Ông Victor Cha, người được cho là chắc chắn sẽ trở thành đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Hàn Quốc, vừa bị hủy đề cử vào ngày 31-1. Ông Cha chính thức được đề cử từ tháng 8-2017. Trong thông báo rút đề cử gửi ông Victor Cha, Nhà Trắng không giải thích lý do. Tuy nhiên, tờ The Washington Post dẫn lời nhiều quan chức Mỹ giấu tên cho biết nhà ngoại giao này đã khiến Nhà Trắng lo ngại khi phản đối việc tổng thống Mỹ đe dọa đánh phủ đầu Triều Tiên, cũng như dọa xé bỏ thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc.
Mất đề cử sau phản đối đánh Triều Tiên
Tờ Financial Times dẫn hai nguồn tin có quan hệ với ông Cha cho biết nhà ngoại giao này từng được Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) hỏi liệu ông có sẵn sàng cho việc sơ tán công dân Mỹ ở Hàn Quốc nếu làm đại sứ, như một bước chuẩn bị cho khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên, hay không. Nhà ngoại giao Victor Cha thay vào đó đã bày tỏ sự lo ngại với các quan chức NSA về khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên.
Ngoài ra, theo đài truyền hình CNN, ông Victor Cha cũng bày tỏ sự phản đối khi được Nhà Trắng hỏi liệu với tư cách đại sứ thì ông có ủng hộ tấn công phủ đầu hay không. Sau khi biết quan điểm ông Cha, Nhà Trắng đã giữ thái độ im lặng dù phía Hàn Quốc đang nóng ruột mong đề cử được thông qua. Đến cuối tuần rồi, Nhà Trắng bất ngờ thông báo với ông Victor Cha rằng đề cử cho ông giữ vị trí đại sứ tại Hàn Quốc đã bị rút.
Trong bài viết trên trang The Washington Post tối 30-1 (giờ địa phương), nhà ngoại giao này xác nhận đã chia sẻ quan điểm phản đối đánh phủ đầu Triều Tiên với chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quá trình xét đề cử. Theo ông, một chiến dịch đánh phủ đầu vào đầu não lãnh đạo của Triều Tiên (được truyền thông Mỹ ví von là kiểu đánh “chảy máu mũi” đối thủ) không phải là cách giải quyết khủng hoảng, chưa kể còn có rủi ro lớn làm leo thang chiến tranh và dẫn đến cái chết của hàng ngàn người Mỹ. Đánh phủ đầu “chảy máu mũi” sẽ gây nên rủi ro lớn cho người dân Mỹ, leo thang chiến tranh bán đảo Triều Tiên, dễ dẫn đến sụp đổ các thị trường tài chính. Có ý kiến nói các rủi ro này là xứng đáng đánh đổi để buộc Triều Tiên chấm dứt theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, theo ông Victor Cha, thực tế một trận đánh “chảy máu mũi” chỉ đủ sức trì hoãn chứ không chấm dứt được tiến trình phát triển hạt nhân, tên lửa Triều Tiên. Chưa kể nó còn khiến Triều Tiên quyết tâm hơn trong theo đuổi mục tiêu này.
Ông Victor Cha (phải) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vào tháng 6-2017. Ảnh: YONHAP
TS Victor Cha trong một buổi thuyết giảng tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: EPA
Chưa rõ phía Hàn Quốc đã chính thức được Mỹ thông báo rút đề cử ông Victor Cha hay chưa. Đài truyền hình CNN dẫn một số nguồn tin cho biết nhiều quan chức Hàn Quốc trước ngày 31-1 đã bối rối, thậm chí lo ngại khi thấy đề cử ông Cha bị tắc nghẽn. Đã có nhiều nhà ngoại giao Hàn Quốc tại Mỹ hối thúc Nhà Trắng chuyển đề cử đến Thượng viện, hy vọng nhà ngoại giao gốc Hàn sẽ nhậm chức trước khi Thế vận hội Mùa đông diễn ra vào tháng 2. Đáng lẽ ra nếu mọi việc suôn sẻ, ông Victor Cha đã là đại sứ Mỹ gốc Hàn thứ hai trong lịch sử ở Hàn Quốc sau ông Sung Kim thời Tổng thống Barack Obama.
Chiếc ghế đại sứ Mỹ tại nước đồng minh Hàn Quốc là một vị trí nhạy cảm và quan trọng. Thế nhưng vị trí này lại đang vắng chủ từ hơn một năm nay kể từ khi ông Mark Lippert ra đi khi chính phủ Obama chấm dứt nhiệm kỳ. Với diễn biến này, Mỹ chưa biết khi nào mới có đại sứ ở Hàn Quốc. Tờ Korea Herald dẫn một nguồn tin quan chức Mỹ cho biết sẽ cần ít nhất bảy tháng nữa để chính phủ ông Trump chọn được nhân vật mới để đề cử. Quá trình thông qua đề cử sẽ còn tốn thêm nhiều thời gian nữa. Trong thời gian này, ông Marc Knapper vẫn tạm thời là quyền đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Tình trạng khuyết đại sứ cũng làm dấy lên lo ngại về hợp tác giữa hai đồng minh, giữa bối cảnh căng thẳng Triều Tiên rất cao trong suốt hơn một năm qua và dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định bán đảo Triều Tiên là ưu tiên chính sách đối ngoại của mình.
Ông Dennis Wilder, cố vấn hàng đầu của Tổng thống George W. Bush và hiện là đồng nghiệp của ông Cha tại ĐH Georgetown, cho rằng Washington sẽ không dễ tìm được người nào đủ năng lực và uy tín như ông Victor Cha. Đài CNN cũng không mấy lạc quan về khả năng Nhà Trắng có thể chọn được một người vừa đáp ứng mọi yêu cầu về năng lực, uy tín, an ninh cho vị trí quan trọng này lại vừa ủng hộ đánh phủ đầu Triều Tiên, ủng hộ chính sách thương mại cứng rắn của Mỹ với Hàn Quốc.
Tín hiệu đáng lo ngại cho Hàn Quốc?
Hàn Quốc vốn đã bất an về ý định thật sự của ông Trump với Triều Tiên. Theo Lee Chung-min, giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Yonsei, việc Washington rút đề cử ông Victor Cha cộng với việc ông Trump chỉ trích nặng nề Triều Tiên trong thông điệp liên bang tối 30-1 (giờ địa phương) sẽ khiến Seoul lo càng thêm lo. Còn theo chuyên gia về châu Á Michael Green tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), người từng làm việc với ông Cha tại Hội đồng An ninh Quốc gia, chuyện rút đề cử ông Cha vào thời điểm nhạy cảm của bán đảo Triều Tiên là rất đáng ngại.
Theo ông Abraham Denmark, cựu phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, rút đề cử đại sứ tại một nước đồng minh lớn giữa bối cảnh đang có căng thẳng nghiêm trọng là việc chưa hề có tiền lệ. Động thái này sẽ bị nhìn nhận giống như một sự “sơ suất chiến lược”. Trong khi đó, ông Tom Wright, nhà phân tích chính sách đối ngoại cao cấp tại Viện chính sách Brookings, thì tin ông Victor Cha không còn được đề cử là một tín hiệu “nặng ký” cho thấy dàn trợ lý ông Trump vẫn đang nghiêm túc cân nhắc khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên.
Đánh phủ đầu Triều Tiên hay không? Câu hỏi này đang được tranh cãi gay gắt trong nội bộ chính phủ ông Trump. Nhóm phản đối ý tưởng này có thể kể đến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson. Trong khi nhóm ủng hộ có hai nhân vật nổi bật là cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, Giám đốc CIA Mike Pompeo, theo The Washington Post. Việc rút đề cử ông Cha có thể là một cách Nhà Trắng thể hiện thái độ trong cuộc tranh cãi này. Cùng ngày có thông tin ông Cha bị rút đề cử, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Paul Selva đã lên tiếng khẳng định Mỹ đủ sức phá hủy Triều Tiên nếu cần thiết. Đầu tháng 1, tờ Wall Street Journal cũng từng đưa tin chính phủ Tổng thống Trump đang âm thầm bàn thảo một chiến lược dự phòng đánh phủ đầu Triều Tiên. Tờ Korea Herald cũng cho rằng rút đề cử ông Cha là tín hiệu cho thấy Mỹ có ý định sẽ giữ vững quan điểm cứng rắn về cả vấn đề Triều Tiên lẫn câu chuyện thương mại Mỹ-Hàn.
Phát biểu thông điệp liên bang tối 30-1, ông Trump nói sẽ không lặp lại sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm là nhân nhượng với Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia các vấn đề quốc tế vẫn cho rằng đây chỉ là phát ngôn cứng rắn bề mặt và căng thẳng quanh tham vọng vũ khí hạt nhân Triều Tiên khả năng lớn sẽ được giải quyết theo kiểu chiến tranh lạnh, theo CNN.
Ông Victor Cha đang giảng dạy tại ĐH Georgetown (nằm ở thủ đô Washington, Mỹ). Ông từng là cựu giám đốc chuyên trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông cũng từng đảm trách chức vụ phó trưởng phái đoàn Mỹ trong đối thoại sáu bên với Triều Tiên liên quan chương trình hạt nhân của nước này. Hồi tháng 7-2017, ông Cha đã công khai kêu gọi Mỹ xúc tiến một chiến dịch tiếp cận ngoại giao mới với Triều Tiên. |