Những ngày gần đây, giới nghiên cứu xôn xao về nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam vào năm 2007.
Trao đổi với VietNamNet, GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ học, cho biết việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn từng được đề cập nhiều năm trước với những minh chứng đối chiếu theo cách sao chụp rõ ràng. Nội dung cuốn sách của ông Tồn đúng từng câu, từng chữ, trong suốt hơn 100 trang với nội dung các luận văn, luận án, bài viết của học trò đã bảo vệ, công bố trước đó.
GS Trần Ngọc Thêm tại một buổi hội thảo được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Thêm dẫn chứng thêm, ở chương 1 sách năm 2002 của ông Tồn, các trang 62-66 và 72-87 hoàn toàn trùng với các trang 20-34 trong chương 1 luận án của nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thúy Khanh. Thế nhưng trong sách của ông Tồn hoàn toàn không có chú thích nào.
Sở dĩ như vậy có lẽ vì đây là phần lý thuyết, phần này ông Tồn đã dịch từ tiếng Nga đưa cho NCS của mình chép lại. Còn ở đầu chương 3 và chương 7 thì ông Tồn đều có chú thích rằng "Chương này được hoàn thành dựa trên dữ liệu luận án [30]" (tức là luận án PTS của Nguyễn Thúy Khanh nhan đề "Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi động vật (trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga)"). Còn ở đầu chương 4 và chương 8 thì ông Tồn có chú thích rằng"Chương này được hoàn thành dựa trên cơ sở dữ liệu luận văn [47]" (tức là luận văn tốt nghiệp đại học của sinh viên Cao Thị Thu nhan đề "Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt").
Như vậy là trong cùng một cuốn sách này, chương 1 là phần lý luận thì ông Tồn đã dịch ra đưa cho học trò chép; còn các chương 3, 7 và 4, 8 là phần mang tính tư liệu thì ông chép (có dẫn nguồn) từ luận án của NCS do ông hướng dẫn và luận văn của một sinh viên là cháu của ông do GS Nguyễn Thiện Giáp hướng dẫn.
Sự đóng góp của NCS Nguyễn Thúy Khanh và sinh viên Cao Thị Thu cho cuốn sách của ông Tồn là rất lớn và không thể phủ nhận được. Cái cách mà ông chú nguồn trong sách đã nói lên điều đó. Vì chương 1 đúng là của ông (như tôi đã đối chiếu với những "bằng chứng, vật chứng" mà ông mang ở Liên Xô về) thì trong sách ông đã không thèm chú nguồn, mặc dù luận án của Thúy Khanh viết giống hệt như thế và đã bảo vệ trước đó sáu năm.
Cũng theo ông Thêm, trong bản báo cáo thẩm định năm 2006, ông đã viết rõ: "Việc cả một chương sách 15-20 trang gần như trùng hoàn toàn về nội dung với những trang sách trong luận án, dù là đã nói rõ nguồn và dù là của NCS do mình hướng dẫn, không thể coi là dẫn lời (vì không có mở và đóng ngoặc kép), cũng không thể coi là dẫn ý (vì không thể có ý nào dài 15-20 trang)".
Với số trang trùng cao như thế (bốn chương, tổng cộng hơn 100 trang) thì NCS Nguyễn Thúy Khanh (và sinh viên Cao Thị Thu) phải được ghi tên là những đồng tác giả. Chép lại hơn 100 trang, chiếm gần 1/3 toàn bộ cuốn sách, mà không được ghi tên ở trang đầu là những đồng tác giả hoặc thậm chí là những cộng tác viên thì thực chất cũng là một dạng "đạo văn". Như vậy ông Tồn rõ ràng là đã vi phạm luật bản quyền một cách nghiêm trọng.
Chia sẻ với VietNamNet, dù có nghi án đạo văn nhưng năm 2009, Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở Trường ĐH KHXH&NV lại thông qua hồ sơ của ông Tồn một lần nữa.
Ông Thêm cho hay Hội đồng Chức danh giáo sư ngành năm 2009 (có 10 thành viên) họp trong hai ngày 15 và 16-10-2009. Tại kỳ họp ngày 15-10, hội đồng đã cử một tổ công tác thẩm định hai đơn thư nặc danh khiếu nại ứng viên Nguyễn Đức Tồn. Tại kỳ họp hôm sau (ngày 16-10), sau khi nghe đọc các đơn thư khiếu nại, bản tường trình của ứng viên, báo cáo kết quả thẩm định của tổ công tác, các thành viên hội đồng đã phát biểu ý kiến thảo luận một cách nghiêm túc và khách quan.
Các ý kiến phát biểu đều nhận định rằng ông Tồn đã có lỗi và đã trả giá trong bảy năm qua, hai lần hồ sơ không được thông qua; không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời.
Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10.