Tận diệt chim trời!

Cơn lũ đầu mùa vừa dứt là lúc hàng trăm đàn cò bay về các cánh đồng kiếm ăn. Cò về đồng kiếm ăn cũng là lúc đội quân săn bắt cò ra đồng “kiếm ăn”. 

Mùa diệt chim

Trời tờ mờ sáng, tôi theo Thành và một đám chuyên bẫy cò tiến về cánh đồng xã Thạch Điền. Trên trời đàn cò cả ngàn con nháo nhác bay liệng. Sau khi đặt xong cò mồi, Thành cầm bó cần bẫy ghim sẵn mồi cặm khắp nơi trên bờ ruộng. Thành cho biết: “Cứ sau vài trận lũ là khắp các cánh đồng trong huyện cò bay về trắng trời. Đây là mùa cò đói nên chỉ cần vác câu ra cặm là dính ngay”.

Tận diệt chim trời! ảnh 1

Cò được đưa đi bán khắp nơi

Hàng chục người trên cánh đồng, chẳng mấy chốc đã bắt được cả trăm con cò. Ông Hoàng, một người dân có thâm niên hơn 30 năm làm nghề bẫy cò tâm sự: “Hôm nay cò về ít, chứ có khi chỉ cần một buổi sáng cò về nhiều, có tay trúng cả ngàn con”.

Trên con đường qua các cánh đồng xã Thạch Kim (Thạch Hà), cảnh giăng lưới đợi cò diễn ra khắp nơi. Ở đâu cũng thấy người ta vặt lông cò, lông vạc trắng xóa bờ bãi.

Tận diệt chim trời! ảnh 2

Dụng cụ bẫy cò

Xuôi theo con đường ven biển từ huyện Thạch Hà đến Kỳ Anh cũng bắt gặp nạn bẫy cò. Một lão nông tên Hòa, ở cánh đồng Hói, xã Thạch Kim cho biết: “Cứ đến chừng đầu tháng tám âm lịch trở đi là dân ra đồng bẫy cò. Nghề này chỉ kéo dài chừng hơn một tháng nhưng kiếm được không ít tiền. Nhiều tay ở thành phố thấy nghề này dễ kiếm tiền cũng đổ xô về đây bẫy cò”. Theo lão nông này, mùa này nhiều loại chim trời kéo nhau về đầy trên các cánh đồng nhưng dân bẫy chỉ chú ý đến cò và vạc vì hai loại chim này bán có giá.

Đủ thứ bẫy

Trước kia, người ta chỉ biết bẫy bằng cần câu; giờ họ dùng đủ phương thức như dùng súng, giăng lưới...

Một người chuyên bẫy cò ở xã Thạch Kim cho biết trước kia dân ở vùng này chỉ muốn bẫy vài con cò về cải thiện bữa ăn nên chỉ cần dùng vài bó que gắn nhạ (một loại chất dính giống như nhựa-NV) bẫy là được. Còn bây giờ, bẫy cò đã trở thành nghề kiếm ăn của hàng trăm lao động thất nghiệp trong mùa mưa bão nên phải dùng phương thức khác mới bẫy được nhanh và nhiều cò. “Có người trang bị cho đội quân săn cò cả năm bảy khẩu súng. Mua sắm cũng mất nhiều tiền như chỉ cần một nửa mùa bẫy là đủ thôi”.-  Phạm Văn Kỳ, một tay bẫy cò nói.

Tận diệt chim trời! ảnh 3

Nhiều nơi hình thành hẵn một khu chợ chuyên bán cò

Tại cánh đồng xã Thạch Kim, chúng tôi chứng kiến hàng chục đàn cò sa lưới. Từ sáng sớm, mấy tay “cò tặc” đã giăng lưới trên khắp bờ bãi. Chưa đầy một tiếng đồng, đàn cò bay về nháo nhác bay lượn trên cánh đồng vừa gặt. Đàn cò đói mồi nhanh chóng đáp xuống bên mấy còn cò mồi đã giăng sẵn. Chưa kịp hạ xuống cánh đồng hàng chục con còn đã sa lưới dính đầy nhựa bẫy. Ngoài việc “đánh” cò bằng cần câu truyền thống, giờ trên nhiều cánh đồng người ta đã dùng súng để tận diệt chim trời.

Đến các nhà hàng

Sau khi cò dính bẫy, đội quân “cò tặc” nhanh chóng thu gom cò chuyển về cho các đầu nậu. Một tay chuyên thu mua cò (ở xã Thạch Kim, Thạch Hà) đi bỏ mối cho các nhà hàng nói: “Mỗi ngày tôi gom mua được từ một đến hai ngàn con cò. Sợ không có cò thôi chứ có bao nhiêu cũng bán hết”.

Cò bị bắn chết thì bị vặt lông thui vàng mang ra chợ bán, mỗi cặp bán có giá 20.000-22.000 đồng. Các chợ từ Thạch Kim, Thạch Châu, Thạch Trị đến chợ TP Hà Tĩnh đầy rẫy từng thúng cò thui, cò sống bày bán. Riêng cò, vạc còn sống được nhập cho các đầu nậu mang đi thành phố bán cho các nhà hàng đặc sản. Mỗi con cò sống giá 12.000 đồng, vạc sống giá 15.000- 20.000 đồng.

Tận diệt chim trời! ảnh 4

Cò đưa vào lồng chuyển đi cho các đầu nậu

Theo chân các người thu mua cò, chúng tôi về các chợ quê của huyện Thạch Hà. Tại đây, đủ thứ cò sống, cò chết được bày bán tràn lan, la liệt. Nhờ các tay thu mua cò cung ứng hàng nên giờ đây trên nhiều tuyến đường của thành phố Hà Tĩnh xuất hiện các nhà hàng chuyên phục vụ món cò, vạc. Ở các nhà hàng này có đủ tất cả mọi món từ chả cò, cò nướng, cò quay, cò giả cầy đến cò xào sả ớt, cò xào khế... Tận diệt cò vạc là tận diệt động vật hoang dã, làm biến đổi thế cân bằng sinh thái. Một kiểu làm ăn như vậy, xét ra là có dấu hiệu tàn phá thiên nhiên. Không hiểu tại sao hành vi này lại diễn ra đều khắp ở Hà Tĩnh?

HỮU KHÁ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm