Thăm “hồn gỗ” của Trần Vinh

Hơn 20 tuổi, từ một chàng trai đam mê nghề tạo mẫu tóc, bỗng dưng “nổi cơn” đam mê mỹ nghệ gỗ. Suốt 17 năm ấp ủ, lùng sục khắp đại ngàn nhặt những gốc, rễ cây, miếng gỗ đa hình thù…rồi tìm nghệ nhân tâm đắc cùng “thổi hồn vào gỗ”, đến nay, Trần Vinh đã có hàng trăm tác phẩm điêu khác gỗ. 

Một góc không gian "Hồn gỗ" của Trần Vinh

Một góc không gian "Hồn gỗ" của Trần Vinh 

Đến thăm không gian “Hồn gỗ” tại nhà riêng của Trần Vinh, ở  337 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku (Gia Lai), không ít người sửng sốt trước gia tài đồ sộ của anh. Gần 100% tác phẩm gỗ trong bộ sưu tập của Trần Vinh, là gỗ lũa - một loại gỗ bị “bỏ quên”, của thiên tai… được anh mang về cọ rửa, khử trùng, nâng niu, tìm người điêu khắc theo ý tưởng của mình.

Trần Vinh tâm sự: “Trước đây mỗi lần đến chùa, tôi cứ mê mẩn chiêm ngưỡng rất nhiều tượng gỗ một cách thành kính. Phật tử vái lạy, dù chỉ là một khúc gỗ rất nhỏ...đó là vì trong gỗ có hồn vô cùng lớn. “Linh hồn” của gỗ vô hình, nhưng lại có sức cảm hóa phi thường đối với con người…”.

Thế là từ đó, niềm đam mê các tác phẩm nghệ thuật về gỗ lũa bắt đầu bỏng cháy trong lòng chàng trai trẻ. Anh quyết tâm thực hiện cho được một bộ sưu tập với mong muốn giữ lại hồn của gỗ, giữ lại một chút thiêng liêng của đại ngàn. “Lâu nay, chả nhẽ con người lại đánh mất linh hồn của gỗ? Họ chỉ tìm thấy trong gỗ giá trị thương mại, kinh doanh…còn “Hồn gỗ” nhiều khi lại chính là tiếng kêu cứu của đại ngàn”, Trần Vinh trải lòng.

Theo Trần Vinh, các tác phẩm của anh có tới 70% là tự nhiên, con người chỉ tác động vào khoảng 30% và những tác phẩm này chỉ để chiêm ngưỡng, cảm thụ, không nghĩ đến việc mua bán hay kinh doanh.

Tiếng nhạc du dương khiến người xem càng chìm đắm trong không gian “Hồn gỗ”, người và gỗ như hòa quyện, cùng lắng đọng, chiêm nghiệm với nhiều cung bậc tình cảm đan xen…

Tác phẩm Nỗi lòng bào thai

Tác phẩm Nỗi lòng bào thai 

Tác phẩm Tử cung

Tác phẩm Tử cung 

Tác phẩm Sự cô đơn

Tác phẩm Sự cô đơn 

Giận dữ, buồn tủi cho thân phận mẹ già bị con cái bạc đãi, cô đơn dưới mái nhà tranh xiêu vẹo nhưng vẫn cầu nguyện cho con, hay sự xót xa cho những bào thai bị chính cha mẹ ruột của mình từ chối… Lại thăng hoa, lạc quan yêu đời với tác phẩm “Cười” thể hiện muôn kiểu cười của đức Phật Di Lặc. Lòng nhẹ tênh khi lạc vào không gian Phật pháp, ngắm nhìn những bức “Tu tâm, Thoát tục”… Không chỉ tạo hiệu ứng âm thanh (nhạc không lời), tác giả còn bố trí ánh đèn tạo nên một không gian đầy màu sắc huyền bí… Đặc biệt hơn, bên mỗi tác phẩm tác giả đều có vài dòng thơ-linh hồn của gỗ, trong đó có nhiều bài thơ do chính tác giả sáng tác.

Sau khi Trần Vinh đưa chúng tôi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật gỗ, anh nói: “Trong tổng thể không gian này, tôi tâm đắc nhất chuỗi các tác phẩm về tình mẫu tử…”. Theo Trần Vinh, tại sao người đời lại gọi bộ phận trong cơ thể người mẹ là Tử Cung, "với tôi Tử chính là con và Cung chính là Cung điện mà mẹ đã dành cho con trong suốt hơn 9 tháng…ra đời ta lại nhờ đến bầu sữa mẹ nuôi ta ăn và lớn khôn…cứ thế, năm tháng trôi đi, mẹ ta lại cô đơn ngóng con đi xa mau trở về bên mẹ…".

Trần Vinh và tác phẩm “Về đâu”, đạt giải nhất tỉnh Gia Lai-năm 2012. Hình ảnh mẹ con voi không biết về đâu khi rừng “ngôi nhà” và sự sống của con người và muông thú đã bị tàn phá.

Trần Vinh và tác phẩm “Về đâu”, đạt giải nhất tỉnh Gia Lai-năm 2012. Hình ảnh mẹ con voi không biết về đâu khi rừng “ngôi nhà” và sự sống của con người và muông thú đã bị tàn phá.  

Chính sự nổi trội hơn hẳn trong “muôn trùng cái đẹp” nên tại triển lãm Sinh vật cảnh Gia Lai 2012, không gian “Hồn gỗ” của Trần Vinh đã được Ban Tổ chức triển lãm trao giải nhất.

Không chỉ làm đẹp cho đời qua những tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật, Trần Vinh còn được nhiều người biết đến với vai trò là một chuyên gia chăm sóc sắc đẹp, chuyên gia làm tóc và một thợ kết hoa tài tình. Có lẽ với Trần Vinh, niềm đam mê làm đẹp là bất tận, khao khát mang cái đẹp đến cho đời như chính lẽ sống của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm