Từ trái qua: Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại phiên thảo luận vào chiều 26-6.

4 vấn đề lớn cần quan tâm khi tăng lương cơ sở

(PLO)- Các đại biểu cho rằng đi đôi với điều chỉnh tăng lương cơ sở lên 30% thì Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát.

Chiều 26-6, tiếp tục kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7.

4 vấn đề lớn cần quan tâm khi tăng lương cơ sở
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải pháp khả thi nhất, tốt nhất

Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ sự thống nhất với tờ trình Chính phủ về việc cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo “lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách”.

Kế đó, ĐB Hòa dành phần lớn thời gian phân tích về một số bất cập nếu “bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương”. Theo đó, ĐB Hòa cho rằng nếu đưa phụ cấp công vụ 25% hiện nay vào bảng lương mới sẽ dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân 23,5%, thấp so với viên chức tăng bình quân 54,3% và lực lượng vũ trang tăng 43,96%. Điều này là “chưa bình đẳng với các đối tượng hưởng lương, chưa hợp lý với bảng lương mới theo dự kiến”.

Ông Hòa còn lo ngại việc phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ trước và sau thời điểm ngày 1-7-2024 và bỏ phụ cấp nghề, thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành, chỉ còn lực lượng vũ trang.

“Việc phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới dẫn đến tâm tư không còn hưởng phụ cấp nghề thâm niên. Có nhiều trường hợp hưởng phụ cấp rất cao nhưng khi xếp lương mới sẽ bị giảm rất nhiều” - ông Hòa nói và nhận định “đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp”.

“Chính phủ trình tiếp tục thực hiện theo lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách khác là rất cần thiết” - ông Hòa nêu quan điểm.

Đánh giá về tác động của đề xuất giải pháp lương mới áp dụng từ ngày 1-7, ông Hòa đồng tình với đánh giá của Chính phủ đây là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất, trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

“Mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng là mức lương cao nhất từ trước đến nay, ngoài việc cải thiện đời sống của người hưởng lương và trợ cấp, còn bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách” - theo ông Hòa.

4-van-de-lon-can-quan-tam-khi-tang-luong-co-so-duong-minh-anh.jpg
ĐB Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Các nhà giáo vẫn điệp khúc “câu đợi, câu chờ” chính sách tiền lương mới

ĐB Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng và 10% quỹ thưởng... áp dụng từ ngày 1-7. “Việc này đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri” - ĐB Ánh nói.

Tuy nhiên, theo nữ ĐB, một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có ngành giáo dục có nhiều tâm tư, băn khoăn do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương mà tiếp tục thang, bảng lương, chế độ phụ cấp hiện hành.

Bà Ánh nhắc lại từ năm 2013, sau khi có Nghị quyết 29 của Trung ương ban hành, nhiều chính sách lớn về đổi mới giáo dục đã được ban hành, trong đó lương của giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, sau 11 năm, chính sách tiền lương với nhà giáo “vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai”.

“Đến thời điểm này, các nhà giáo vẫn tiếp tục điệp khúc “câu đợi, câu chờ” cho đến khi có chính sách cải cách tiền lương mới” - bà Ánh nói và tha thiết đề nghị khi nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương tới đây cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, phụ cấp nghề với nhà giáo.

4-van-de-lon-can-quan-tam-khi-tang-luong-co-so-tran-hoang-ngan.jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Lương chưa tăng, giá đã tăng rất nhiều

Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho hay trong 20 năm qua chúng ta đã có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, trong đó hai lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát.

ĐB Ngân dẫn chứng năm 2008, khi lương cơ sở tăng 20%, lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Năm 2011, lương cơ sở tăng 13,7%, lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%. Phân tích thực tế lạm phát tăng trong hai năm này không chỉ do lương cơ sở mà còn do lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng, tỉ giá tăng…, ĐB Ngân đề nghị thời gian tới Chính phủ cần quan tâm đến bốn vấn đề.

Thứ nhất, về chính sách tiền tệ, cần linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỉ giá. Thứ hai, phải điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… phải giãn ra, không cùng một lúc và phải cách xa ngày 1-7.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng; thúc đẩy sản xuất. Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

qh-luong-ta-van-ha.jpg
ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cũng đề nghị bên cạnh việc tăng lương cần đẩy mạnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy tích cực hơn nữa. ĐB Hạ nêu thực tế trước khi tăng lương, giá cả đã tăng; do vậy cần có giải pháp bình ổn giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng.

“Tôi ngạc nhiên là hiện nay lương chưa tăng mà đã có một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá rất nhiều lần” - theo ông Hạ.

Vì vậy, vị phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục lưu ý cần khống chế việc tăng giá theo tâm lý, lợi dụng tăng lương để tăng giá. “Nếu không, lương tăng một tí mà các mặt hàng tăng lên, lợi dụng tăng lương để tăng giá thì không còn ý nghĩa” - ông Hạ nói.

Ông Hạ cũng nhấn mạnh khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, theo đó mức giảm trừ gia cảnh cần phải được nghiên cứu. “Khi tăng lương lên 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% mới hợp lý” - ông Hạ nói.

ĐB Phạm Văn Hòa cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng.

“Không thể để tình trạng ‘tát nước theo mưa’ của thị trường, khi mỗi lần Nhà nước tăng lương cơ sở thì thị trường tăng giá theo, gây ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động” - ông Hòa lưu ý.

Tăng giá chủ yếu do tâm lý

Cải cách chính sách tiền lương là việc rất khó. Chính phủ vẫn đang tiếp tục một số giải pháp để thực hiện các nội dung tại Nghị quyết 27, cũng như nghị quyết của QH, Chính phủ; trong đó đặc biệt quan tâm đến kiểm soát về giá, chỉ số CPI.

Chúng tôi có đánh giá khi tăng lương, khả năng CPI tăng khoảng 0,7%, trong khi đó tăng trưởng GDP có thể đóng góp tới 0,21%. Ở đây vấn đề tăng giá chủ yếu do tâm lý, còn do tăng lương cũng có nhưng chỉ một phần.

Chính phủ đã có chỉ đạo, vừa qua Thủ tướng cũng có công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có những chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề này.

Phó Thủ tướng LÊ MINH KHÁI

*****

Đề xuất tăng lương theo tăng GDP

Phát biểu tại nghị trường, ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) tổng kết chúng ta đã trải qua bốn lần cải cách tiền lương, lần gần nhất là năm 2003. Nếu so sánh quy mô nền kinh tế, GDP năm 2003 khoảng 45 tỉ USD, hiện nay GDP là hơn 450 tỉ USD, tăng gấp 10 lần.

nguyen-quang-huan-tang-luong-co-so.jpg
ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đánh giá cải cách tiền lương rất cần thiết, tuy nhiên, ĐB Huân đặt vấn đề cần “cải cách như thế nào?”. “Nên có một cách thức nào đấy, quy quỹ tiền lương của khu vực công, các doanh nghiệp nhà nước theo tỉ lệ GDP. Chúng ta đặt công thức, cứ GDP tăng tới chừng nào thì sẽ thay đổi tiền lương tương ứng. Nói cách khác là tăng lương theo tăng GDP, vì rõ ràng việc cán bộ, công chức quản lý một nền kinh tế 45 tỉ USD với 450 tỉ USD rất khác nhau” - ông Huân nêu quan điểm.

Theo ông Huân, nếu tiền lương cứ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc chỉ đặt mục tiêu để bảo đảm đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức - những người làm việc ở khu vực công. Bởi những người làm việc ở khu vực công ngoài việc tự hào về vị trí xã hội thì họ còn phải được yên tâm về thu nhập thì mới gắn bó lâu dài. Đó cũng là cách “chống tham nhũng ngay từ đầu” - ông Huân nói, đồng thời cho rằng để cải cách toàn diện, cần phải đưa ra công thức tính và căn cứ theo GDP hằng năm.

Đọc thêm