Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về quan điểm của mình trong quản lý ngành nghề đại diện, tư vấn, dịch vụ pháp lý. Theo đó, ý kiến của hai bộ vẫn rất khác nhau, vì thế nhiều khả năng Thủ tướng sẽ phải chủ trì họp để đưa ra quyết định cuối cùng.
Bộ Tư pháp lập luận sắc sảo
Như Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh, tranh cãi gay gắt xảy ra khi Bộ KH&ĐT cho rằng Luật Luật sư (LS) không quy định cứng là chỉ LS mới được tư vấn pháp luật, còn Bộ Tư pháp thì cho rằng hướng dẫn của Bộ KH&ĐT là sai.
Sự việc xuất phát từ việc Sở KH&ĐT TP.HCM đã cấp đăng ký kinh doanh cho một công ty tư vấn bất động sản, trong đó có ngành nghề “tư vấn pháp luật”. Căn cứ là Quyết định 337 năm 2007 của bộ trưởng Bộ KH&ĐT (về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam). Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng chỉ có nghề công chứng, chứng thực là kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng. Còn “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” thì được tự do kinh doanh, từ đó công ty này được cho phép tư vấn pháp luật…
Mới đây, Bộ Tư pháp đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT thực hiện nghiêm Luật LS, Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội về thi hành Luật LS và Luật Doanh nghiệp.
Theo Bộ Tư pháp, kinh doanh dịch vụ pháp lý bao gồm hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý khác đã được Nhà nước quản lý từ năm 1987. Đến khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, kinh doanh dịch vụ pháp lý là một trong sáu ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề. Pháp lệnh LS 2001, sau đó là Luật LS 2006 đã quy định cụ thể về quản lý nghề luật, trong đó chứng chỉ hành nghề LS thực tế được hiểu là chứng chỉ dịch vụ pháp lý.
Bộ KH&ĐT cũng đã thống nhất quan điểm như vậy với Bộ Tư pháp nên hơn 10 năm qua, các sở KH&ĐT đều hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác thì phải theo Luật LS. Tức là phải đáp ứng các điều kiện như trình độ đại học luật, trải qua các khóa học nghề như LS, tham gia các đoàn LS, sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề…
Thực tiễn trên cũng tuân thủ Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội, theo đó các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ pháp lý theo Luật Doanh nghiệp mà muốn tiếp tục hoạt động thì phải chuyển đổi theo Luật LS, nếu không phải chấm dứt hoạt động.
Không thể làm theo cách của Bộ KH&ĐT
Nhưng tháng 3-2017, Bộ KH&ĐT có Công văn 1736 lập luận theo hướng Luật LS chỉ điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp theo hình thức hành nghề của LS. Còn Luật Doanh nghiệp vẫn có thể điều chỉnh các nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” với doanh nghiệp không hoạt động dưới hình thức tổ chức hành nghề LS. Từ đó các sở KH&ĐT TP.HCM, Bình Thuận, Hà Tĩnh đã cấp đăng ký những ngành nghề có tính chất dịch vụ pháp lý này cho doanh nghiệp mà không cần các điều kiện chặt chẽ được quy định bởi Luật LS.
Theo Bộ Tư pháp, hướng dẫn như thế là không tuân thủ Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội. Với cách làm này, cứ trên 18 tuổi, chẳng cần đào tạo cơ bản về luật học cũng như nghề luật, hoặc những người từng là LS nhưng vi phạm, thậm chí bị kết án hình sự, bị thu hồi chứng chỉ hành nghề vẫn có thể đăng ký thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác. Như thế khó đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý, dễ gây thiệt hại cho khách hàng, đồng thời gây ra cạnh tranh bất bình đẳng với giới LS vốn phải học tập, rèn nghề mới có thể cung ứng dịch vụ pháp lý.
Bộ Tư pháp cũng dẫn các cam kết quốc tế về đầu tư và thương mại của Việt Nam, theo đó Việt Nam bảo lưu quyền quy định bằng cấp chuyên môn nếu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài muốn cung ứng dịch vụ pháp lý tại Việt Nam. Theo đó, hiện diện thương mại của tổ chức LS nước ngoài chỉ được tư vấn luật Việt Nam nếu có LS đáp ứng các điều kiện hành nghề theo Luật LS. Đây cũng là quy định chung của nhiều nước trên thế giới để bảo vệ chủ quyền về tư pháp cũng như các vấn đề an ninh quốc gia.
Nay nếu làm theo cách của Bộ KH&ĐT, cho đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý với doanh nghiệp không cần theo Luật LS thì nguyên tắc đối xử quốc gia sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa, như vậy với tất cả nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và điều khoản bảo lưu trên sẽ bị vô hiệu hóa.
Với các lập luận trên, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT thực hiện nghiêm Luật Doanh nghiệp, Luật LS, Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội về thi hành Luật LS. Theo đó, cần có văn bản hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT các tỉnh, thành nếu nhận được yêu cầu đăng ký ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý thì hướng dẫn người nộp hồ sơ sang làm thủ tục tại Sở Tư pháp theo quy định Luật LS.
Bộ KH&ĐT bảo lưu ý kiến Trong văn bản ngày 17-7 gửi Thủ tướng, Bộ KH&ĐT cho rằng Luật LS chỉ điều chỉnh hoạt động dịch vụ pháp lý của LS và tổ chức hành nghề LS, chứ không quy định về hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức, cá nhân khác và cũng không quy định chỉ LS mới được cung cấp các dịch vụ đó. Ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý khác là rất rộng. Bởi các hoạt động như tư vấn thuế, tư vấn thủ tục hành chính, tư vấn du học… cũng liên quan đến pháp luật. Cũng như vậy, nhu cầu đại diện ngoài tố tụng trong xã hội là rất lớn. Nếu chỉ LS mới được cung ứng thì sẽ bó hẹp quyền tự do kinh doanh cũng như quyền tiếp cận dịch vụ pháp lý của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần khuyến khích phát triển nghề tư vấn pháp luật theo nguyên tắc thị trường. Thị trường sẽ quyết định và người dân sẽ lựa chọn ai là người cung cấp dịch vụ pháp lý phù hợp nhất với mình. Bộ KH&ĐT cũng dẫn ý kiến tương tự của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đề nghị Thủ tướng cho tiếp tục phân luồng theo cách cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đại diện, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý dưới hình thức hành nghề LS như công ty luật, văn phòng LS thì phải đáp ứng các điều kiện theo Luật LS và đăng ký với Sở Tư pháp. Cũng với ngành nghề này, nếu không theo hình thức hành nghề LS thì có thể đăng ký như doanh nghiệp bình thường thông qua Sở KH&ĐT. Đây cũng là tinh thần của Công văn 1736 năm 2017 của Bộ KH&ĐT, hiện được cơ quan đăng ký kinh doanh các tỉnh áp dụng. |