Chiều 3-4, Công an huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết đã phá chuyên án chung 323L và bắt giữ 7 chuyên hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự trên địa bàn các xã ven biển của huyện Quảng Xương.
Theo đó, 7 người bị bắt giữ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự gồm: Lê Thị Xim, Đào Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thạch, Lê Khắc Ứng, Hoàng Thị Hiền, Ngô Văn Hà và Bùi Sỹ Sơn (đều ngụ huyện Quảng Xương).
Theo tài liệu của cơ quan công an, Lê Thị Xim (38 tuổi, ngụ xã Quảng Thạch) là người cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi trên địa bàn các xã ven biển của huyện Quảng Xương.
Xim và nhóm người trong đường dây này thường trực tiếp dùng mạng xã hội Zalo hoặc Facebook nhắn tin điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ với lãi suất "cắt cổ" từ 3 nghìn đồng/triệu/ngày đến 15 nghìn đồng/triệu/ngày tương đương trên 500%/năm.
Lê Thị Xim khai nhận về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Ảnh: CATH |
Chỉ tính từ năm 2021 đến khi bị bắt, 7 người trong đường dây này đã cho nhiều cá nhân trên địa bàn các xã ven biển của huyện Quảng Xương như Quảng Thạch, Quảng Nham, Quảng Hải, Tiên Trang, thị trấn Tân Phong vay tiền và thu lợi bất chính 1,7 tỷ đồng.
Xác định đây là đường dây hoạt động tín dụng đen phức tạp, lãnh đạo Công an huyện Quảng Xương đã lập án đấu tranh, điều tra, làm rõ và triệt xóa đường dây này.
Với những tài liệu chứng cứ thu thập được, Công an huyện Quảng Xương đã phá án, đồng loạt bắt nhóm người nêu trên về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng công an đã thu giữ nhiều hợp đồng cho vay và sổ sách có liên quan đến việc cho vay nặng lãi.
7 người trong đường dây tín dụng đen bị Công an huyện Quảng Xương bắt giữ cùng tang vật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Ảnh: CATH |
Phó Trưởng Công an huyện Quảng Xương Thượng tá Hoàng Văn Bình thông tin thêm từ tháng 12-2022 đến nay, Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố 17 vụ, 23 bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
“Loại tội phạm này không chỉ xuất hiện ở các địa bàn trung tâm mà còn len lỏi đến từng ngõ ngách, vùng nông thôn, các xã ven biển. Với thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi là lợi dụng mạng viễn thông, internet, kinh doanh dịch vụ cầm đồ tạo vỏ bọc, đối phó với các cơ quan chức năng.
Để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn huyện" - Thượng tá Bình thông tin.
Phó Trưởng Công an huyện Quảng Xương Hoàng Văn Bình đề nghị khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng cần thông báo ngay đến cơ quan công an để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.