Chiều nay, 26-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.
Trước đó một ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo, thẩm tra và thảo luận tại tổ về nội dung này.
Tăng lương không theo kịp tăng giá
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cho rằng việc cải cách, tăng lương ở những lần trước đây mang lại ý nghĩa rất thấp vì đôi khi không theo kịp tốc độ tăng giá. Do đó, người dân rất mong Chính phủ triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát.
Mặt khác, đại biểu Minh Hoàng cho rằng cần chi trả tiền lương theo mức sống tối thiểu, bởi điều này sẽ góp phần làm giảm bớt, thậm chí triệt tiêu được tham nhũng; giải quyết vấn đề gốc nguồn cơn vấn nạn hiện nay chúng ta phải đau đầu, buồn phiền, thậm chí lo lắng là không biết ngày mai ông cán bộ bự nào, cán bộ to nào lại “vào khám”, lại xin từ chức.
“Cũng vì đồng lương thôi. Nếu không cải cách sớm có khi lại trở thành lỗi hệ thống” – ông Hoàng nhìn nhận.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng mức sống tối thiểu là vấn đề cần phải đạt tới, con số này tùy vào vùng miền sẽ khác nhau. Do vậy để tìm một chuẩn hay sự đồng thuận nào đó về vấn đề này sẽ rất khó khăn.
Cùng một số tiền, với vùng này là đủ nhưng với những địa phương như TP.HCM, Hà Nội... nơi có mức sống tối thiểu rất cao thì lại chưa đủ. “Nếu lấy mức sống của nơi này làm chuẩn cho nơi khác thì sẽ tạo ra sự khác biệt” – ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho rằng với tình hình kinh tế thị trường hiện nay, mức sống tối thiểu là rất khác so với 5-10 năm trước. Trong khi đó, mức lương hiện nay lương khu vực công quá thấp, không tương xứng, không đảm bảo mức sống tối thiểu. “So với khu vực tư nhân, khoảng cách lương của khu vực công còn cách xa rất nhiều” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận và cho rằng điều này sẽ dẫn đến cán bộ, công chức, người lao động thiếu động lực làm việc.
Đại biểu đề nghị tới đây khi định mức sống tối thiểu cần tăng lên và lấy đó làm mức phấn đấu. Nếu không lương của đội ngũ công chức ở Việt Nam so với Campuchia có khi còn thua. “Mức lương như hiện nay là quá thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu” – ông nhấn mạnh một lần nữa.
Làm rõ nguồn chi của 10% quỹ khen thưởng
Đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhìn nhận về tổng thể chung mục tiêu của việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 chưa đạt được. Quốc hội có nghị quyết từ cuối năm ngoái (năm 2023) về việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1-7 nhưng đến nay Chính phủ lại có báo cáo chỉ thực hiện trước mắt một số nội dung (4/6 nội dung).
“Chúng ta thực hiện như thế này hơi nửa vời, chưa rõ. Ví dụ, theo Nghị quyết 27 là bỏ hết lương cơ sở, tính vào bảng lương nhưng đến giờ lại phải tiếp tục thực hiện lương cơ sở, vẫn theo hệ số. Như vậy việc nâng lương lần này chưa chắc đã phù hợp với khi thực hiện hai nội dung còn lại” – ông nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện chưa đủ điều kiện để thực hiện theo chính sách tiền lương mới và nếu không điều chỉnh tiền lương sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến khu vực công. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng Chính phủ phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, xem xét kỹ lưỡng từ khâu xây dựng các chính sách thực hiện chính sách cải cách tiền lương để có giải pháp xử lý.
“Nếu không cứ thế này đến năm sau lại tiếp tục không thực hiện được thì không biết năm sau tại cái gì” – đại biểu Tuấn Anh đặt vấn đề.
Cũng theo đại biểu đoàn Phú Thọ, trong bốn nội dung cải cách tiền lương được thực hiện lần này, điểm mới là tiền thưởng tương ứng 10% quỹ lương cơ bản, đồng thời giao người chủ sử dụng lao động được phân phối nguồn này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lao động.
“Hiện các đơn vị đều có quỹ khen thưởng, cái này cũng để thưởng cho người lao động theo kết quả công tác. Tôi đề nghị làm rõ mối quan hệ 10% này có nằm trong Quỹ khen thưởng không hay phần tăng thêm?” – ông nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết 10% này là phần dành cho cơ quan, đơn vị thực hiện khen thưởng định kỳ, đột xuất với người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có thành tích tiêu biểu, vượt trội trên lĩnh vực công tác khi thực hiện nhiệm vụ được giao. “Đây là vấn đề rất mới” – bà Trà nhấn mạnh.
Thông tin thêm về việc tăng 30% mức lương cơ sở, Bộ trưởng Nội vụ cho biết đây là mức tăng cao nhất từ khi thực hiện cải cách tiền lương. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp luỹ kế ba năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913.300 tỷ đồng, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.
“Tổng nguồn ban đầu thực hiện theo Nghị quyết 27 trong cả ba năm khoảng 786.000 tỉ đồng, tăng khoảng 23%. Tuy nhiên, khi thực hiện điều chỉnh theo như đề xuất của Chính phủ thì con số này là 913.300 tỉ đồng, tăng 127.000 tỉ đồng” – bà Trà nói và cho hay kỳ họp này sẽ đề xuất bổ sung luôn vào nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan của năm 2024.
“Chính phủ sẽ nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn” – Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.
Góp ý thêm, đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn Bình Dương), nhìn nhận đến thời điểm hiện tại, giải pháp đưa ra là tối ưu nhất. Hầu hết các cơ quan đều xây dựng đề án vị trí việc làm nhưng khi tổng hợp lại cả nước thì khó dựa vào đó để ra được thang, bảng lương. Do đó cần phải tiếp tục tính toán và có sự cẩn trọng.
Với việc tăng mức lương cơ sở lên tới 30%, từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng, ông Khảm cho rằng đây là mức tăng rất đáng kể so với những lần tăng lương trước. Đồng thời với việc tăng mức lương cơ sở thì cũng điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo trợ xã hội theo mức nâng cao hơn, đáp ứng sự công bằng giữa các đối tượng.
Vấn đề rất quan trọng đặt ra hiện nay là phải quản lý giá, kiểm soát giá lạm phát để bảo đảm lần tăng lương này thực sự nâng cao được cuộc sống của người hưởng lương. Tuy nhiên, đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị có đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng lương lần này đến ngân sách Nhà nước như thế nào vì số tiền 913.000 tỉ đưa ra là tính cho 2024-2026, còn sau đó thế nào thì chưa xác định được về nguồn cũng như chi phí.
“Quốc hội sẽ điều chỉnh Nghị quyết 104 để làm sao khớp với lần điều chỉnh này. Quốc hội cũng yêu cầu ngay tại Kỳ họp 8 phải báo cáo việc triển khai điều chỉnh chính sách lương, đặc biệt yêu cầu Chính phủ phải sớm có giải pháp để đưa chính sách này vào cuộc sống, để người hưởng lương được thụ hưởng kịp thời, tạo điều kiện thúc đẩy hiệu quả cũng như năng suất lao động, làm việc” – đại biểu Lê Văn Khảm nói thêm.