Trong các tháng đầu năm 2017, tổng đài 1800.6838 hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận và trả lời trên 1.000 cuộc gọi đến. Trong số đó, khoảng 270 cuộc gọi phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại.
Hàng mua rồi khiếu nại cũng như không
Việc mua hàng qua mạng ngày càng phổ biến nhưng không phải thương vụ nào cũng tốt đẹp. Do giao dịch hoàn toàn qua môi trường mạng nên trước sau bất nhất là chuyện rất khó tránh. Có ba nhóm là hàng tiêu dùng thường ngày, điện tử và điện thoại luôn nằm trong nhóm bị khiếu nại nhiều nhất trong các năm qua.
Chị Ngô Diễm (quận Tân Bình, TP.HCM) đặt mua qua trang S. lô quần áo sơ sinh. Nhận hàng xong chị mới phát hiện bị thiếu, phản ánh lại người bán thì bên này nói do chị không kiểm hàng ngay khi nhận nên không chịu trách nhiệm.
Hoặc như chị Kim Tuyến (quận 11, TP.HCM) bỏ nhiều thời gian tra cứu trên mạng tìm mua máy hút sữa. Cuối cùng chọn được nơi giá tốt nhưng nhận hàng rồi chị mới phát hiện chiếc máy bị thiếu chức năng massage. Khiếu nại thì người bán cho biết họ không cam kết có chức năng đó, ảnh chụp sản phẩm mẫu lại quá mờ và bị xóa ngay sau đó nên chị Tuyến đành… cam chịu.
Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý người dân nên mua hàng trên những trang web uy tín, có thông tin liên lạc rõ ràng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chị Vân Phương, một người có nhiều kinh nghiệm mua hàng qua mạng, chia sẻ nên chọn những trang mua bán có điều kiện đổi, trả hàng thuận lợi, không nên mua ở những cửa hàng ngoại tỉnh vì rủi ro rất cao mà chi phí chuyển trả sẽ quá lớn khiến người mua không thể đổi, trả.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, khi mua hàng gián tiếp qua tivi, Internet… người mua không được quan sát trực tiếp sản phẩm, nhiều thông tin không thể rõ ràng. Do đó khả năng thực tế khác xa quảng cáo là rất lớn, chưa kể nguồn gốc xuất xứ cũng rất mập mờ, đặc biệt là trường hợp yêu cầu phải trả tiền trước.
5 khuyến cáo cho bên mua
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết thời gian qua có nhiều vụ việc chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc thì bên bán mới chịu nhận trách nhiệm. Như một trường hợp mua nữ trang của Công ty HT quảng cáo trên truyền hình, khách thấy hàng bị ố màu... Khách khiếu nại nhiều lần nhưng kết quả còn tệ hơn ban đầu. Sau khi Cục vào cuộc, công ty trên mới giải quyết hoàn tiền, nhận lại hàng.
Cục cũng từng nhận đơn phản ánh việc mua bảo hiểm xe máy qua trang web H. Khi nhận giấy bảo hiểm người dùng phát hiện giấy chỉ còn hạn dùng một tuần. Khách khiếu nại thì công ty không giải quyết. Chỉ đến khi Cục trực tiếp liên hệ, nêu ra các quy định của pháp luật thì trang web này mới chịu đổi giấy mới.
Từ đó Cục đưa ra một số lưu ý đối với người mua là:
- Nên mua hàng trên những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng.
- Tìm hiểu kỹ điều khoản bảo hành, giao nhận, thanh toán.
- Tìm thông tin sản phẩm bằng các công cụ so sánh giá, nhận xét sản phẩm.
- Cảnh giác với những trang web/tài khoản Facebook quảng cáo sản phẩm/dịch vụ giá rẻ, yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.
- Cảnh giác với thông báo trúng thưởng phiếu mua hàng mà phải bù thêm tiền; thông báo trúng thưởng nhưng phải đóng thuế/phí để nhận giải.
Về phía chủ web bán hàng, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đề nghị phải rà soát, gỡbỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, mặt hàng cấm hoặc hạn chế kinh doanh; ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin sản phẩm vi phạm pháp luật. Ví dụ chặn theo từ khóa (một số từ như “fake”, “super fake”, “nhái”...), kiểm duyệt bằng nhân sự; phải có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận phản ánh về sản phẩm, hành vi vi phạm trên website của mình.
Chủ sản phẩm không thực hiện các nghĩa vụ trên sẽ bị xử phạt 40-80 triệu đồng theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015.
Bốn cách khiếu nại “cấp cao” Trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại theo các phương thức sau: • Email đến Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương: bvntd@ moit.gov.vn. • Vào trang web Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (www. vca.com.vn) để phản ánh. • Gửi hồ sơ, đơn khiếu nại qua bưu điện tới: 25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. • Gọi vào tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838. |