Theo ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, những năm gần đây, Bộ chủ trương tăng cường thanh tra công tác quản lý. Có nghĩa là thanh tra tập trung vào công tác tổ chức thi của các hội đồng, các điểm thi, giúp các hội đồng thi làm đúng quy chế, không đi sâu vào chuyên môn, làm thay chuyên môn. Cán bộ lãnh đạo Hội đồng, các ban, các điểm thi; các giám sát, giám thị và cán bộ tham gia thi làm đúng chức trách của mình thì quy chế sẽ được thực hiện nghiêm túc.
Kỳ thi này được tổ chức ở nhiều điểm thi tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS). Địa bàn rộng, lực lượng tham gia đông nên các việc thanh tra cũng cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý những nơi khó khăn, những vấn đề quan trọng, vấn đề dễ phát sinh sai sót. Thực tế, kỳ thi này vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ, vì vậy bản thân TS đã chú ý việc đó rồi.
Cũng theo ông Bằng, năm nay một phòng thi có 24 thí sinh và 2 giám thị . Theo quy chế thì một giám thị bao quát từ trên xuống, một giám thị từ dưới nhìn lên khi TS làm bài. Khi gọi TS vào phòng thi thì một giám thị gọi TS vào, một giám thị đối chiếu ảnh, kiểm tra các thiết bị mang vào. Nếu các giám thị tập trung làm tốt thì khó có thể có sự gian lận.
Theo quy chế thì một giám thị bao quát từ trên xuống, một giám thị từ dưới nhìn lên khi TS làm bài. Khi gọi TS vào phòng thi thì một giám thị gọi TS vào, một giám thị đối chiếu ảnh, kiểm tra các thiết bị mang vào.
Theo quy chế thì có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát kỳ thi. Thứ nhất, phải kể đến lực lượng trực tiếp giám sát phòng thi. Quy chế quy định tối đa bảy phòng thi sẽ có một giám sát. Cán bộ làm giám sát sẽ có nhiệm vụ rất cụ thể, có quyền giám sát cả việc làm của giám thị và các lực lượng khác và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy giám thị không đảm bảo đúng quy định.
Thứ hai, thanh tra các Sở, sẽ thanh tra tất cả các điểm thi, thanh tra từ điểm trưởng cho đến giám thị. Lực lượng thứ ba là thanh tra Bộ sẽ thanh tra tất cả các sở, các hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, đến giám thị thực hiện đúng chức trách của mình. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thi các cấp cũng thường xuyên kiểm tra công tác thi theo thẩm quyền.
“Để thực hiện việc thanh tra của Bộ, chúng tôi đã thành lập 10 đoàn thanh tra chia theo khu vực. Thanh tra không cần có mặt liên tục ở tất cả các điểm thi và không nhằm trực tiếp để xử lý một vài trường hợp cụ thể mà nhằm phát hiện ra những việc làm đúng và chưa đúng. Nếu đúng thì tiếp tục chỉ đạo làm, còn chưa đúng thì sẽ có những chấn chỉnh để làm sao giúp các hội đồng thi làm đúng. Thanh tra hành chính là xem xét những việc đã diễn ra rồi trên cơ sở hồ sơ, tài liệu sổ sách để đánh giá. Thanh tra thi là xem xét việc đang diễn ra. Cho nên chủ yếu nhằm nhiệm vụ giúp các điểm thi, các hội đồng làm đúng quy chế. Còn nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy chế”, ông Bằng nói.
Đáng chú ý trong kỳ thi năm nay là Bộ vẫn chỉ đạo thanh tra đột xuất, không có báo trước. Ngoài ra, công tác thanh tra có điểm mới là các sở, các giám đốc sở thành lập các đoàn thanh tra trong các đó có cán bộ của trường đại học tham gia để tăng tính khách quan. Các trường ĐH tham gia vào cuộc thi này không chỉ với tư cách là giám thị, giám sát mà còn trực tiếp làm thanh tra.
Bên cạnh việc cử các đoàn thanh tra theo khu vực như nêu trên, Bộ còn có đoàn thanh tra thường trực có nhiệm vụ tổng hợp tình hình từ các sở, các đoàn; trực đường dây nóng; khi cần sẽ điều đi hỗ trợ các địa phương khi phát sinh vấn đề phức tạp.