Thí sinh không còn mặn mà vào ĐH, CĐ?

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nguồn tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay rất dồi dào. Tuy nhiên, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung vừa qua có hàng loạt trường không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ tuyển được 20%-30% so với chỉ tiêu cần tuyển. Lý giải tình trạng này, PGS-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho rằng nhiều trường ĐH, CĐ nay không còn là đích đến duy nhất của thí sinh (TS).

TS dư nhiều so với chỉ tiêu

. Theo công bố của Bộ GD&ĐT, năm nay nguồn tuyển rất dồi dào, vậy xin bà cho biết cụ thể nguồn tuyển dư bao nhiêu so với chỉ tiêu của các trường?

Thí sinh không còn mặn mà vào ĐH, CĐ? ảnh 1
 
+ PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Nguồn tuyển sinh hằng năm phụ thuộc vào ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) CĐ-ĐH do Bộ GD&ĐT công bố. Năm nay, Hội đồng xác định ngưỡng chất lượng đầu vào thống nhất xác định ngưỡng điểm xét tuyển CĐ là 12 điểm, ĐH là 15 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên). Theo mức điểm này, có hơn 530.000 TS đạt ngưỡng xét tuyển ĐH từ 15 điểm trở lên, đảm bảo số hệ số dư nguồn tuyển là 1,52; trong khi năm 2015 có khoảng 350.000 chỉ tiêu hệ ĐH lấy từ kết quả thi THPT quốc gia.

Cũng theo thống kê, có hơn 620.000 TS đạt ngưỡng xét tuyển CĐ từ 12 điểm trở lên, hệ số dư nguồn tuyển CĐ là 1,8; trong khi năm 2015 có khoảng 150.000 chỉ tiêu hệ CĐ lấy từ kết quả thi THPT quốc gia. Như vậy, với mức điểm sàn năm 2015, hệ số dư nguồn tuyển cao hơn các năm trước, đảm bảo cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

. Sau xét tuyển đợt 1 (1 đến 20-8), có bao nhiêu TS đã trúng tuyển và còn lại bao nhiêu TS chưa trúng tuyển, thưa bà?

+ Kết thúc xét tuyển đợt 1, theo báo cáo của 308 trường ĐH-CĐ (trong tổng số khoảng 400 trường xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia) thì có 370.638 TS đã trúng tuyển ĐH-CĐ đợt 1, chiếm 73% số TS đăng ký xét tuyển (ĐKXT).

Đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung (26-8 đến 7-9), 170 trường có báo cáo chỉ tiêu xét tuyển bổ sung là hơn 130.000. Số lượt TS ĐKXT vào các trường đợt này là hơn 99.000 lượt, hệ số ảo ước tính khoảng 1,5.

Nguồn tuyển, chỉ tiêu và kết quả xét tuyển ĐH, CĐ tính đến ngày 7-9. Ảnh: P.ĐIỀN. Đồ họa: H.LOAN

Do nhiều trường chưa thu hút thí sinh

. Dư luận và nhiều trường đặt câu hỏi phải chăng công tác thống kê của Bộ có sai sót. Bà nhận xét gì về điều này?

+ Các thống kê về số lượng TS được tổng hợp từ số liệu các tỉnh; điểm số của TS được tổng hợp từ các hội đồng thi; chỉ tiêu thì được tổng hợp từ số chỉ tiêu do các trường ĐH, CĐ xác định. Cho đến nay không có trường nào, tỉnh nào, hội đồng nào thấy số liệu của mình sai sót thì số liệu tổng thể khó có thể sai.

. Nguồn tuyển không thiếu nhưng số TS đến các trường nộp hồ sơ trong những ngày qua khá vắng vẻ. Theo bà, nguyên nhân vì sao?

+ Nguồn tuyển không thiếu nhưng các TS không ĐKXT có thể do nguyên nhân sự phân luồng lao động trong xã hội ngày càng hiệu quả. Trước những thông tin mà báo chí phản ánh về con số 170.000 lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp, chắc chắn nhiều TS sẽ phải đắn đo lựa chọn. Đây sẽ là một yếu tố xã hội ảnh hưởng lớn tới phân luồng lao động sau THPT.

Ngoài ra, có một số lượng nhất định TS không nộp đơn xét tuyển tiếp các đợt bổ sung mà ôn tập sang năm thi lại để hy vọng trúng tuyển vào các ngành, trường mà các em yêu thích. Điều này cho thấy những trường ĐH lớn, có uy tín luôn là đích nhắm của TS chứ không phải bất kỳ cơ sở giáo dục ĐH nào còn chỉ tiêu. Đây là sự lựa chọn của TS mà chúng ta cần tôn trọng.

. Việc không tuyển được hết chỉ tiêu đẩy các trường vào tình thế hết sức khó khăn để tồn tại. Vậy theo bà các trường cần phải làm gì?

+ Các trường có thể băn khoăn vì không tuyển đủ chỉ tiêu, điều đó rất chính đáng. Nhưng ở góc nhìn tổng thể về phân luồng lao động xã hội thì đó là dấu hiệu tích cực, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” mà báo chí từng phản ánh. Nếu đã xây dựng trường và đội ngũ giảng viên mà không tuyển sinh được thì cũng lãng phí nguồn lực nhưng đào tạo ra nhiều người thất nghiệp còn lãng phí nhiều hơn.

Ngoài ra, chỉ tiêu ngày nay không còn là kế hoạch được Nhà nước giao. Điều 34 Luật Giáo dục ĐH đã quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH”. Như vậy, kết quả tuyển sinh phản ánh rõ nét đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường.

Từ việc không tuyển sinh được hoặc chỉ tuyển được ở tỉ lệ thấp, một số trường buộc phải đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín và quảng bá “thương hiệu” của mình để năm sau tuyển sinh tốt hơn. Đó là một sự cạnh tranh lành mạnh, cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm