Theo dòng thời sự

4 vấn đề đặt ra trong các vụ đòi nợ thuê trá hình

(PLO)- Gần đây, những kiểu đòi nợ thuê như gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa, ghép hình ảnh vào tờ cáo phó, ảnh đồi trụy... rồi gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè... liên tục xuất hiện; công an đã mạnh tay xử lý nhưng vẫn chưa tém dẹp hết hiện tượng này.  
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giữa năm 2020, trước những lộn xộn, bất ổn từ các vụ đòi nợ thuê, Quốc hội khi sửa Luật Đầu tư đã quyết định đưa “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục cấm và có hiệu lực từ 1-1-2021.

Từ đó đến nay, có thể cũng do dịch bệnh nên chuyện đòi nợ cũng bị… giãn cách. Thành ra, những vấn đề về đòi nợ mà dân gian hay gọi là đòi nợ thuê cũng không rộ lên.

Nhưng mới đây, Công an TP.HCM vừa khởi tố vụ án “vu khống”, liên quan tới thu hồi nợ mà thực ra có thể hiểu là đòi nợ thuê. Hàng trăm người liên quan thuộc công ty tài chính, công ty luật. Tất nhiên, chiếu theo Luật Đầu tư thì hành vi thu hồi nợ không vi phạm pháp luật về đầu tư - kinh doanh. Nhưng những hành vi liên quan thì lại có dấu hiệu vi phạm khác.

Công an khởi tố, tạm giam với 11 người liên quan vụ nhân viên công ty luật ghép hình, chửi bới, đòi nợ. Ảnh: CA
Công an khởi tố, tạm giam với 11 người liên quan vụ nhân viên công ty luật ghép hình, chửi bới, đòi nợ. Ảnh: CA

Những hành vi như khủng bố mắm tôm, xịt sơn có lẽ không còn được sử dụng nhưng những chiêu thức khác thì rất cần mổ xẻ. Đó là, như trưởng Công an quận 1, TP.HCM mô tả, sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... Sau đó gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.

Tất nhiên, vay nợ, mượn nợ là một giao dịch dân sự, mà việc dân sự thì cốt ở hai bên. Nhưng thủ đoạn để thu hồi nợ như trên là bất hợp pháp và cơ quan chức năng vào cuộc là điều tất yếu.

Nhưng những điều nói trên cũng đặt ra mấy vấn đề.

Một là, việc tuân thủ các cam kết trong giao dịch dân sự cần phải được nâng cao. Bởi có lẽ cực chẳng đã các bên mới phải sử dụng đến dịch vụ thu hồi nợ để giải quyết vấn đề.

Hai là, những hành vi xúc phạm nhân phẩm, quyền nhân thân… ở bất cứ môi trường nào đều cần được xử lý kịp thời. Bởi nếu những hành vi ấy không được ngăn chặn kịp thời thì việc nở rộ các "dịch vụ" đòi nợ thuê nhuốm màu bạo lực kiểu "xã hội đen" cũng là điều dễ hiểu.

Ba là, những định chế để giải quyết chuyện nợ nần nói riêng, giao dịch dân sự - kinh tế nói chung cần được phát huy tốt hơn. Thực tế những chế định như trọng tài còn giải quyết được cả những vụ nợ nần rất lớn giữa các pháp nhân với nhau, giữa pháp nhân với cá nhân và cá nhân với pháp nhân… Cách giải quyết rất văn minh, bí mật và hiệu quả.

Cuối cùng là, dù Quốc hội đã thông qua việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng rõ ràng việc giải quyết các giao dịch dân sự như nợ nần vẫn là nhu cầu có thật của xã hội. Những hệ lụy do đòi nợ thuê gây ra trước đây cần phải được đánh giá toàn diện hơn, thiết kế định chế và giải pháp hơn là cấm đoán.

Có như vậy thì đòi nợ hay thu hồi nợ mới thực sự không gây ra các hệ quả không mong muốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm