Ngày hội có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thanh Hưng (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH), ông Nguyễn Đình Vĩnh (Giám đốc Sở GD&ĐT) và lãnh đạo các trường giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, đây là lần đầu tiên Đà nẵng tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh sau khi các trường cao đẳng, trung cấp, giáo dục nghề nghiệp được chuyển giao từ Bộ GD&ĐT về Bộ LĐ-TB&XH.
Ngày hội tư vấn là một trong chuỗi những hoạt động do Sở LĐ-TB&XH chủ trì cùng Sở GD&ĐT, Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức nhằm tư vấn và thông tin về cơ hội nghề nghiệp cho các em học sinh. Từ đó giúp các em có được định hướng “Học nghề gì, ở trường nào cho phù hợp” trong tương lai trước thực trạng, sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp không có việc làm, không đáp ứng đủ kỹ năng làm việc.
Các em học sinh hào hứng tìm kiếm nghề nghiệp trong tương lai. Ảnh: KIỀU TÂM
Theo thống kế, hiện nay có khoảng 200.000 sinh viên ra ra trường mỗi năm không có việc làm, nhưng thực tế con số này còn lớn hơn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đang phải cầm bằng đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Trong khi sinh viên đua nhau vào đại học để rồi ra trường không có việc làm thì các học viên vào các trường nghề ra trường được săn đón, có việc làm ngay và thu nhập cao.
Phát biểu tại ngày hội, ông Nguyễn Văn An (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) cho biết, TP hiện nay có 6 trường cao đẳng nghề, 15 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp nghề, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, 12 trung tâm dạy nghề và 26 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề.
ông Nguyễn Văn An (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, cơ hội việc làm cho người học tại các trường nghề rất cao, học xong là có việc làm ngay, xã hội rất cần. Ảnh: KIỀU TÂM
Tổng quy mô tuyển sinh gần 73.000 HS-SV. Số lượng ngành nghề đào tạo gần 200 nghề ở các lĩnh vực thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng và nông nghiệp.
Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực TP Đà Nẵng đến năm 2020 dự báo nhu cầu lao động làm việc trong các ngành nông nghiệp hơn 33.000 lao động, công nghiệp-xây dựng là 250.000 lao động và ngành dịch vụ là 565.000 lao động.
“Các cơ sở đào tạo cần phải luôn hoàn chỉnh chương trình giảng dạy để nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho người học đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho TP cũng như khu vực Miền Trung-Tây Nguyên", ông An đặc biệt nhấn mạnh.
5.000 học sinh các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng đến tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp, tìm hướng đi mới cho tương lai chứ không phải cứ ào ào vào đại học. Ảnh: KIỀU TÂM.
Được biết, ngày hội hướng nghiệp năm nay có 25 cơ sở đào tạo trên TP tham gia đăng ký gian hàng tư vấn.
Bạn Trương Nguyễn Minh Tâm (Học sinh lớp 12/22 Trường THPT Phan Châu Trinh), chia sẻ: “Chọn được cho mình một nghề phù hợp chính là chọn cho mình được một tương lai tươi sáng. Ngược lại, nếu chọn sai một nghề, chính là đặt mình vào một tương lai không thật sự an toàn và vững chắc…Một ngành nghề và trình độ phù hợp mới phát triển được năng lưc, khẳng định được bản thân và ổn định kinh tế”.
Các em học sinh THPT thực sự bị thu hút trước các ngành nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn. Thầy cô Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng trình diễn cách pha chế đồ uống. Ảnh: KIỀU TÂM.
Chia sẻ về ngày hội, em Nguyễn Thanh Duy (học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà) tỏ ra hào hứng, ước mơ của em là trở thành một kỹ sư điện tử.
“Không đậu đại học em sẽ học nghề, mặc dù bố mẹ thích em học đại học hơn nhưng em chỉ quan tâm tới việc mình có thể được làm đúng ngành nghề mình yêu thích hay không thôi”, Duy cho hay.
Các em học sinh rất thích thú với các nghề được tư vấn trong ngày hội. Ảnh: KIỀU TÂM.
Bạn Phạm Đoàn Phương Nhi (học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Hiền), tâm sự: “Em muốn làm về ngành tài chính. Nhưng việc học rất nhiều hiện tại khiến em bị áp lực. Em cũng chỉ muốn đăng ký vào một trường cao đẳng, sẽ ít áp lực hơn trong cạnh tranh thi cử và em nghĩ chương trình học cũng sẽ phù hợp hơn với em. Em đến ngày hội để tìm hiểu kỹ hơn để đưa ra lựa chọn cho sắp tới”.