Hôm nay (31-10), theo nghị trình, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về Báo cáo “kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Đáng chú ý, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất, báo cáo nhận định công tác này đã từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được các địa phương triển khai thực hiện cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cơ bản bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai...
Nhiều địa phương đã chú trọng xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.
Có dự án được bàn giao đất sau 15 năm vẫn bỏ hoang
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát cho rằng chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm. Hiệu quả khai thác, sử dụng đất chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực lớn đất đai...
“Hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn”- báo cáo giám sát nêu.
|
Dự án 152 Trần Phú nằm giữa trung tâm TP.HCM bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát có báo cáo thông tin, đã có 1.739 công trình, dự án đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích hơn 12 nghìn ha.
Cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Công tác quản lý nhà nước về đất đai của UBND các cấp đối với các công trình, dự án sau khi đã được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có lúc, có nơi bị buông lỏng quản lý...
“Vẫn còn một số trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất có diện tích đất chuyển mục đích trái phép khá lớn”- báo cáo dẫn chứng giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh Bình Dương có gần 3.100 ha chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tỉnh Đồng Nai có 126 ha, TP.HCM có bảy ha chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
“Giao đất có thu tiền và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện còn hạn chế. Hầu hết các dự án thực hiện đấu thầu nhưng chỉ có một nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia, trong khi nhiều nhà đầu tư lại hạn chế về nguồn lực nên dẫn đến vi phạm trong quá trình thực hiện dự án gây lãng phí và thất thoát”- báo cáo giám sát nhận định.
Cũng theo báo cáo giám sát, tình trạng công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục còn nhiều. Thời gian chậm đưa đất vào sử dụng của các công trình, dự án thuộc trường hợp này phổ biến từ một đến hai năm, cá biệt có dự án sau 15 năm kể từ ngày được bàn giao đất đến nay đất vẫn bỏ hoang và chủ đầu tư không có văn bản giải trình với địa phương nơi thực hiện dự án.
Cụ thể, dự án Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam bộ (tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích trên 2,1 ha đã được Tỉnh bàn giao đất cho Chủ đầu tư từ năm 2007 theo hình thức không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, sau 15 năm, hiện trạng khu đất có tường rào kiên cố, chưa xây dựng công trình, chưa đưa đất vào sử dụng.
743 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hoá
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương.
“Rất nhiều dự án vi phạm kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý”- báo cáo nêu số liệu tổng hợp chưa đầy đủ các bộ, ngành, địa phương của Bộ Tài chính, giai đoạn này, vẫn còn hơn 743 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là hơn 495 triệu m2. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ cả giai đoạn chỉ có hơn 286 nghìn triệu đồng.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ TNMT cho thấy tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật Đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn lớn. Trong đó, dự án, công trình đã có quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất đã thu hồi hoặc hủy bỏ là 336/575 dự án, công trình, với tổng diện tích hơn gần 100 nghìn ha.
Có 22 tỉnh, thành phố có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ, trong đó, TP.HCM là địa phương thu hồi dự án, công trình nhiều nhất trong cả nước (121 dự án, công trình); thứ hai là Lâm Đồng (61 dự án, công trình); thứ ba là Thanh Hóa (24 dự án, công trình).
Bộ TNMT chậm tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật
Đoàn giám sát đánh giá các tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai còn chưa bảo đảm sự tách bạch và minh định trách nhiệm chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Mặt khác, đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm.
Nguyên nhân chủ quan được xác định do nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai “có nơi, có lúc” chưa đúng, chưa đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế.
“Nhiều bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng liên quan đến thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật”- báo cáo giám sát nêu rõ.
Ngoài ra, một số địa phương giao dự án cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, lãng phí. Công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất cho các nhà đầu tư ở một số dự án chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, thời hạn đưa đất vào khai thác, sử dụng...
Đoàn giám sát cho rằng trách nhiệm chính để xảy ra các tồn tại, sai phạm về đất đai thuộc về các cấp chính quyền địa phương, có sự buông lỏng trong quản lý, thực hiện không đúng các quy định của pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không thông qua đấu thầu, đấu giá); việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm.
“Nhiều cá nhân có thẩm quyền có liên đới lợi ích, tiêu cực tham nhũng khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”- báo cáo nhận định.
Đáng chú ý, Đoàn giám sát cho rằng Bộ TNMT đã chậm tham mưu trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật; Sở TNMT các địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền; chậm tham mưu trong việc xác định giá đất...
Các Bộ: Xây dựng, KH-ĐT chịu trách nhiệm về chậm hướng dẫn tháo gỡ các thủ tục đầu tư, xây dựng, các khó khăn, vướng mắc liên quan trong việc cấp phép xây dựng, xử lý các dự án chậm tiến độ...
Doanh nghiệp nhà nước: Quản lý, sử dụng đất có nhiều bất cập, sai phạm
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, việc quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm.
Đáng chú ý, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn nhưng chưa được doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ. Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý...
Cạnh đó, hầu hết đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty đều không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.
Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 còn nhiều tồn tại. Cụ thể, trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất...
Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch...