chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo của Mỹ từ năm 2007. Trong trường hợp các công ty lọc dầu không đạt được yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học, họ phải mua “điểm” phạt (RIN) của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), theo Đạo luật An ninh và độc lập năng lượng năm 2007 của Mỹ.

Tuy nhiên, với mức giá điểm phạt và mức yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học ngày càng tăng, nhiều công ty lọc dầu của Mỹ trong năm 2016 đã chịu tốn kém rất lớn vì không thể đạt được yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học mà chính phủ Tổng thống Obama đặt ra. Theo báo cáo tháng 11-2016 của IER, tính riêng trong năm tài khóa này, Tập đoàn năng lượng Valero của Mỹ đã tốn đến 850 triệu USD điểm RIN. Ông lớn khác trong ngành hóa dầu Mỹ là CVR cũng tốn 250 triệu USD cho điểm RIN, còn công ty năng lượng PBF thì tăng mức chi phí thêm 15%. IER nhận định biện pháp đánh vào giá của chính phủ Tổng thống Obama có khả năng làm các công ty lọc dầu nhỏ bị phá sản và giá cả xăng dầu của Mỹ tăng cao khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt. Trong khi các lợi ích lớn từ nhiên liệu tái tạo vẫn chưa cho “kết quả ngọt” thì biện pháp đánh vào giá lại khiến nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ dễ bị tổn thương, IER nhận định.

Thật ra các chính sách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học của Mỹ không chỉ tập trung vào giá cả. Các đời tổng thống Mỹ cũng đưa ra những chính sách tăng sản xuất ethanol để giảm giá thành nhiên liệu sinh học hoặc thúc đẩy tiêu thụ xe sử dụng nhiên liệu sinh học. Cụ thể là các sắc lệnh yêu cầu những cơ quan thuộc chính phủ Mỹ phải đảm bảo một tỉ lệ nhất định các xe mua mới phải là loại xe phù hợp với năng lượng thay thế. Năm 2015, Tổng thống Obama cũng ký sắc lệnh yêu cầu những cơ quan chính phủ có hơn 20 xe phải nâng cấp phương tiện và giảm lượng khí thải nhà kính. Hồi tháng 3-2013, bản thân Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn giá xăng dầu là chuyển đổi toàn diện sang các mẫu xe không phụ thuộc vào dầu mỏ. Ông nhấn mạnh cách để Mỹ không tụt hậu trong cuộc đua năng lượng tái tạo là đầu tư phát triển các phương tiện giao thông tối tân hơn.

Các chính sách của Tổng thống Obama từng vấp phải chỉ trích làm tăng mức giá xăng dầu. Ảnh: NYT

Kẹt xe nghiêm trọng tại các đô thị lớn của Trung Quốc khiến tình hình ô nhiễm ngày một tồi tệ. Điều này khiến chính phủ Bắc Kinh đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Ảnh: REUTERS

Hãng hàng không Air France của Pháp cũng đã tiến hành sử dụng nhiên liệu sinh học. Ảnh: AFP

Trung Quốc cấm dòng xe dùng xăng ô nhiễm?

Hồi tháng 9-2017, Trung Quốc (TQ) cũng tuyên bố đang xây dựng lộ trình đến năm 2020 sẽ sử dụng ethanol trong nhiên liệu trên toàn quốc. Trang China Daily cho biết kế hoạch này được phác thảo bởi ba cơ quan cấp cao của TQ là Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia (NDRC), Cơ quan năng lượng quốc gia (NEA), Bộ Tài chính TQ phối hợp cùng 12 bộ, ngành, cơ quan khác. Theo hãng tin Reuters, Bắc Kinh đang muốn đẩy mạnh mức tiêu thụ bắp cho lĩnh vực công nghiệp, đồng thời giải quyết tình trạng khói thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại các thành phố lớn.

Đó là lần đầu tiên chính phủ Bắc Kinh đặt ra một thời hạn cụ thể để thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học, cụ thể là xăng E10 với 10% nhiên liệu ethanol chiết xuất từ bắp. Chiến lược nhiên liệu sinh học của TQ được tính toán một cách tổng quan với mục tiêu không chỉ cắt giảm khí thải mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp khác trong nước. Điển hình là TQ trước tháng 9-2017 đã tuyên bố mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi sản lượng ethanol công nghiệp, một phần để giải quyết lượng bắp tồn kho khổng lồ của ngành nông nghiệp nước này, theo Tân Hoa xã. Song song với các biện pháp này, chính phủ TQ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sản xuất quy mô lớn nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai (với thành phần là cellulose, có nguồn gốc không từ cây lương thực).

Mặc dù TQ từ năm 2004 đã khởi động các chương trình tiên phong sản xuất ethanol từ bắp, nhiên liệu có pha ethanol chỉ chiếm 1/5 tổng tiêu thụ xăng dầu tại nước này, theo trang China Daily. Tuy nhiên, những bước đi thúc đẩy sử dụng xăng sinh học của TQ trong thời gian tới không đánh vào điều chỉnh giá cả của nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Thậm chí vào tháng 5-2017, Tập đoàn Xăng dầu và hóa chất TQ (Sinopec) còn giảm giá bán lẻ xăng dầu xuống 20% so với giá định bởi chính phủ, theo báo cáo năm 2017 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Thay vào đó, TQ hướng việc điều chỉnh vào các lựa chọn đi lại của người dân. Cục Số liệu quốc gia (NBS) của nước này cho biết lượng sử dụng nhiên liệu tại TQ ổn định chứ không tăng mạnh do tăng trưởng kinh tế chậm lại, đặc biệt là người dân có thêm nhiều lựa chọn giao thông công cộng, cùng với việc các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hiệu quả hoặc xe điện-ethanol xâm nhập ngày càng mạnh hơn trên thị trường. Chính phủ Bắc Kinh thậm chí đã bắt đầu nghiên cứu lộ trình cấm sản xuất và buôn bán ô tô sử dụng xăng dầu truyền thống, mặc dù không đưa ra mốc thời gian cụ thể, theo China Daily.

EU khuyến khích xăng sinh học nhờ giá rẻ

Liên minh châu Âu (EU) cũng ra các chỉ thị yêu cầu những quốc gia thành viên đến năm 2020 đạt đến mục tiêu 10% nhiên liệu phục vụ giao thông vận tải là nhiên liệu sinh học. Các tranh luận mới đây cũng hướng đến thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai, không sản xuất từ cây lương thực. Để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, EU cũng cho phép các quốc gia thành viên áp dụng chính sách miễn thuế một phần hoặc toàn phần cho nhiên liệu sinh học vì hiện tại giá thành vẫn mắc hơn nhiên liệu hóa thạch.

Hai nước thành viên EU dẫn đầu về sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học là Pháp và Tây Ban Nha. Theo báo cáo của Diễn đàn công nghệ nhiên liệu sinh học châu Âu, chính phủ Pháp đưa ra các chính sách khuyến khích sử dụng xăng với tỉ lệ nhiên liệu sinh học cao, điển hình như E85, bằng hình thức trợ giá. Ngoài ra, lượng dầu diesel sinh học và ethanol mà Pháp sản xuất cũng đều cao hơn nhiều so với nhu cầu nhiên liệu sinh học quốc gia. Điều này góp phần giảm giá thành sản xuất xăng dầu sinh học của nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm