0g ngày 2-8 toàn thành phố Phan Thiết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tại thành phố Phan Thiết trong những ngày qua đã xuất hiện thêm một số ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây;

Chủ tịch UBND thành phố quyết định: Thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Phan Thiết từ 00 giờ ngày 2-8 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian giãn cách là 14 ngày; theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; khu phố - thôn cách ly với khu phố - thôn; xã - phường cách ly với xã - phường; thành phố Phan Thiết cách ly với các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

TP Phan Thiết lúc áp dụng Chỉ thị 15 vào ngày 24-6

Tiến hành phong tỏa ngay các khu vực liên quan đến các ca nghi nhiễm có tiếp xúc, có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao; đồng thời, khẩn trương xác định nguồn lây, rà soát, truy vết tất cả các trường hợp có tiếp xúc với các ca nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly y tế và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Tiến hành khử khuẩn các khu vực có liên quan.

Yêu cầu người dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.

Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: Lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như: Công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.

Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp: Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp tiếp xúc, giao tiếp; tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh…

Đối với hoạt động của chợ truyền thống: Phải rà soát toàn bộ số lượng chợ truyền thống hiện có (kể cả các chợ tự phát) để khẩn trương điều chỉnh, thay đổi mô hình hoạt động; trong đó chỉ cho phép hoạt động các gian hàng bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, tổ chức lưu thông 1 chiều, hạn chế số lượng người vào chợ, đảm bảo giữ khoảng cách. Tăng cường các điểm bán hàng lưu động, khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến hoặc có hình thức đi chợ giúp.

Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng đi/đến thành phố Phan Thiết, dừng việc di chuyển từ thành phố Phan Thiết đến các địa phương khác, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, cấp cứu và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Trường hợp cần thiết phải di chuyển đi/về thì phải có thẻ đi lại, giấy thông hành theo quy định.

Yêu cầu toàn thể nhân dân thành phố Phan Thiết tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, khuyến khích áp dụng hình thức khai báo quét mã QR, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình (đặc biệt áp dụng 5K) và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm