Quyết định 44/2018 về ban hành quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn TP có hiệu lực từ ngày 24-11.
Nội dung quyết định nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác. Đồng thời, trách nhiệm của UBND phường/xã/thị trấn trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Rác đổ trộn lẫn với nhau ngay sau khi thu gom. Ảnh: ĐÀO TRANG
Đối với rác thải sinh hoạt, nếu người dân không thực hiện phân loại tại nguồn thì có thể bị đơn vị thu gom từ chối, thậm chí phải chịu phạt. Dưới đây là bảy lưu ý để người dân thực hiện, tránh chịu chế tài theo quy định.
Thứ nhất, chất thải được phân chia theo nhóm, vì vậy cần lưu ý để phân loại cho đúng. Chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải vô cơ có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh); chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Đối với nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu): Hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể bán, cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc các tổ chức, cá nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Trường hợp không bán hoặc cho thì bỏ chung với thùng chứa rác còn lại.
Tình trạng rác vô cơ không được thu gom cũng là nguyên nhân khiến người dân đi đổ rác trộm. Ảnh: ĐÀO TRANG
Thứ hai, TP sẽ thu gom riêng các chất thải theo lịch: Chất thải hữu cơ gom vào thứ Hai, Tư, Sáu và Chủ nhật; các chất thải còn lại vào thứ Ba, Năm, Bảy.
Tuy nhiên, khi gia đình phát sinh chất thải đột xuất hay có lượng chất thải rắn và có nhu cầu thu gom hằng ngày thì cần trả thêm chi phí cho đơn vị thu gom.
Thứ ba, người dân tự trang bị túi, thùng để phân loại, chứa chất thải; ký hợp đồng chuyển giao chất thải sau phân loại; trả chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Trong đó, TP khuyến khích chất thải hữu cơ đựng trong túi màu xanh, màu trắng. Chất thải còn lại đựng túi có màu sắc khác. Có thể dán nhãn, ghi chữ trên các túi rác để phân biệt.
Tại các trạm chung chuyển cũng mất thời gian trong phân loại rác. Ảnh: ĐÀO TRANG
Thứ tư, người dân được quyền giám sát, phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất quy định hoặc làm rơi vãi rác trong quá trình vận chuyển.
Phía thực hiện thu gom được quyền từ chối khi người dân thực hiện phân loại, chuyển giao chưa đúng theo quy định. Nếu vi phạm quá ba lần trong tuần sẽ bị xử lý theo quy định.
Thứ năm, hộ gia đình, chủ nguồn thải được hỗ trợ nhãn để dán trên nắp, thân thùng, số lượng cấp phát bốn nhãn dán/lần/hộ gia đình, chủ nguồn thải; tần suất hai lần/năm. Sau năm 2020 thì hộ gia đình, chủ nguồn thải không được hỗ trợ nhãn dán.
Thứ sáu, tại các khu vực chưa có chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến thu gom hằng ngày hoặc các chủ nguồn thải, hộ gia đình có nhu cầu ủ chất thải hữu cơ trong khuôn viên thành phân bón, bón cho cây trồng nội bộ thì Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT hướng dẫn trang thiết bị, quy trình thực hiện và triển khai công tác này.
Thứ bảy, trong giai đoạn 2017-2020, TP chưa xử phạt việc phân loại rác ngay mà tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, người dân trên địa bàn biết để thực hiện phân loại.
Đồng thời, về phía chính quyền (UBND quận, huyện) triển khai tổ chức sắp xếp hoàn thiện lực lượng thu gom rác dân lập, tổ chức hệ thống thu gom, vận chuyển riêng chất thải sau phân loại; bảo đảm hệ thống thu gom, vận chuyển phải được tổ chức, vận hành đồng bộ trong việc thu gom riêng.
Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định: Không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng, không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng. |