Đảo quốc thiên đường và núi nợ Trung Quốc

Maldives, đảo quốc “thiên đường” nằm giữa Ấn Độ Dương, đã từ chối lời mời tham gia cuộc tập trận hải quân MILAN do Ấn Độ làm chủ nhà, truyền thông Ấn Độ ngày 28-2 vừa qua đồng loạt đăng tải thông tin.

Rối loạn ở quần đảo “thiên đường”

Việc Maldives từ chối lời mời tập trận chung là nốt trầm gần đây nhất trong quan hệ giữa nước này và Ấn Độ. Quan hệ hai nước trong vòng một tháng qua gặp nhiều sóng gió sau khi Tổng thống Abdulla Yameen của đảo quốc này tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 5-2 sau khi một nhóm lãnh đạo đối lập được Tòa án Tối cao ra lệnh thả tự do. Liên tiếp hai lãnh đạo lực lượng cảnh sát Maldives bị sa thải vì có ý định tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao. Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình hòa bình tại thủ đô Malé đòi trả tự do cho tù chính trị, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán. Một chánh án và một thẩm phán Tòa án Tối cao bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng.

Cựu Tổng thống Maldives thậm chí đã mở lời đề nghị Ấn Độ can thiệp quân sự nhằm bảo đảm thực hiện phán quyết của Tòa án Tối cao Maldives. Trong khi đó, Tổng thống Yameen đã cử phái viên tới các quốc gia có quan hệ hữu nghị với Maldives như Pakistan, Saudi Arabia và đặc biệt là Trung Quốc (TQ) để tham vấn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives.

Những khoản nợ mà chính phủ của Maldives nhận từ TQ dưới thời đương kim Tổng thống Yameen đang là vấn đề bị cựu Tổng thống Nasheed và phe đối lập công kích kịch liệt. Trả lời tờ Nikkei Asian Review, ông Nasheed cảnh báo rằng số nợ khổng lồ này có thể buộc Maldives đến năm 2019 phải “trao” lãnh thổ cho TQ. Ông cũng bày tỏ lo ngại nếu ông Yameen tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới thì sức ảnh hưởng của TQ tại quốc đảo này sẽ càng lớn hơn nữa.

“Chúng ta không thể nào trả hết được khoản nợ 1,5 đến 2 tỉ USD của TQ” - cựu tổng thống phe đối lập cho biết. Cựu lãnh đạo Maldives thông tin rằng tiền vay từ TQ giờ đây chiếm gần 80% số nợ nước ngoài của đất nước. Đa số khoản vay được rót vào những dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường và sân bay. Tuy nhiên, theo ông, những dự án này đều thiếu hiệu quả sử dụng trong khi các khoản nợ lại có lãi suất cao và phải bắt đầu được trả từ năm 2019 hoặc 2020. Nếu Maldives trả nợ chậm tiến độ, TQ có thể yêu cầu thanh toán bằng những cách khác như quyền sở hữu một số đảo hoặc điều hành dài hạn các dự án cơ sở hạ tầng, ông Nasheed dự đoán.

Một tàu quân sự của Trung Quốc rời cảng Trạm Giang vào tháng 7-2017 để lên đường chuyển quân đến căn cứ quân sự ở Djibouti, phía Tây châu Phi. Ảnh: AP

Tổng thống Abdulla Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp tối 5-2. Ảnh: AP

Một dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư tại Maldives. Ảnh: NIKKEI

Khi nợ trở thành đòn bẩy

Viết trên tờ Nikkei Asian Review, chuyên gia Brahma Chellaney nhận định Maldives đang trở thành một trường hợp mới rơi vào “bẫy nợ” do vay quá đà và thiếu các điều khoản kiểm soát tài chính lành mạnh. “Chính trị gia Mỹ John Adam từng nói: “Có hai cách thức để chinh phục một đất nước. Một cách là bằng gươm đao. Cách còn lại là bằng nợ”. TQ đã chọn con đường thứ hai. Bằng cách sử dụng triệt để các công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích chiến lược, Bắc Kinh đã đưa ra những khoản cho vay khổng lồ cho những nước có nền tài chính còn yếu kém, quyến rũ họ vào bẫy nợ và củng cố đáng kể đòn bẩy mặc cả” - ông Chellaney nhận định.

Từ châu Phi, với căn cứ quân sự ở Djibouti đến Sri Lanka ở Ấn Độ Dương, TQ đã biến đổi tài chính-tín dụng thành sức ảnh hưởng chính trị và thậm chí là hiện diện quân sự. Bắc Kinh là bên duy nhất đứng ra ủng hộ chính phủ của Tổng thống Yameen sau khi ông sử dụng quân đội lật đổ Tổng thống Nasheed vào năm 2012. Những sự ủng hộ về tài chính đã mang lại đòn bẩy lớn để Bắc Kinh mặc cả với chính phủ ông Yameen.

Ông Nasheed cho biết TQ đã âm thầm thuê dài hạn được gần 16 đảo thuộc quần đảo Maldives với giá rẻ. Đảo Feydhoo Finolhu, nằm gần thủ đô Malé, được TQ thuê lại quyền sử dụng với giá chỉ vào khoảng 4 triệu USD, bằng giá một căn hộ cao cấp tại Hong Kong, ông Chellaney cho biết. Đảo Kalhufahalufushi dài 7 km với rạn san hô tuyệt đẹp thậm chí còn được thuê lại với giá rẻ hơn. Ông Yameen vào năm 2015 đã chỉnh sửa hiến pháp quốc gia này, cho phép hợp pháp hóa sở hữu nước ngoài đối với bất động sản tại Maldives. Những điều chỉnh này đặc biệt có lợi cho chính sách đầu tư của Bắc Kinh khi đặt điều kiện bên muốn sở hữu đất phải có dự án xây dựng trị giá tối thiểu 1 triệu USD và có các cam kết bồi đắp, cải tạo đảo.

Những khoản vay của TQ được đánh giá là có mức rủi ro cao với lãi suất nhiều khi đến 7% khiến tăng số nợ thiếu bền vững trên toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng cảnh báo. Các nước vay nợ thường phải chuyển giao quyền điều phối hoạt động các cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược cho phía TQ để trả nợ. Chính sách ngoại giao cho vay đạt được thành công lớn vào tháng 12-2017 khi Sri Lanka buộc phải chuyển giao cảng chiến lược Hambantota cho TQ thuê trong vòng 99 năm với mức giá là 1,12 tỉ USD. Ở Pakistan, các công ty năng lượng quốc doanh của TQ đã đạt được nhiều hợp đồng bao gồm cả quyền sở hữu các nhà máy phát điện và đảm bảo lợi tức hằng năm lên đến 16%.

Những dự án của TQ thông qua con đường ngoại giao “cho vay” ở vùng Ấn Độ Dương luôn được Bắc Kinh khẳng định là nhằm mục đích dân sự. Tuy nhiên, chuyên gia Chellaney cho rằng những dự án này vẫn có thể được chuyển đổi mục đích một cách dễ dàng. Tại Pakistan, Bắc Kinh đã điều động tàu chiến đến đảm bảo an ninh cho cảng Gwadar do TQ xây dựng, đồng thời tìm cách thiết lập một tiền đồn quân sự gần đó. Cảng Colombo của Sri Lanka, trị giá 500 triệu USD nhưng phần lớn là do đối tác TQ quản lý, đã đón tàu ngầm của hải quân TQ cập cảng. Trong khi đó ở Maldives, Bắc Kinh cũng đã có những bước đi báo hiệu mong muốn xây dựng cảng quân sự khi cho nạo vét nhiều rạn san hô đủ mở đường cho tàu chiến di chuyển.

Phía sau lời từ chối

 Lý do mà Đại sứ Maldives Ahmed Mohamed đưa ra cho việc nước này từ chối lời mời tập trận chung cùng Ấn Độ là do tình trạng khẩn cấp về chính trị tại nước này: “Tôi muốn làm rõ rằng Maldives không thể tham dự cuộc tập trận hải quân trong thời gian này vì tình trạng khẩn cấp vẫn đang còn hiệu lực. Lực lượng an ninh phải được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó cao độ”. Ông cũng khẳng định các sĩ quan hải quân của nước này sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động tập trận hay huấn luyện nào ở nước ngoài trong giai đoạn căng thẳng này.

Ấn Độ không quan ngại về tàu chiến TQ

Tập trận hải quân MILAN, diễn ra ngoài khơi quần đảo Andaman và Nicobar, là hoạt động hợp tác huấn luyện hải quân đa phương do hải quân Ấn Độ tổ chức từ năm 1995 đến nay hai năm/lần. MILAN 2018 sẽ chính thức được mở màn vào ngày 6-3, kéo dài trong vòng năm ngày. Trước thềm cuộc tập trận năm nay, tính đến ngày 28-2, chỉ mới có 16 trong số 23 nước được Ấn Độ gửi lời mời xác nhận sẽ tham gia MILAN.

Đô đốc hải quân Ấn Độ Sunil Lanba đã bác bỏ các thông tin cho rằng Ấn Độ quan ngại trước sự hiện diện của tàu quân sự TQ gần Maldives. Ông cho biết TQ đã tiến hành các sứ mệnh tuần tra chống hải tặc tại Ấn Độ Dương từ năm 2008 đến nay. “Họ có một khuôn mẫu hoạt động căn bản trong những năm qua. Hiện chúng tôi chưa phát hiện sự thay đổi nào” - ông cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm