3 ngày liên tục chuyển tiền vào tài khoản chính mình, người đàn ông bị lừa hơn 1,8 tỉ đồng

(PLO)- Bị dọa là nằm trong đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy, người đàn ông đã làm theo lời những kẻ lừa đảo và mất số tiền hơn 1,8 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-8, Công an quận 12, TP.HCM lập hồ sơ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 1,8 tỉ đồng mà nạn nhân là ông MXĐ (ngụ quận Gò Vấp, làm việc tại quận 12).

Dọa khóa số điện thoại sau 2 tiếng

Theo trình báo, khoảng 10 giờ 30 ngày 9-7, ông Đ đang ở nhà trên địa bàn quận Gò Vấp thì nhận được cuộc gọi. Đầu dây xưng là tổng đài, nói số điện thoại của ông Đ sẽ bị khóa trong hai tiếng nữa.

Ông Đ cho biết mình đã bị lừa mất số tiền hơn 1,8 tỉ đồng. Ảnh: NT

Ông Đ cho biết mình đã bị lừa mất số tiền hơn 1,8 tỉ đồng. Ảnh: NT

Ông Đ thấy lo lắng nên bấm phím 2 theo hướng dẫn. “Một người xưng là tổng đài viên, nói một số điện thoại đăng ký tên tôi đã đi lừa đảo người ta, công an báo lại cho tổng đài thông báo để chuẩn bị khóa số của tôi” – ông Đ kể.

Người này nói ông Đ muốn tìm hiểu thì họ sẽ nối máy cho phía công an. Một người xưng là trực ban điều tra về trật tự xã hội Công an TP Đà Nẵng kế đó nói ông Đ có liên quan đến một đường dây chuyên rửa tiền và buôn bán ma túy.

Người đàn ông buồn bã cho biết đây là số tiền lớn, gia đình ông phải dành dụm rất lâu mới có được. Ảnh: NT

Người đàn ông buồn bã cho biết đây là số tiền lớn, gia đình ông phải dành dụm rất lâu mới có được. Ảnh: NT

“Họ nói tôi có mở một tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng, yêu cầu tôi mang CCCD đến Công an TP Đà Nẵng để làm việc. Tôi nói tôi ở TP.HCM, không thể đi được nên họ tạo điều kiện làm việc qua điện thoại” – ông Đ tiếp.

Người trực ban này sau đó yêu cầu ông Đ chụp hình CCCD gửi qua Zalo để kiểm tra. Ông Đ làm theo và nhận được một đường link. “Họ yêu cầu tôi bấm vào đường link này rồi làm theo hướng dẫn. Đường link này dẫn tới một giao diện có thể chụp hình và nhắn tin, gọi điện được. Tôi thì không rành công nghệ nên cứ làm theo” – ông Đ nói.

Người xưng trực ban còn nói sẽ gửi CCCD của ông Đ ra “tổng bộ” để kiểm tra xem có phải là thành viên trong đường dây không.

Nạn nhân cho biết, sau khi nắm được thông tin đã kiểm soát được số điện thoại, tài khoản ngân hàng của ông và rút hết tiền. Ảnh: NT

Nạn nhân cho biết, sau khi nắm được thông tin đã kiểm soát được số điện thoại, tài khoản ngân hàng của ông và rút hết tiền. Ảnh: NT

Phía đầu dây sau đó “diễn” như đang nói chuyện qua bộ đàm: “Alo, tổng bộ phải không, mấy anh kiểm tra trường hợp này…” Phía “tổng bộ” cũng trả lời: “Chúng tôi đã bắt ông Văn Dũng…”.

Ông Đ lúc đó nhận thêm một hình ảnh hai người công an đang đứng bắt một người đàn ông mặc đồ tây và một hình ảnh có ghi các lệnh khởi tố, lệnh bắt ông.

Đi vay, lấy tiền tiết kiệm của vợ chuyển cho lừa đảo

Người xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng sau đó chắc như đinh đóng cột rằng ông Đ có liên quan đến rửa tiền, ma túy và truy hỏi hiện có bao nhiêu số tài khoản, sổ tiết kiệm ngân hàng…

Các tin nhắn mà nhóm lừa đảo trao đổi với ông Đ. Ảnh: NNCC

Các tin nhắn mà nhóm lừa đảo trao đổi với ông Đ. Ảnh: NNCC

Theo ông Đ, những người này hỏi tài khoản nào của ông có cài internet banking rồi hướng dẫn ông các thao tác truy cập vào tài khoản này.

Tiếp đó những “cán bộ điều tra” này yêu cầu ông Đ không được nói với gia đình hay bất kỳ ai vì vụ án đang trong quá trình điều tra. Họ yêu cầu ông đi thuê khách sạn ở để làm việc qua điện thoại được thuận tiện.

Lệnh bắt ông Đ cũng được gửi qua để đe dọa. Ảnh: NDCC

Lệnh bắt ông Đ cũng được gửi qua để đe dọa. Ảnh: NDCC

Lúc này, trong tài khoản ngân hàng của ông Đ có 1 tỉ đồng trong tài khoản thấu chi và 82 triệu đồng tài khoản thanh toán.

Ông Đ sau đó ra khách sạn gần nhà thuê ở. Qua điện thoại, nhóm lừa đảo yêu cầu ông phải chuyển vào tài khoản 100 triệu đồng. Đến gần cuối ngày, ông Đ tiếp tục được yêu cầu chuyển tiền nhưng đã tối.

Những người xưng đại diện công an, viện kiểm sát liên tục yêu cầu ông Đ phải giữ liên hệ qua điện thoại, không được nói với bất kỳ ai. Đến ngày hôm sau phải ra ngân hàng chuyển thêm số tiền nhằm chứng minh mình trong sạch.

Mới sáng nay, ông Đ lại tiếp tục nhận một cuộc gọi thông báo sẽ bị khóa thuê bao. Ảnh: NT

Mới sáng nay, ông Đ lại tiếp tục nhận một cuộc gọi thông báo sẽ bị khóa thuê bao. Ảnh: NT

“Tôi thấy tiền của tôi chuyển vào tài khoản của tôi thì không sao cả nên cứ làm theo. Có điều lạ là lúc này tôi chuyển tiền vào thì không thấy tin nhắn báo biến động số dư nữa” – ông T cho hay.

Đến sáng 10-7, ông Đ tiếp tục rút 91 triệu chuyển vào tài khoản. Những người xưng là công an yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền từ sổ tiết kiệm qua nhưng do chủ nhật nên yêu cầu ông Đ đi chuyển vào thứ 2.

Đến 11-7, ông Đ tiếp tục rút sổ tiết kiệm 250 triệu đồng chuyển vào. “Lúc này tôi đã hết sạch tiền thì họ hỏi vợ tôi có tiền không. Nếu vợ có tiền thì cũng liên quan rồi chỉ tôi nói dối vợ để lấy sổ tiết kiệm đi rút, chuyển thêm 300 triệu vào tài khoản” – ông Đ tiếp.

Khi đã hết sạch tiền, ông Đ tiếp tục bị dọa là có bán một tài khoản ngân hàng cho nhóm rửa tiền với số tiền 500 triệu đồng, yêu cầu phải chuyển thêm 500 triệu đồng để chứng minh.

“Lúc này họ nói tôi đi vay mượn ngoài xã hội. Tôi đã mượn người quen 10 triệu đồng để chuyển vào” – người đàn ông rầu rĩ.

Ông Đ sinh nghi nên khi đang nói chuyện với nhóm lừa đảo thì đến Công an phường 14, quận Gò Vấp để hỏi, họ chỉ tôi ra ngay ngân hàng để kiểm tra vì có thể tiền đã bị lấy hết.

Ông Đ ra ngân hàng thì phát hiện toàn bộ tiền trong tài khoản thấu chi và tài khoản thanh toán hơn 1,8 tỉ đồng đã không còn. Nạn nhân sau đó trình báo Công an phường An Phú Đông, nơi đang làm việc.

“Đây là số tiền rất lớn mà tôi và vợ đã dành dụm tích cóp mới có được, tôi cũng chưa dám nói với vợ về việc mình bị lừa”- ông Đ nói và hy vọng qua câu chuyện của mình người dân có thể cảnh giác hơn với những kẻ lừa đảo có thủ đoạn tinh vi.

Theo Công an phường An Phú Đông, vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an quận 12 bàn giao cho Công an TP.HCM điều tra theo thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm