2 tòa ‘đá’ nhau, tòa cấp cao phải hướng dẫn

Theo hồ sơ Công ty Đấu giá T. phát hành thông báo đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) và công trình xây dựng đã qua sử dụng tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Biết được thông tin này, Công ty N. đăng ký tham gia mua tài sản.

Ngày 14-6-2019, Công ty T. tổ chức buổi đấu giá, kết quả Công ty N. mua trúng với giá hơn 13,5 tỉ đồng. Sau đó, Công ty N. đã chuyển trả 700 triệu đồng và đề nghị Công ty T. lập hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhưng Công ty T. không thực hiện.

Hai tòa chuyển đơn qua lại

Vì thế ngày 16-7-2019, Công ty N. khởi kiện Công ty T. ra TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai). Nguyên đơn yêu cầu tòa công nhận kết quả bán đấu giá tài sản theo biên bản đấu giá ngày 14-6-2019 nêu trên do Công ty T. tổ chức. Đồng thời Công ty N. yêu cầu tòa buộc Công ty T. tiếp tục lập hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và chuyển hồ sơ cho đơn vị ký hợp đồng dịch vụ đấu giá với Công ty T. tiến hành các thủ tục theo quy định.

Nhận đơn kiện, TAND TP Biên Hòa cho rằng Công ty N. yêu cầu tòa buộc bị đơn tiếp tục lập hợp đồng mua bán tài sản đấu giá mà tài sản là QSDĐ và công trình đã qua sử dụng. Do bất động sản là QSDĐ và công trình đã qua sử dụng tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước) nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa Lộc Ninh. Từ đó, ngày 25-9-2019, TAND TP Biên Hòa đã chuyển đơn cho TAND huyện Lộc Ninh.

Tuy nhiên, TAND huyện Lộc Ninh cho rằng yêu cầu khởi kiện của Công ty N. là công nhận kết quả bán đấu giá và buộc bị đơn tiếp tục lập hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Đối tượng tranh chấp theo nội dung khởi kiện chỉ là xem xét tính hợp pháp của biên bản đấu giá và hợp đồng đấu giá tài sản, không có khởi kiện tranh chấp bất động sản. Bị đơn và người liên quan đều có trụ sở tại TP Biên Hòa nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Biên Hòa. Vì vậy, ngày 4-10-2019, tòa huyện này chuyển ngược hồ sơ trả về cho TAND TP Biên Hòa.

Đến tháng 4-2020, TAND TP Biên Hòa có văn bản gửi chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM thỉnh thị ý kiến. Tòa này cho rằng bản chất giao dịch giữa hai bên là thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, đấu giá là phương thức thực hiện việc giao kết hợp đồng.

Do tài sản đấu giá tọa lạc tại huyện Lộc Ninh nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS, thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc TAND huyện Lộc Ninh. Trong khi đó TAND huyện Lộc Ninh chuyển trả lại đơn khởi kiện làm kéo dài thời gian xử lý đơn của đương sự.

Do có tranh chấp về thẩm quyền nên TAND TP Biên Hòa đề nghị chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM cho ý kiến chỉ đạo, xác định vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nào.

Một phần tài sản đấu giá trong vụ việc. Ảnh: YC

Tòa án TP Biên Hòa phải thụ lý

Thông tin với Pháp Luật TP.HCM, phía TAND Cấp cao tại TP.HCM cho biết đã có Văn bản số 1206 trả lời cho TAND TP Biên Hòa vào ngày 3-7 vừa qua.

Theo văn bản, tòa này cho rằng căn cứ theo các yêu cầu khởi kiện của Công ty N. và căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 và khoản 13 Điều 26 BLTTDS thì thẩm quyền tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản thuộc về tòa án nơi có trụ sở của bị đơn. Do vậy, TAND huyện Lộc Ninh chuyển trả lại đơn khởi kiện cho TAND TP Biên Hòa là đúng quy định của pháp luật.

Sau khi cấp trên có văn bản hồi đáp nhưng TAND TP Biên Hòa vẫn chưa ra quyết định thụ lý vụ án dù hồ sơ khởi kiện vẫn đang nằm tại tòa này.

Ngày 18-8, trả lời PV, đại diện VKSND TP Biên Hòa cho biết trước đây Công ty N. có gửi đơn khiếu nại và cơ quan này có chuyển đơn cho tòa cùng cấp và đến nay chưa nhận được phản hồi. Hiện đang trong giai đoạn thụ lý nên tòa là cơ quan giải quyết các vấn đề liên quan, khi nào tòa chuyển hồ sơ qua (15 ngày trước khi xét xử) thì VKS sẽ kiểm sát hồ sơ theo quy định.

Cùng ngày 18-8, PV cũng liên hệ TAND TP Biên Hòa để tìm hiểu lý do chưa thụ lý đơn khởi kiện. Ông Nguyễn Quốc Thái, Chánh Văn phòng TAND TP Biên Hòa, cho biết đã nhận được văn bản phản hồi của cấp trên vào cuối tháng 7. Theo đó, tòa này cho biết sẽ ra ngay thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện gửi cho Công ty N. và sẽ tiến hành thụ lý theo quy định.

Vụ việc tương tự

Năm 2015, bà C. khởi kiện Công ty cổ phần Đấu giá G. yêu cầu hủy kết quả đấu giá và được nhận lại tài sản đấu giá là căn nhà tại quận 6, TP.HCM. Vụ án được TAND quận 1 thụ lý nhưng sau đó ra quyết định đình chỉ. Bà C. kháng cáo. Bà C. còn cho rằng TAND quận 1 đã có quyết định chuyển vụ án cho TAND quận 6 (nơi có bất động sản) nhưng sau đó lại tiếp tục thụ lý là sai thẩm quyền.

Tại phiên họp phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định đây là tranh chấp về kết quả bán đấu giá thì tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Do đó, yêu cầu về thẩm quyền giải quyết nơi có bất động sản là không có căn cứ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm