Từ ngày nghe tin con trai cùng 21 cán bộ chiến, sĩ bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4), ông Cao Văn Sơn (SN 1965, trú xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm khóc ngất lịm.
Người mẹ là bà Nguyễn Thị Vân (SN 1966) lao ra dòng nước lũ gào khóc, tìm con trong vô định.
Bà Nguyễn Thị Vân đang nằm trong căn nhà tường vách tre nứa đã hư hỏng, gió lạnh lùa vào từng cơn.
Ông Sơn vốn bị bệnh tim, sức khỏe yếu. Còn bà Vân bị khuyết tật vận động. Cuộc sống gia đình ở miền núi khó khăn, thiếu thốn muôn bề.
Người dân trong vùng vừa chống mưa lũ vừa thay nhau đến nhà chăm sóc, động viên vợ chồng ông Sơn, bà Vân.
Đến chiều 18-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tìm được thi thể chiến sĩ Thắng, bà Vân khóc gào, gọi tên con: “Chiều hôm qua con còn gọi về nói trời đã lạnh, mẹ gửi thêm áo ấm cho con. Mẹ đã gói gém đồ cho con đây rồi mà...”. Đó là lần cuối cùng bà Vân được nói chuyện với con.
Chiến sĩ Thắng cũng như các chiến sĩ dầm mưa lũ đi giúp người dân về đơn vị nghỉ để lấy sức ngày mai đi tiếp thì xảy ra mưa lớn sạt lở núi, vùi lấp.
Thắng là con trai út trong gia đình có năm chị em. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thắng đi khám tuyển và viết đơn “xin đi bộ đội”. Tháng 2-2019, Thắng lên đường nhập ngũ, được phân đến làm chiến sĩ ở Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 (đóng tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị).
Từ ngày nghe tin con trai hy sinh, ông Cao Văn Sơn nằm ôm bọc áo ấm của con mà trước đó ông chưa kịp đi gửi cho con.
Chị Cao Thị Hằng (chị gái của chiến sĩ Thắng) khóc, nói: “Trước lúc lên đường nhập ngũ, em đã động viên bố, mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe. Em hứa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về em sẽ tìm việc làm, kiếm tiền sửa nhà cho bố mẹ, đưa mẹ đi chữa bệnh, và đưa bố đi chữa bệnh tim, vậy mà em...”.
Những ngày này, các cơ quan đoàn thể, người dân đến thăm, động viên vợ chồng ông Sơn, bà Vân ai cũng ứa nước mắt khi chứng kiến bà Vân nằm lúc tỉnh lúc mê.
Căn nhà của gia đình ông Sơn nằm sát bên dòng sông Ngàn sâu, nước lũ đã dâng đến mấp mé sân. Những mảng vữa trát lên tấm tre đan của tường nhà đang lở, bong tróc từng mảng. Ý nguyện của Thắng sau này trở về đi làm kiếm tiền xây lại tường nhà bằng gạch chưa thực hiện được.
Người dân đến động viên vợ chồng bà Vân, ông Sơn.
Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô nói: “Ông Sơn từng là bộ đội, nay sức khỏe yếu. Bà Vân đang hưởng chế độ khuyết tật vận động nặng. Gia đình ông Sơn làm nông nghiệp nên đang rất khó khăn, rất mong sự giúp đỡ của cộng đồng”.
Hiện đơn, vị chính Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cũng đã quyết định truy thăng quân hàm hạ sĩ quan chiến sĩ Cao Văn Thắng.
Đơn vị, chính quyền địa phương cũng đang giúp gia đình chuẩn bị để sau khi ngày 22-10 tổ chức lễ tang và lễ viếng 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh thì đưa linh cữu chiến sĩ Cao Văn Thắng về địa phương an táng theo nguyện vọng của gia đình.
Chiến sĩ Cao Văn Thắng.
Báo Pháp Luật TP.HCM kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ Báo Pháp Luật TP.HCM kêu gọi sự hỗ trợ, sẻ chia của người dân, quý doanh nghiệp và bạn đọc với những đồng bào đang trong cơn hoạn nạn do thiên tai. Sự hỗ trợ của quý vị sẽ được chuyển sớm nhất đến các vùng khó khăn, phóng viên của Báo sẽ tổ chức các nhóm hỗ trợ đến các xã vùng thiệt hại nặng nhất. Mọi hỗ trợ xin gửi về: - Trực tiếp tại Tòa soạn 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình TP.HCM. Điện thoại: (028) 39910101. Số đường dây nóng của Báo: 0982.000.333. Qua tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng. Khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp đồng bào miền Trung”. - Văn phòng Đại diện tại Cần Thơ: Lầu 3, số 107 Trần Văn Hoài, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Email: vanphongct@phapluattp.vn. - Văn phòng Đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 6 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Điện thoại: (0236) 3751378. - Văn phòng Đại diện tại Hà Nội: Tầng 2, tòa nhà Á Châu, 24 Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: (024) 37623009. Xin trân trọng cám ơn tấm lòng của quý vị. |