Như Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh, TAND TP.HCM vừa ra quyết định mở thủ tục thông báo phá sản với Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land), chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP.HCM). Người có đơn yêu cầu là bà Trần Thị Châu Giang, một khách hàng mua căn hộ tại dự án, sau khi bà này kiện đòi bồi thường vì đã đóng đủ tiền nhưng chủ đầu tư chậm giao nhà. Từ yêu cầu này, 400 khách hàng khác đang đứng ngồi không yên vì lo sợ sẽ mất nhà nếu tòa tuyên bố công ty phá sản.
Có quyền yêu cầu
Hồ sơ vụ việc còn thể hiện khi bà Giang kiện đòi bồi thường do chủ đầu tư bàn giao nhà chậm trong khi bà đã nộp đủ tiền thì tòa đã tuyên bà thắng kiện. Sau đó Chi cục Thi hành án (THA) quận 2 đã phong tỏa, kê biên đất dự án của công ty để đảm bảo THA. Do bà có đơn yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản nên THA quận đang xem xét đình chỉ việc THA để thực hiện theo Luật Phá sản.
Vấn đề pháp lý đặt ra là: Khi nào bà Giang có quyền yêu cầu tuyên bố PVC Land phá sản, tòa sẽ giải quyết như thế nào và 400 khách hàng khác cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Thẩm phán Nguyễn Hồng Ân (TAND TP.HCM, người trực tiếp giải quyết vụ việc) cho biết tòa thụ lý yêu cầu của bà Giang là đúng. Vì PVC Land thuộc diện mất khả năng thanh toán, tức là không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản. Về phía PVC Land nếu tự thấy mất khả năng thanh toán thì cũng có nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản theo khoản 3, khoản 4 Điều 5 luật này.
Một lãnh đạo Tòa Kinh tế, TAND TP.HCM nói: “Bà Giang được xem là chủ nợ không bảo đảm do bà đã được tòa tuyên buộc PVC Land trả nợ. Theo hồ sơ thì khoản tiền mà bà đã góp mua căn hộ dưới hình thức hợp đồng góp vốn được ký giữa hai bên mà không qua việc cầm cố, ký gửi hay bảo lãnh của người thứ ba”. Do đó căn cứ vào khoản 4 Điều 4 Luật Phá sản, bà Giang được quyền yêu cầu PVC Land phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp (DN) hoặc của người thứ ba. Khi hết thời hạn ba tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà PVC Land không thanh toán thì bà có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản. Khi nộp đơn, bà Giang cần giao nộp những chứng cứ như hợp đồng nhận góp vốn, chứng từ tiến độ góp vốn, bản án của tòa tuyên công ty phải bồi thường…
Khu dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP.HCM). (Ảnh chụp ngày 3-3) Ảnh: HTD
Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng bà Giang có tư cách là chủ nợ vì đã có bản án có hiệu lực của tòa tuyên PVC Land phải trả tiền. Cụ thể, bà Giang được xem là chủ nợ không có bảo đảm vì giữa bà và công ty chỉ có ký kết một hợp đồng góp vốn mua căn hộ. Phía công ty không đưa ra biện pháp nào kèm theo để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng giữa hai bên.
Quyền lợi của 400 khách hàng khác ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Thẩm phán Ân nói: “Theo khoản 1 Điều 47 Luật Phá sản, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, DN vẫn được kinh doanh nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản. Khi bị tuyên bố phá sản thì DN mới chấm dứt hoạt động. Đến nay tòa cũng chưa nhận được ý kiến gì về việc quyền lợi của các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng”. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 49 Luật Phá sản thì các hoạt động như vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản, bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản…, phải được báo cáo và có sự đồng ý của quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản đó.
Trước đó, một đại diện TAND TP.HCM cũng cho biết nếu sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, PVC Land trả được nợ cho bà Giang thì tòa sẽ ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục này.
Theo ThS Từ Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), luật vẫn bảo đảm được quyền lợi cho những khách hàng khác vì thủ tục tuyên bố phá sản DN của tòa được thực hiện trước thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản. Theo đó, sau khi mở thủ tục phá sản, tòa sẽ xác định các nghĩa vụ về tài sản của “con nợ” và kiểm kê tài sản nhằm chống việc tẩu tán. Tiếp đó tòa sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ nhằm quyết định “số phận” của DN mất khả năng thanh toán. Hội nghị này là dịp duy nhất có quyền quyết định đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoặc tuyên bố phá sản DN.
Trường hợp DN bị tuyên bố phá sản, thứ tự phân chia tài sản được thực hiện theo Điều 54 Luật Phá sản. Lần lượt là: Chi phí phá sản; quyền lợi của người lao động; các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và cuối cùng là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước cùng các khoản nợ không có bảo đảm. Trong trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỉ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Nên có hướng dẫn Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản thì sau ba tháng DN không thanh toán, chủ nợ có quyền yêu cầu phá sản. Quy định này hơi máy móc, dễ biến các vụ tranh chấp nợ thành yêu cầu phá sản. Nhiều thẩm phán trước khi quyết định mở thủ tục phá sản phải triệu tập phiên họp với người yêu cầu phá sản, chủ DN bị yêu cầu để xem có thật sự mất khả năng thanh toán hay không. Thực tế có DN khả năng tài chính dư để trả nợ nhưng do tranh chấp, đang chiếm dụng vốn mà chưa thể trả nợ. Trường hợp này không nên cho rằng họ mất khả năng thanh toán. Tôi nghĩ TAND Tối cao nên có hướng dẫn theo hướng trước khi mở thủ tục phá sản phải làm rõ lý do mà DN không thanh toán nợ được. Nếu đúng là tài sản hiện tại của họ không đủ, hoặc có nhưng không thể thu hồi để trả nợ thì mới coi đó là mất khả năng thanh toán. Nếu họ có sẵn máy móc, hàng hóa, bất động sản có thể phát mại chuyển hóa thành tiền để trả nợ thì cũng không thể coi họ mất khả năng thanh toán. Thẩm phán NGUYỄN CÔNG PHÚ, Phó Chánh |