5 điểm sáng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu 2023

(PLO)- Năm 2023, thế giới chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng đồng thời cũng ghi nhận những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Năm 2023 được đánh giá là năm ghi nhận nhiều tin xấu về khí hậu. Theo đó, nhiệt độ toàn cầu tăng đến mức chưa từng có, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan chết người, bão lũ xuất hiện tại nhiều nơi.

Ngoài ra, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo rằng thời tiết năm tới có thể còn tồi tệ hơn và tình trạng ô nhiễm trên thế giới có thể tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng giữa bức tranh khí hậu tối màu của năm 2023. Theo đó, các kỷ lục về năng lượng tái tạo đã được thiết lập. Ngoài ra, các quốc gia đã đồng ý một thỏa thuận thận trọng nhưng mang tính lịch sử, hướng tới một tương lai không có nhiên liệu hóa thạch.

Dưới đây là 5 điểm sáng nổi bật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu năm 2023, theo đài CNN.

Khu vực sản xuất điện gió ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Năng lượng tái tạo như điện gió được xem là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: GETTY IMAGES

Các dự án năng lượng tái tạo tăng đột biến

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2023 chứng kiến mức tăng công suất năng lượng tái tạo lớn nhất cho đến nay.

Vào dịp Halloween năm nay, Bồ Đào Nha đã tạo nên một kỷ lục về việc sử dụng năng lượng tái tạo. Trong hơn 6 ngày liên tiếp, từ ngày 31-10 đến ngày 6-11, quốc gia với hơn 10 triệu dân này chỉ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Trung Quốc (TQ) cũng đã đạt được những tiến bộ thần tốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Báo cáo của tổ chức Global Energy Monitor được công bố vào tháng 6 cho thấy công suất năng lượng mặt trời của TQ lớn hơn so với các quốc gia còn lại trên thế giới cộng lại. Global Energy Monitor mô tả sự tăng trưởng này của TQ là điều“đáng ngạc nhiên”.

Cam kết tạo đà loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Sau hơn hai tuần đàm phán căng thẳng, giữa tháng 12, các nước tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) đã đưa ra cam kết chưa từng có trong việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt tự nhiên).

Chủ tịch COP28 – ông Sultan Al Jaber (phải) trong phiên bế mạc Hội nghị COP 28. Hội nghị đã thông qua thỏa thuận hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.

Cụ thể, thỏa thuận của Hội nghị COP28 kêu gọi các nước "chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050, phù hợp với khoa học".

Thỏa thuận cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu từ nay đến năm 2030, tăng tốc nỗ lực giảm sử dụng than đá.

Mặc dù thỏa thuận này không yêu cầu thế giới loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch nhưng nó đã đánh dấu lần đầu tiên thỏa thuận của COP đề cập đến việc hạn chế sử dụng loại nhiên liệu này.

Chủ tịch COP28 – ông Sultan Al Jaber gọi thỏa thuận này là “lịch sử”. Ông cũng rằng thỏa thuận này thể hiện “một sự thay đổi mô hình, có tiềm năng xác định lại nền kinh tế của chúng ta”.

Thỏa thuận này phát huy tác dụng ra sao sẽ còn phụ thuộc vào hành động của từng quốc gia. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận về nhiên liệu hóa thạch được xem một bước đột phá và được nhiều người hoan nghênh.

Trả lời CNN, ông John Kerry – Đặc phái viên khí hậu của tổng thống Mỹ – cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị mọi người làm những việc mà họ chưa từng làm trước đây”. Ông cũng mô tả đây là một “thành công lịch sử”.

Nạn phá rừng giảm mạnh ở Brazil

Sau nhiều năm nạn phá rừng Amazon tăng vọt, năm nay, nhà chức trách Brazil đã đạt nhiều bước tiến trong việc ngăn chặn tình trạng này.

Rừng Amazon tại bang Amazonas (Brazil). Amazon có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo dữ liệu từ chính phủ Brazil, từ tháng 7-2022 đến tháng 7-2023, nạn phá rừng ở nước này đã giảm 22,3%. Theo CNN, kết quả này đạt được khi Tổng thống Brazil – ông Luiz Ignácio Lula da Silva thực hiện các cam kết kiềm chế nạn phá rừng.

Ông Marcio Astrini – người đứng đầu nhóm vận động Climate Observatory – mô tả đây là một “kết quả ấn tượng, đánh dấu sự quay trở lại của Brazil với chương trình nghị sự về khí hậu”.

Tuy nhiên, tỷ lệ phá rừng ở Brazil vẫn gần gấp đôi so với mức năm 2012. Theo đó, trong giai đoạn từ tháng 7-2022 đến tháng 7-2023, khoảng 9.000 km vuông rừng nhiệt đới tại Brazil đã phá hủy.

Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Theo các nhà khoa học, việc bảo vệ Amazon được coi là yếu tố quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu.

Nạn phá rừng làm hiện tượng hiệu ứng nhà kính trở nên nghiêm trọng. Theo CNN, phá rừng và suy thoái đất là nguyên nhân gây ra ít nhất 1/10 lượng khí thải carbon trên thế giới, gây biến đổi khí hậu.

Tầng ozon đang hồi phục tốt

Theo các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, tầng ozone đang trên đà phục hồi hoàn toàn, khi các hóa chất ảnh hưởng tầng ozone được loại bỏ dần trên toàn thế giới.

Tầng ozone bảo vệ hành tinh khỏi các tia cực tím có hại. Tuy nhiên, kể từ những năm 1980, các nhà khoa học đã cảnh báo về việc xuất hiện lỗ thủng trên tầng ozone, do các chất gây hại như hlorofluorocarbons (CFC) – được sử dụng rộng rãi trong tủ lạnh, bình xịt và dung môi.

Ảnh minh họa về tầng ozone ở Nam Cực. Khu vực màu tím và xanh dương là nơi có tầng ozone bị thủng nặng, Ảnh: NASA

Kể từ đó, các nước đã tăng cường hợp tác để tìm cách phục hồi tầng ozone. Nghị định thư Montreal có hiệu lực vào năm 1989 đã quy định loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ozone.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, nếu các chính sách bảo vệ tầng ozone được duy trì, từ nay đến nay 2040, tầng ozone dự kiến phục hồi về mức năm 1980 ở hầu hết nơi trên thế giới. Đối với các vùng cực, thời gian để tầng ozone phục hồi có thể kéo dài hơn.

Doanh số bán xe điện tăng đột biến

Sự phổ biến của xe điện đã tăng vọt trong năm nay khi doanh số bán hàng tại Mỹ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Người dân ở TQ và Châu Âu cũng đang mua xe điện với số lượng lớn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vận tải đường bộ là nguyên nhân gây ra khoảng 1/6 lượng ô nhiễm làm nóng hành tinh. Trong khi đó, xe điện được đánh giá là thân thiện với môi trường và khí hậu.

Xe điện giúp hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giúp ích cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo báo cáo của Bloomberg New Energy Finance, người Mỹ đã mua 1 triệu xe điện trong năm 2023. Theo đó, xe điện chiếm khoảng 8% tổng doanh số bán xe mới ở Mỹ trong nửa đầu năm 2023. Tại TQ, xe điện chiếm 19% tổng doanh số bán xe mới và trên toàn thế giới, xe điện chiếm 15% doanh số bán xe mới.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (EAMA), doanh số bán xe điện ở châu Âu đã tăng 47% trong 9 tháng đầu năm 2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới