2022 - năm của nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà giáo, nghệ sĩ ra đi

(PLO)- Năm 2022, nhiều văn nghệ sĩ nối tiếp nhau giã biệt cõi tạm, để lại tiếc thương cho người ở lại cũng như khoảng trống lớn với nền văn hoá nghệ thuật nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng nhà giáo, học giả ra đi

Đầu năm 2022, các chư tăng, Phật tử không khỏi xót xa khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào 0h ngày 22-1 tại Huế.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là là biểu tượng của đối thoại và hòa giải qua 2 thế kỷ. Ông cũng là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire do ông viết. Ảnh: Trang Làng Mai.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là là biểu tượng của đối thoại và hòa giải qua 2 thế kỷ. Ông cũng là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire do ông viết. Ảnh: Trang Làng Mai.

Ngoài Phật học và xã hội, ông còn là một thi sĩ, nhà văn hoá nghệ thuật, nhà chính luận, khảo cứu…

Cuối tháng 9, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký từ giã cuộc đời ở tuổi 76. Ông là tấm gương nghị lực vượt lên số phận, truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò và bạn đọc. Câu chuyện của ông được ghi lại trong các cuốn tự truyện Tôi đi học, Tôi học đại họcTâm huyết trao đời.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (1947-2022). Ảnh: TL

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (1947-2022). Ảnh: TL

Đến ngày 12-10, giới học thuật tiếp tục đón nhận tin buồn khi học giả An Chi qua đời ở tuổi 88 vì tuổi cao sức yếu.

Đối với giới nghiên cứu ngôn ngữ và độc giả yêu kiến thức học giả An Chi đã trở nên quen thuộc kể từ khi ông đảm nhận chuyên mục giải đáp "Chuyện Đông - Chuyện Tây" trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (1992-2008). Ảnh: FBNV

Đối với giới nghiên cứu ngôn ngữ và độc giả yêu kiến thức học giả An Chi đã trở nên quen thuộc kể từ khi ông đảm nhận chuyên mục giải đáp "Chuyện Đông - Chuyện Tây" trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (1992-2008). Ảnh: FBNV

Kể từ khi bước vào con đường nghiên cứu, những bài viết rời trên các báo, tạp chí đã được ông phân loại, tập hợp và gửi đến độc giả qua nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó có thể kể đến: Chuyện Đông- Chuyện Tây, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Từ nguyên, Từ thập nhị chi đến 12 con giáp, Rong chơi miền chữ nghĩa...

Cuối tháng 11, nhiều thế hệ học trò, giáo viên miền Nam giã biệt nhà giáo, PGS. TS Trần Hữu Tá ở tuổi 87 sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.

Với nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp, ông được biết đến là một nhà giáo, nhà nghiên cứu tâm huyết, cả đời đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Ảnh: Khoavanhoc.

Với nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp, ông được biết đến là một nhà giáo, nhà nghiên cứu tâm huyết, cả đời đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Ảnh: Khoavanhoc.

Một năm đau buồn của giới văn chương

Ngày 14-1, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Vũ Tiềm qua đời ở tuổi 83 sau thời gian dài vừa chống chọi với bệnh nan y.

Nhà thơ Y Phương, tác giả bài thơ "Nói với con" (1948-2022). Ảnh: TL

Nhà thơ Y Phương, tác giả bài thơ "Nói với con" (1948-2022). Ảnh: TL

Tối 9-2, nhà thơ Y Phương, tác giả bài thơ Nói với con cũng đã đột ngột ngột qua đời tại Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cúi đầu tiễn biệt ông "một tài năng đặc biệt và một nhân cách lớn".

Đến giữa tháng 5, nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương của Biệt động Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ ra đi vì tuổi cao sức yếu (1933-2022). Ảnh: P.C.

Đến giữa tháng 5, nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương của Biệt động Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ ra đi vì tuổi cao sức yếu (1933-2022). Ảnh: P.C.

Rạng sáng 26-5, nhà văn Nguyễn Trí Công đã giã biệt cõi tạm ở tuổi 69 sau thời gian lâm bệnh. Ông được biết đến qua tác phẩm "Dũng Sài Gòn" (giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Nam (1990-1991).

Ngày 10-7, nhà văn Tùng Điển đột ngột qua đời ở tuổi 76 tại Hà Nội. Chỉ hai tháng sau, ngày 9-9, nhà văn, nhà biên kịch Nguỵ Ngữ giã biệt cõi tạm ở tuổi 76.

Đến tháng 9, nhà văn Phan Hồng Giang - con trai nhà phê bình Hoài Thanh đã qua đời ở tuổi 82 vào rạng sáng 10-9.

Cũng trong tháng này, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng qua đời ngày 25-9, thọ 83 tuổi. Nhà thơ Võ Khắc Nghiêm qua đời ngày 29-9, thọ 81 tuổi đã khép lại hành trình một đời người trong cùng một tuần. Ảnh: TL

Cũng trong tháng này, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng qua đời ngày 25-9, thọ 83 tuổi. Nhà thơ Võ Khắc Nghiêm qua đời ngày 29-9, thọ 81 tuổi đã khép lại hành trình một đời người trong cùng một tuần. Ảnh: TL

Tháng 10, nhà văn, nhà thơ Ngô Văn Phú tác giả của bài thơ nổi tiếng 'Mây và bông' (trên trời mây trắng như bông), đã rời bỏ thế gian, "hóa thành một vầng mây bay về trời” ở tuổi 86 vào ngày 24-10.

Đầu tháng 11, nhà văn Vũ Hùng đã rời xa cõi tạm tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Vũ Hùng đã viết hơn 30 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được ông tự mình chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp.

Không lâu sau đó, chiều 9-11, nhà văn Lê Lựu, tác giả tiểu thuyết “Thời xa vắng” cũng đã về với đất mẹ ở tuổi 81 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật.

Nhà văn Lê Lựu nổi tiếng với những tiểu thuyết như Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng...

Nhà văn Lê Lựu đã về với "Thời xa vắng". Ảnh: TL

Nhà văn Lê Lựu đã về với "Thời xa vắng". Ảnh: TL

Ông là người mang đến sự đột phá cho văn học Việt Nam sau năm 1975 khi đưa nó ra khỏi biên giới, kêu gọi hòa bình, hàn gắn. Nhà văn Lê Lựu đã đưa cuộc đời mình lên trang giấy một cách sâu sắc nhất thông qua nhân vật Giang Minh Sài của Thời xa vắng.

Tháng 12, bạn bè văn chương lại phải tiễn đưa nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nhà thơ Thạch Quỳ, nhà thơ - "dị nhân" Văn Thùy, nhà văn Trần Huy Quang do bệnh tật và tuổi già. Họ ra đi để lại những mất mát lớn lao không chỉ với gia đình mà còn với khán giả, bạn đọc cả nước.

Làng nhạc Việt với những mất mát lớn

Ngày 11-2, người yêu nhạc đón nhận tin buồn khi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời ở tuổi 87 vì bệnh phổi. Ông là tác giả của các ca khúc như Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xuân về trên bản...

Cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và nhạc sĩ Văn Dung (từ trái sang). Ảnh: TL

Cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và nhạc sĩ Văn Dung (từ trái sang). Ảnh: TL

Ngày 9-3, nhạc sĩ Văn Dung cũng về với đất mẹ ở tuổi 86. Nhạc sĩ Văn Dung là nguyên chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhạc sĩ của những hành khúc cho thanh niên, cho tuổi trẻ của đất nước, như Những bông hoa trong vườn Bác, Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đường Trường Sơn xe anh qua...

Nỗi buồn nối tiếp khi nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời ở tuổi 55 vào sáng 17-3 vì bị suy tim giai đoạn cuối.

Nhạc sĩ Ngọc Châu ra đi ở tuổi 55. Ảnh: FBNV

Nhạc sĩ Ngọc Châu ra đi ở tuổi 55. Ảnh: FBNV

Anh được khán giả yêu mến qua các ca khúc Cô Tấm ngày nay, Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân... Âm nhạc của Ngọc Châu được nhiều đồng nghiệp nhận định là đẹp đẽ, hiền lành và trong sáng như con người anh.

Mất mát không dừng tại đó, khi nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi ở tuổi 87 vào ngày 21-3 vì tuổi cao sức yếu.

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời ở tuổi 87. Ảnh: TL

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời ở tuổi 87. Ảnh: TL

Ông là tác giả Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát. Ông có khả năng toàn diện về khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu, ca khúc. Trước khi mất, ông nhận Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội.

Vào ngày 10- 8, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ - đại thụ cuối cùng của nền tân nhạc Việt Nam - từ giã cõi đời ở tuổi 102. Sinh thời, ông được xem là một trong những nhạc sĩ tiền chiến tiên phong của nền tân nhạc với những ca khúc như: Giáo đường im bóng, Quanh lửa hồng, Giấc mơ xưa, Qua bến năm xưa, Nhắn gió chiều, Chiều tà, Trên đường về, Nhớ quê...

Đến tháng 9, nhạc sĩ Vinh Sử cũng đã giã biệt cõi tạm ở tuổi 79 sau thời gian chống chọi với bệnh tật.

"Vua nhạc sến" - nhạc sĩ Vinh Sử (1944-2022). Ảnh: TL

"Vua nhạc sến" - nhạc sĩ Vinh Sử (1944-2022). Ảnh: TL

Nhạc sĩ Vinh Sử ghi dấu ấn qua loạt ca khúc như Gái nhà nghèo, Nhẫn cỏ cho em, Hai mái nhà tranh, Người phu kéo mo cau, Không giờ rồi, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi,… và được nhiều tầng lớp khán giả yêu thích với danh xưng “vua nhạc sến”.

Tháng 11, nhạc sĩ Lê Ánh Dương – tác giả ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” và nhạc sĩ - NSND Trọng Bằng, nhạc sĩ NSƯT Quốc Nam đều kết thúc cuộc dạo chơi trần thế.

Giã biệt các Biên kịch, nghệ sĩ sân khấu, truyền hình

Khi những ngày xuân Nhâm Dần vẫn còn khắp ngõ phố, diễn viên Hoàng Lan đã ra đi ở tuổi 63 vào tối 4-2 sau thời gian dài sống khó khăn và chống chọi với bệnh tật.

Diễn viên Hoàng Lan qua đời ở tuổi 63. Ảnh: TL

Diễn viên Hoàng Lan qua đời ở tuổi 63. Ảnh: TL

Đến 14-2, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cũng đã thông báo tin buồn khi nghệ sĩ Thái Sơn qua đời ở tuổi 64 vì đột quỵ.

Nối tiếp nghệ sĩ Thái Sơn, nghệ sĩ cải lương Vương Cảnh cũng đã qua đời vì bệnh nhồi máu não, hưởng thọ 63 tuổi vào ngày 17-3.

Nghệ sĩ Vương Cảnh nổi danh qua các vở: Thạch Sanh Lý Thông, Ăn khế trả vàng, Cây tre trăm đốt, Tiếng sáo đêm trăng

Chỉ sáu ngày sau đó, khán giả yêu mến cải lương tiếp tục chứng kiến sự ra đi ở tuổi 84 của nghệ sĩ cải lương Thanh Tú sau 14 năm tai biến.

Nghệ sĩ Thanh Tú và bà xã- nghệ sĩ Trang Bích Liễu. Ảnh: TL
Nghệ sĩ Thanh Tú và bà xã- nghệ sĩ Trang Bích Liễu. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Thanh Tú là một trong ít những kép được đóng cặp với Thanh Nga - "Nữ hoàng sân khấu cải lương" qua các vở Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Phấn bụi phù hoa... Trong đó, vai diễn Nhuận Điền trong tuồng "Bên cầu dệt lụa" để lại nhiều dấu ấn nhất với khán giả.

Đến trưa 24-2 (giờ Việt Nam), sự ra đi vì bạo bệnh của NSƯT Ngọc Đáng tại Mỹ đã để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.

NSƯT Ngọc Đáng là con của hai nghệ sĩ tài danh Tư Minh và Ngọc Xứng, chuyên hát cải lương tuồng tàu, diễn viên của đoàn hát Phụng Hảo của bà Phùng Há.

NSƯT Ngọc Đáng ra đi để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp khán giả. Ảnh: FBNV

NSƯT Ngọc Đáng ra đi để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp khán giả. Ảnh: FBNV

NSƯT Ngọc Đáng ghi dấu ấn với khán giả qua các vai Ngô Quốc Thái (vở "Lưu Bị cầu hôn Giang Tả", Cố Mẫu (vở "Thái hậu Dương Vân Nga"), Lý Thần Phi (vở "Bao Công")... Đặc biệt, bà còn diễn những vai kép võ, kép lão như: Trịnh Hoài Đức, Lữ Bố, Bao Công, Quan Tư Đồ…

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng (1984-2022). Ảnh: FBNV

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng (1984-2022). Ảnh: FBNV

Ngày 8- 3, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng bất ngờ qua đời ở tuổi 38, sau thời gian chống chọi với bạo bệnh. Anh là đạo diễn thuộc thế hệ 8X nổi bật trên thị trường điện ảnh, là tác giả các phim 12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy, 100 ngày bên em, Anh trai yêu quái.

Ngày 14-3, khán giả yêu mến sân khấu kịch bàng hoàng khi hay tin đạo diễn Vũ Minh của sân khấu kịch IDECAF qua đời ở tuổi 57 vì suy hô hấp và sốc nhiễm khuẩn.

Đạo diễn Vũ Minh ra đi khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Ảnh: FBNV

Đạo diễn Vũ Minh ra đi khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Ảnh: FBNV

Đạo diễn Vũ Minh là người viết kịch bản, dàn dựng hơn 20 vở thuộc chương trình Ngày xửa ngày xưa dành cho thiếu nhi.

Ngày 20-3, biên kịch Hoàng Tích Chỉ - tác giả của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội - cũng rời đi, hưởng thọ 90 tuổi. Với tài năng, nhiệt huyết và trách nhiệm, biên kịch Hoàng Tích Chỉ là người nghệ sĩ bám sát hiện thực.

Tháng 10, nghệ sĩ Bích Thủy - "nàng Thu Cúc" trong vở Hàn Mạc Tử qua đời.

Ngày 20-10, nghệ sĩ, nhà giáo Trần Nam Anh qua đời ở tuổi 60, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, sau thời gian điều trị căn bệnh hiểm nghèo.

Nghệ sĩ, nhà giáo Trần Nam Anh sinh năm 1963 tại Thừa Thiên-Huế. Ảnh: FBNV

Nghệ sĩ, nhà giáo Trần Nam Anh sinh năm 1963 tại Thừa Thiên-Huế. Ảnh: FBNV

Trong sự nghiệp diễn viên, ông từng tham gia một vai phụ trên sân khấu IDECAF trong vở kịch "Hợp đồng mãnh thú" và trên màn ảnh, ông từng để lại dấu ấn với vai vua Tịnh Phạn trong bộ phim "Ánh đạo vàng".

Ngày 21-10, NSƯT Hà Văn Trọng đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội. Ông ra đi ở tuổi 86 sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.

NSƯT Hà Văn Trọng (bên trái) chụp ảnh cùng Đại tá, nghệ sĩ Lê Thế Tục trong phim trường 'Cảnh sát hình sự' năm 2003. Ảnh: Q.N

NSƯT Hà Văn Trọng (bên trái) chụp ảnh cùng Đại tá, nghệ sĩ Lê Thế Tục trong phim trường 'Cảnh sát hình sự' năm 2003. Ảnh: Q.N

NSƯT Hà Văn Trọng là đạo diễn kiêm diễn viên truyền hình, sân khấu, điện ảnh nổi tiếng, là đồng đạo diễn phim Số đỏ.

Ông là một trong những diễn viên chính của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông từng đóng các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng trong các vở kịch, phim lịch sử như vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Lê Duẩn.

Đến ngày 2-11, người yêu mến phim truyền hình và nghệ sĩ Hà Nội đón nhận tin buồn khi nghệ sĩ Mai Ngọc Căn, đã về với đất mẹ thọ 83 tuổi.

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn sinh năm 1940 tại Bắc Ninh. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn sinh năm 1940 tại Bắc Ninh. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn được khán giả biết đến qua các bộ phim: Đất và người, Những ngọn nến trong đêm, Người chiếu bóng, Đường đời, Lều chõng, Nếp nhà... Ông thường đảm nhận vai phụ, được khán giả nhớ tới qua những nhân vật hiền hậu, khắc khổ.

Và gần đây nhất, sự ra đi đột ngột ở tuổi 61 của đạo diễn Tống Thành Vinh vào ngày 6-12 đã khiến bạn bè, đồng nghiệp không khỏi bất ngờ.

Đạo diễn Tống Thành Vinh từng theo học ngành Điện ảnh - Truyền hình của Đại học Winniberg, Canada. Ông được biết đến là đạo diễn nổi tiếng của một số bộ phim như Mùa xuân chim bay qua và buông tiếng hót, Mưa, Có lẽ nào ta yêu nhau...

Đạo diễn Tống Thành Vinh (1962-2022). Ảnh: TL

Đạo diễn Tống Thành Vinh (1962-2022). Ảnh: TL

Trong đó Có lẽ nào ta yêu nhau (2009) là bộ phim được nhiều khán giả đón nhận vào thời điểm phim lên sóng. Bộ phim được làm lại từ kịch bản của Hàn Quốc, do BHD sản xuất.

Vẫn còn nhiều văn nghệ sĩ chưa được nhắc tên nhưng có lẽ với những người ở lại hình ảnh, những tác phẩm của họ vẫn luôn được nhớ mãi.

Năm 2022 sắp đi qua, nhưng với mỗi người hẳn sẽ có nhiều điều để nhớ. Một năm với nhiều thành công và cả khó khăn của nền nghệ thuật nước nhà, nhiều vấn đề để bàn luận cùng những nỗi đau của người ở lại đối với những văn nghệ sĩ đã ra đi.

Xin cảm ơn những cống hiến và tri ân những nhà văn, người nghệ sĩ tài hoa của nền nghệ thuật nước nhà đã rời xa cõi tạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm