10 năm không được nhận cha vì mẹ bỏ đi

Đây là hoàn cảnh của bé NBH (10 tuổi), cháu nội của bà DTNL, hiện ngụ khu phố 2, phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, Đồng Nai. H. sống với nhà nội suốt 10 năm nay nhưng vẫn chỉ ở diện KT3.

Chạy khắp nơi tìm đường nhập hộ khẩu

Theo bà L., đầu năm 2006 con trai của bà là anh NDT dẫn chị NTBP về chung sống như vợ chồng. Đầu năm 2007, chị P. sinh được một bé trai nhưng chưa làm khai sinh. Về sau, do có khúc mắc, mẹ con chị P. được gửi vào cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) Từ tâm Nhân ái ở Bình Dương sống.

Tháng 11-2007, bà L. vào thăm cháu mới biết chị P. đã bỏ đi, để lại đứa bé. Bà đã nhờ người ở BTXH làm giấy khai sinh cho H. và làm thủ tục đón cháu về nhà từ đó.

“Tôi nghe nói học cấp II phải có sổ hộ khẩu nên cả năm nay tôi chạy đôn chạy đáo để nhập hộ khẩu cho cháu. Giấy khai sinh của cháu ở Tân Uyên, Bình Dương nên cán bộ phường Tân Vạn hướng dẫn tôi về Bình Dương làm. Về đó thì cán bộ tư pháp yêu cầu phải có giấy xét nghiệm ADN hoặc phải có mẹ bé xác nhận mới làm thủ tục cha nhận con được. Tìm tới nhà ngoại H. tôi mới biết họ đã chuyển đi nơi khác. Tôi chỉ còn biết nhờ người đăng lên Facebook tìm P. về làm xác nhận. Đã nửa năm rồi vẫn bặt vô âm tín. Con tôi đi làm bốc vác ở Bình Dương, tiền ăn còn không có, lấy tiền đâu xét nghiệm ADN” - bà L. lo lắng.

Tìm đủ cách vẫn không được, bà L. định cho H. học hết lớp 5 rồi nghỉ. Nhưng rồi bà lại xót cháu, vì không có hộ khẩu sau này cũng không làm chứng minh nhân dân được. “Nghĩ vậy tôi lại chạy vạy nhưng đường nào cũng tắc” - bà buồn bã nói.

Đã 10 năm cháu H. vẫn chưa được nhận cha và nhập hộ khẩu vào nhà nội. Ảnh: Đ.TRANG

Ánh sáng cuối đường hầm

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức, cán bộ hộ tịch phường Tân Vạn, cho biết trước đó đã hướng dẫn bà L. về nơi đăng ký khai sinh của cháu làm thủ tục cho cha nhận con, từ đó nhập hộ khẩu vào nhà cha.

Theo giải thích của ông Đức, trường hợp nhận con của anh T. gặp khó vì Điều 11 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp nêu chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận, cụ thể ở đây là kết quả xét nghiệm ADN. Nếu không có xét nghiệm ADN thì phải có xác nhận của người mẹ. Trường hợp anh T. không có khả năng xét nghiệm ADN dù anh có thư từ, hình ảnh, vật dụng… chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con nhưng vẫn cần bản cam đoan của cha, mẹ về việc H. là con chung của hai người.

Tuy nhiên, cũng trong thông tư này, khoản 1 Điều 13 hướng dẫn đối với một số trường hợp đặc biệt. Trong đó nam, nữ chung sống như vợ chồng, sinh con, người con sống cùng với cha thì khi cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

“Trước đó, do bà L. chỉ mang giấy khai sinh của cháu đến mà không nói rõ nguyện vọng muốn làm gì nên khi thấy nơi khai sinh ở Bình Dương tôi đã giới thiệu bà L. đến đó liên hệ” - ông Đức lý giải.

Sau khi nắm rõ vấn đề, ông Đức đã lấy tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con và giấy cam đoan cho bà L., đồng thời hướng dẫn bà hoàn tất giấy tờ để làm thủ tục cho anh T. nhận con. Sau 3-8 ngày, bà L. có thể nhập hộ khẩu được cho cháu nội.

Theo Điều 13 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp, trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con. Nếu có giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ. Nếu không có thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Đồng thời, Điều 24 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con là UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con. Trường hợp của bé H., UBND phường Tân Vạn nơi cha bé H. thường trú có đầy đủ thẩm quyền thực hiện hồ sơ nhận cha con cho anh T. và bé H.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới