Gần đây có không ít các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu… để lại dư luận không tốt, dù các cuộc thi này đều được cấp phép với những điều kiện được quy định khá chặt chẽ. Có ý kiến cho rằng Nhà nước cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý để các cuộc thi được tổ chức quy củ, tránh gây bát nháo, lộn xộn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các cuộc thi này chẳng qua cũng chỉ là những game show giải trí… nên Nhà nước không cần phải “dài tay” quản lý làm gì.
Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các ý kiến bàn luận.
Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TP.HCM:
Nhà nước không nên quản lý hoa hậu
Thứ nhất, người đẹp tham dự các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi là họ tự thi. Thứ hai, bất cứ người đẹp nào dù hoa hậu hay gì cũng sẽ được ứng xử như một công dân. Và ngoài là một công dân, khi đi thi vì danh hiệu, vì trở thành người của công chúng nên người đẹp phải đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho người của công chúng. Tức là xã hội nhìn hoa hậu sẽ khắt khe hơn, người đó phải đẹp trong hành vi ứng xử, ngôn phong, trang phục và cả việc thực thi các quy định pháp luật của một công dân. Là người của số đông thì phải nhận những phán xét của số đông, nếu sai, nếu hành vi không đẹp sẽ phải nhận tẩy chay, chỉ trích… và xa hơn, các thương hiệu mà các người đẹp này làm đại diện sẽ hủy hợp đồng.
Tôi dẫn chứng để muốn nói rằng Nhà nước không nên quy định về quản lý trực tiếp các người đẹp, hoa hậu. Quản lý nhà nước chỉ nên đưa ra những quy định pháp luật về khâu tổ chức cuộc thi bởi nó liên quan đến các vấn đề về tụ tập đám đông. Và ban tổ chức từng cuộc thi sẽ phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến quá trình cấp phép. Việc quản lý toàn bộ người đẹp, hoa hậu thì giao cho ban tổ chức từng cuộc thi đó. Nếu ban tổ chức nào vi phạm quá nặng, quá nhiều, nhân vật tôn vinh gây tai tiếng… thì cơ quan quản lý không cấp phép cuộc thi nữa. Còn với cá nhân người đẹp thì pháp luật xử lý họ như công dân và công chúng sẽ tẩy chay họ.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, á hậu 1 Ngô Thanh Thanh Tú và á hậu 2 Huỳnh Thị Thùy Dung tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Ảnh: VOV.VN
TS Nguyễn Thị Hậu:
Nên để hoa hậu cho tư nhân tổ chức
Nhu cầu về cái đẹp và thưởng thức cái đẹp là một nhu cầu tự nhiên. Trên thế giới các cuộc thi hoa hậu được tổ chức thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu này và mang thêm ý nghĩa tôn vinh cái đẹp gắn liền với một số hoạt động vì cộng đồng như thiện nguyện, môi trường…
Tuy nhiên, các cuộc thi hoa hậu đều do những cá nhân, công ty, nhà sản xuất chương trình… tổ chức độc lập chứ không phải nhà nước đứng ra tổ chức. Những cuộc thi đó nếu vi phạm pháp luật thì chính quyền xử lý, vi phạm đạo đức hay thuần phong mỹ tục thì bị xã hội lên án và hoa hậu đó không được, không có nhiều cơ hội hoạt động thực hiện chức trách như cuộc thi đề ra.
Ở nước ta, tôi cho rằng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp... nên để cho tư nhân tổ chức. Nhà nước quản lý kiểm soát theo quy định, quy chế hay luật. Đây là một sinh hoạt văn hóa bình thường của xã hội, mang tính chất giải trí, không mang quá nhiều ý nghĩa đối với xã hội. Đừng áp đặt cho cuộc thi hay những người đẹp những chức trách quá nặng nề.
Trong chuyện này không thể không nói đến vai trò của truyền thông, nhất là báo mạng. Khi truyền thông quá chú trọng tin tức về cuộc thi, về cô hoa hậu này kia thì ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và phản ứng của xã hội đến những cuộc thi này.
Cuộc thi Người Đẹp Biển 2016 tại sân khấu Mặt Trời - KDL Tuần Châu, Hạ Long
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Nên bỏ thủ tục cấp phép nhưng siết điều kiện dự thi
Điều kiện, thủ tục tham gia các cuộc thi hoa hậu trong nước và quốc tế hiện nay được quy định tại Nghị định số 79/2012… Tôi cho rằng việc quy định này cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ chung của các nước.
Để bảo đảm chọn được người phù hợp tham gia, là đại diện của đất nước tham gia các cuộc thi hoa hậu quốc tế, chúng ta cần xác định theo hướng đẩy mạnh về nội dung (tiêu chuẩn của thí sinh, cơ cấu lựa chọn), bỏ các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho chính thí sinh và ban tổ chức cuộc thi hoa hậu quốc tế.
Trước hết, chúng ta cần bãi bỏ quy định cơ quan nhà nước cấp giấy phép cho thí sinh tham gia các cuộc thi. Bãi bỏ quy định này không đồng nghĩa với việc không quản lý, mà cơ quan nhà nước sẽ quản lý chặt từ lúc tổ chức các cuộc thi hoa hậu mang tính chất quốc gia. Đồng thời chúng ta phải kiểm tra hoa hậu tham gia cuộc thi quốc tế có thư mời chính thức từ ban tổ chức hay không. Thư mời này được xem là chứng cứ quan trọng để chứng minh cho tư cách tham gia cuộc thi của người được mời.
Chúng ta chỉ nên bỏ thủ tục cấp phép nhưng vẫn phải siết chặt về việc đáp ứng điều kiện để đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi có quy mô toàn quốc. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định các tiêu chí, điều kiện cụ thể đối với các cuộc thi. Ví dụ như các tiêu chuẩn hình thể, kiến thức, cách ứng xử của thí sinh, điều kiện để trở thành ban giám khảo… Việc siết chặt các quy định này sẽ dẫn đến bảo đảm chất lượng của hoa hậu.
Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân:
Nên kiểm soát để đảm bảo chất lượng
Theo tôi nghĩ các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi là những sân chơi đáng được hoan nghênh, cổ vũ vì giúp tìm ra nhiều người đẹp đại diện cho Việt Nam tham gia nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế. Việc xuất hiện nhiều cuộc thi người đẹp giúp thị trường giải trí trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, cái gì nhiều thì cũng sẽ có những vấn đề không mong muốn xảy ra. Cụ thể, không ít cuộc thi mắc phải những hạt sạn không đáng có trong quá trình tổ chức.
Thiết nghĩ việc kiểm soát chất lượng thí sinh và cơ cấu tổ chức luôn là một việc nên làm để đảm bảo không mắc phải các lỗi “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay”.
Đang tiếp thu ý kiến để sửa quy định Chúng tôi đang tiếp thu các ý kiến để xây dựng lại nghị định mới quy định lại một số vấn đề theo hướng vừa mở vừa chặt. Hiện nay cũng có hai ý kiến khác nhau từ các địa phương. Có địa phương muốn phải có thêm cuộc thi để tạo điều kiện cho các địa phương quảng bá du lịch, có địa phương lại muốn siết chặt lại. Chúng tôi phải lắng nghe ý kiến địa phương, bộ, ngành. Về quan điểm cá nhân, theo tôi làm thế nào lĩnh vực này phát triển phong phú mà lại vẫn chặt chẽ đó mới là bài toán khó. Còn cái gì không quản được mà cấm thì dễ quá, ai cũng làm được. Ông VƯƠNG DUY BIÊN, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL VIẾT THỊNH ghi |