Gặp báo chí để cung cấp thông tin cách đây ít phút, bà Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cho biết trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ bệnh án, các tài liệu cùng bản tường trình của các cá nhân liên quan… Hội đồng đã thảo luận, khẳng định đây là “thảm họa”, với bảy vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, việc tiếp nhận, khám, đánh giá… rồi lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa Hòa Bình là phù hợp quy trình.
Thứ hai, khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, BV đã dừng lọc máu, cho thở ôxy, sử dụng thuốc và các biện pháp hồi sức tích cực phù hợp với diễn tiến và tình trạng người bệnh.
Thứ ba, với những bệnh nhân có diễn biến nguy kịch, quá trình cấp cứu tại chỗ và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực là phù hợp quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Bà Bùi Thu Hằng thông báo kết luận ban đầu của hội đồng chuyên môn:
(Nguồn: Vnexpress)
Thứ tư, khi xuất hiện một số lượng lớn bệnh nhân cần cấp cứu, bộ phận thận nhân tạo đã báo cáo lãnh đạo viện xin hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên (BV Bạch Mai) là phù hợp với quy chế hội chẩn bệnh nhân nặng do Bộ Y tế ban hành.
Thứ năm, đây là thảm họa lớn và BV còn thiếu kinh nghiệm, phương tiện, nhân lực, kiến thức xử trí.
Thứ sáu, về chẩn đoán, thấy biểu hiện ở 18 bệnh nhân lọc máu sáng 29-5 là tương đối giống nhau nên hội đồng chuyên môn nghĩ đến “hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra”. Biểu hiện là tổn thương đa cơ quan: hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu…
Thứ bảy, về nguyên nhân dẫn tới thảm họa, hiện tại hội đồng chuyên môn chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận. Bởi việc này cần đợi kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi…
Tuy nhiên, với diễn biến quá trình quản lý, sử dụng các máy lọc máu tại đơn nguyên thận nhân tạo, nơi xảy ra thảm họa y khoa, thì hội đồng chuyên môn “nghĩ nhiều đến sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo”.